Các nhà khoa học cảnh báo việc cơ thể tiếp xúc với thời tiết lạnh giá dù trong thời gian ngắn có thể dẫn tới tê cóng và hạ thân nhiệt đi kèm nguy cơ tử vong.
Trong tuần qua, thời tiết giá lạnh bao trùm nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 58 người. Tuyết phủ trắng 3/4 diện tích đất liền ở đất nước cờ hoa, nhiều tuyến giao thông tê liệt khiến hoạt động phân phối vaccine chống Covid-19 cũng bị gián đoạn.
Giá lạnh bất thường khiến cuộc sống của con người đảo lộn, thậm chí ở những nơi phải nếm trải băng giá chưa từng có tiền lệ như Texas, cuộc sống của nhiều người rơi vào ác mộng với thảm họa mất điện triền miên và kéo theo sau đó là khủng hoảng thiếu nước sinh hoạt.
Giá lạnh khắc nghiệt cũng khiến nhiều chủ trang trại ở các bang nông nghiệp của Mỹ vật lộn để giữ cho tai gia súc khỏi rơi, theo Bloomberg. Các chủ trang trại ở bang Arkansas phải dùng vải che đầu cho những con bê. Ở bang Montana, nông dân phải dính chặt phần tai của bò vào cổ, nếu không muốn chúng rơi ra.
Tại Oklahoma, những con bê mới sinh còn chết hàng loạt vì nhiệt độ xuống thấp. Hiện tượng tương tự cũng từng được ghi nhận ở người trong đợt lạnh kinh hoàng vào cuối tháng 1/2019, khi bác sĩ Stathis Poulakidas làm việc ở Bệnh viện John H. Stroger Jr. của thành phố Chicago, bang Illinois, phản ánh nơi ông làm việc đã tiếp nhận tới 25 trường hợp bị tê cóng (Frostbite), trong đó có những ca nặng phải cắt bỏ ngón tay, ngón chân bị hoại tử do lạnh.
Một chiếc ôtô ở Dallas bị băng đá bao phủ.
Tê cóng nguy hiểm như thế nào?
Trong thời tiết lạnh âm hàng chục độ C, việc da trần của cơ thể con người tiếp xúc với giá lạnh có thể dẫn tới hiện tượng tê cóng chỉ trong vài phút, bác sĩ George Chiampas, chuyên gia về cấp cứu tại Bệnh viện Northwestern Memorial, Chicago, cho biết: "Khi cơ thể bị cái lạnh xâm nhập, phản ứng đầu tiên là hạn chế cấp máu và oxygen tới tay và chân để bảo vệ các cơ quan nội tạng", bác sĩ Chiampas giải thích.
Những dấu hiệu đầu tiên của tê cóng bao gồm ngứa ran hoặc đau ở các vùng bị ảnh hưởng. Khi nhận thấy cơ thể bị tê cóng, con người cần lập tức đi vào trong nhà, kiểm tra dấu hiệu bộ phận cơ thể bị đổi màu hay các biểu hiện khác của tê cóng. Ngón tay, ngón chân và mặt là những nơi thường bị ảnh hưởng.
Đôi khi con người không nhận thấy chuyện gì đang xảy ra bởi những bộ phận cơ thể tê cóng sẽ bị tê liệt, dẫn đến mất cảm giác.
Trong trường hợp cơ thể bị hạ thân nhiệt, tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong, khả năng phán đoán của con người càng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Bộ phận cơ thể tê cóng sẽ đổi màu hoặc phồng rộp.
Các dấu hiệu của tê cóng bao gồm da bị phồng rộp hoặc đổi màu, có cảm giác săn lại bất thường hoặc cứng như sáp. Hiện tượng này có thể dẫn tới tổn thương vĩnh viễn và cắt cụt bộ phận bị tê cóng. Nếu không được kịp thời điều trị, tình trạng có thể diễn biến nguy hiểm hơn. Ở động vật, hiện tượng này dễ xảy ra nhất với vùng tai.
Theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, người bị tê cóng phải tránh sử dụng miếng sưởi hoặc nước nóng bởi không thể cảm nhận chính xác nhiệt độ. Nếu bị tê liệt, bộ phận tê cóng có nguy cơ bị bỏng vì tiếp xúc với nhiệt độ quá cao.
Trước khi được điều trị bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cần giữ bộ phận bị tê cóng trong nước ấm, thay quần áo ấm và khô. Ngoài ra, có thể dùng chăn và nhiệt độ cơ thể để giữ ấm cho bộ phận bị tê cóng, như kẹp ngón tay vào nách.
Trường hợp bàn chân hoặc ngón chân bị tê cóng, cần tránh đi lại hoặc xoa bóp những bộ phận này để không khiến tổn thương trầm trọng hơn.
Hạ thân nhiệt có thể dẫn đến tử vong
Khi cơ thể tiếp xúc với lạnh giá trong thời gian dài, con người sẽ bắt đầu mất đi nhiệt lượng nhanh hơn tốc độ cơ thể có thể sản sinh ra, theo CDC. Nếu cơ thể bị ướt, hạ thân nhiệt sẽ đặc biệt nguy hiểm, kể cả khi nhiệt độ tương đối ấm hơn.
Tình trạng hạ thân nhiệt dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ quan nội tạng chính, có thể gây ra tử vong. Người cao tuổi hoặc có vấn đề về hệ tuần hoàn là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.
Trong giai đoạn hạ thân nhiệt đầu tiên, nạn nhân thường mất phương hướng hoặc buồn ngủ, mất dần khả năng phán đoán. Nói ngọng và nói lắp là những triệu chứng đầu tiên của người bị hạ thân nhiệt.
"Bởi nạn nhân có thể không biết chuyện gì đang xảy ra, họ không thể làm gì để thay đổi tình hình", CDC cảnh báo.
Tiếp xúc với giá lạnh trong thời gian dài có thể khiến cơ thể bị hạ thân nhiệt.
CDC khuyến cáo cần kiểm tra thân nhiệt nếu nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường. Tình hình sẽ trở nên khẩn cấp nếu thân nhiệt giảm xuống dưới 35 độ C, lúc này nạn nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Người bị hạ thân nhiệt cần được đưa vào trong nhà, cởi bỏ quần áo ướt và mặc quần áo ấm, khô. Đồ uống nóng không cồn sẽ giúp làm chậm quá trình hạ thân nhiệt.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bị hạ thân nhiệt có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mạch ngừng đập, ngừng thở. Tuy nhiên, nạn nhân hạ thân nhiệt trông giống như đã chết vẫn có thể được cứu sống nếu được hô hấp nhân tạo đúng cách.
Thời tiết lạnh giá cũng có thể dẫn tới những hiểm họa khác, ví dụ gây đông máu dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Đồng thời, huyết áp có xu hướng tăng khi cơ thể tiếp xúc với thời tiết lạnh.
Các nhà khoa học đã phát hiện máu trở nên cô đặc hơn khi trời lạnh, bởi lưu lượng máu truyền đến da bị giảm nhằm giữ ấm cơ thể.
Ngoài ra, con người dễ gặp các tai nạn như trượt ngã hay tai nạn giao thông khi thời tiết lạnh.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan, điện thoại là một vật dụng cần thiết để liên lạc trong trường hợp cần sự trợ giúp.
Các nhà sản xuất khuyến cáo giữ điện thoại ở nhiệt độ từ 0 đến 35 độ C để tránh khả năng pin điện thoại bị hư hỏng. Khi nhiệt độ xuống dưới 0, nên giữ điện thoại sát người lúc đi ra ngoài trời, để thiết bị này có thể hoạt động trở lại một khi nhiệt độ trở lại bình thường.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)