Vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức buổi Hội nghị giao ban trung cấp giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) năm 2008 tại Sở GD-ĐT TP.HCM. Tại buổi giao ban ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN báo cáo tình hình GDCN ở nước ta còn nhiều khó khăn đặc biệt là sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo.
Tuyển sinh còn nhiều sai phạm
Theo bà Tô Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Hiện nay lĩnh vực GDCN còn rất khó tuyển sinh, bởi nhiều học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THPT muốn thi vào các trường cao đẳng, đại học. Vì vậy trong nhiều năm qua nhiều trường TCCN chưa thu hút được HS đặc biệt là những trường mới thành lập. Tuy vậy, tại TP.HCM, các trường không để xảy ra sai sót và đầu vào cao vì có cơ sở vật chất tốt”. Thành phố hiện đang liên kết với nhiều nước ở khu vực và trên thế giới để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên. Tuy vậy, không phải tỉnh thành nào cũng có thể tuyển sinh và có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên như TP.HCM. Một số trường ở các tỉnh thành khác do không hút được HS vì vậy đã tổ chức tuyển sinh sai quy định. Cụ thể theo báo cáo của Vụ THCN cả nước có 276 trường THCN và 230 trường cao đẳng, đại học, viện, học viện, trường chính trị tham gia đào tạo THCN, nhưng số lượng HS vào không ổn định. Nhiều trường không thực hiện đúng quy trình xét tuyển, quản lý hồ sơ còn lỏng lẻo, lung tung trong việc thực hiện phần mềm tuyển sinh. Đặc biệt nhiều trường thu lệ phí sai quy định như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường CĐ Dược Phú Thọ. Thậm chí nhiều trường đã tự ý ký giấy trúng tuyển khống để có HS như: Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Ninh, Trung cấp Y tế Vĩnh Phúc…
Mặt khác, không ít trường đào tạo liên thông nhập nhằng, mục đích thu tiền của HS là chính. Thời lượng đào tạo ít, thậm chí nhiều cơ sở không có chức năng liên kết. Vì vậy nhiều HS chỉ biết đóng tiền, học nhưng ra trường trình độ chỉ bằng học hết THPT.
Chất lượng đào tạo chưa ổn
Vấn đề đào tạo GDCN hiện nay thật sự chưa làm xã hội yên tâm, bởi chất lượng đào tạo còn có những yếu kém. Cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ giáo viên chắp vá và thiếu trầm trọng. Nhiều giáo viên dạy nghề chỉ nắm được phần lý thuyết, còn thực hành thì “chưa được học”. Không ít các cơ sở lấy những nhân viên của các cơ sở bên ngoài vào dạy thực hành trong trường nên không có phương pháp sư phạm, thậm chí nhiều người trong số đó còn chưa thành thạo về nghề dạy học. Theo bà Thanh Nga: “GDCN hiện nay có một lợi thế là các em vừa học nghề vừa trang bị cho mình một kiến thức văn hóa. Các em có thể học liên thông lên các trường cao đẳng và đại học nếu đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu. Hiện nay các em tốt nghiệp THCS là có thể theo học hệ này ở nhiều trường”. Cửa rộng thênh thang nhưng vì chất lượng đào tạo không ổn vì vậy không thu hút được HS.
GDCN TP.HCM thuộc vào diện đi đầu trong nhiều mặt như cơ sở trường lớp, đội ngũ giáo viên với gần 30 trường. Một số trường có cơ sở vật chất tốt như trường CĐ Thủ Đức, CĐ Phú Lâm, CĐ Lý Tự trọng, TCNV Nam Sài Gòn, TC Vạn Tường… Những HS được đào tạo từ các trường này sau khi tốt nghiệp hầu hết làm việc đúng ngành nghề, và không ít người đã thành công. Tuy vậy hiện nay trên cả nước rất nhiều trường còn hạn chế, tồn tại nhiều yếu kém, ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: “GDCN hiện nay chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, rất nhiều HS sau khi tốt nghiệp không thể xin được việc làm, nếu có thì phải làm trái ngành nghề. Một trong những nguyên nhân đó là GDCN ở nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn về nhiều mặt như: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kéo theo đó là việc chưa thu hút được HS”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)