Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vì sao gọi tên môn học Ngữ văn?

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay vẫn có người thắc mắc: Tại sao tên bộ môn Ngữ văn không phải là văn học hay môn văn mà lại là Ngữ văn? Có người còn lớn tiếng quy kết, như thế là “giết chết” và loại bỏ môn văn ra khỏi nhà trường. Có thật như thế không?


Tiết học môn ngữ văn tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Tên của môn học này nếu gọi đầy đủ thì sẽ rất khó ngắn gọn. Vì thời nào cũng thế, học sinh buộc phải học để biết đọc, biết viết, biết nói – nghe; phải học về Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn… Cho nên, đúng ra phải gọi là môn Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Trong thực tế, đã có thời có 3 bộ sách giáo khoa riêng cho 3 phân môn ấy, nhưng tên môn học chính thức ghi trong chương trình khi thì gọi là Tiếng Việt – Văn, khi thì là Văn – Tiếng Việt, khi thì Văn học và Tiếng Việt. Với một số nước phát triển, chương trình đều lấy tiếng mẹ đẻ để gọi tên môn học này, ví dụ Tiếng Anh (English); Tiếng Đức (Deutsch); Tiếng Pháp (Le Francais); Tiếng Thái (Thai language); Tiếng Hàn (Korean Language)… Ngược dòng lịch sử, ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong giai đoạn Pháp thuộc, môn học này gọi là Việt văn, để phân biệt với Pháp văn. Dương Quảng Hàm (1898-1946) là người đầu tiên gọi môn học này là Quốc văn, trong cuốn sách giáo khoa đầu tiên cho cấp 2 “Quốc văn trích diễm”. Đặng Thai Mai trong công trình “Giảng văn Chinh phụ ngâm” gọi tên môn học là Văn học An Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, chương trình Hoàng Xuân Hãn gọi là môn “Văn Việt Nam”.

Ở miền Nam, giai đoạn 1954-1975, hai tên gọi Việt văn và Quốc văn là phổ biến. Chương trình trung học (1957), do Bộ Quốc gia giáo dục ban hành, gọi tên môn học là Việt văn, bao gồm: Giảng văn, Ngữ vựng, Chính tả và Văn phạm, Tập quốc văn. Bản Chương trình THPT cập nhật hóa ban hành năm 1970, gọi tên môn học là Quốc văn, bao gồm Giảng văn và Văn học sử, Chính tả và Văn phạm, Tập quốc văn. Bản chương trình THPT tổng hợp (1970) cũng gọi là Quốc văn. Các bộ sách giáo khoa thì bên cạnh những tên gọi Việt văn hay Quốc văn thì nó còn dùng khá nhiều những tên gọi khác như: Quốc văn độc bản, Quốc văn toàn thư, Giảng văn, Việt Nam thi văn giảng luận. Ở miền Bắc trong đợt cải cách giáo dục lần thứ hai, từ năm 1956, tên gọi “Văn học” trở thành phổ biến. Tuy nhiên, ở cấp 2 thì gọi là Quốc văn, cấp 3 lại gọi là Văn học. Năm 1964, ở cấp 2, tên môn học lại được gọi là Ngữ văn. Như thế, tên gọi Ngữ văn đã có từ thời chống Mỹ. Đến đợt cải cách giáo dục lần thứ ba (1980), tên môn học được đổi thành Văn học và Tiếng Việt. Năm 1993, chương trình thí điểm chuyên ban ở THPT, môn học này gọi là môn “Văn và tiếng Việt”. Từ năm 2000, tên gọi Ngữ văn được dùng phổ biến cho cả THCS lẫn THPT (ở tiểu học vẫn gọi là môn Tiếng Việt). Sở dĩ gọi là Ngữ văn là vì lần này, thực hiện yêu cầu tích hợp văn và ngữ, học văn dựa vào ngữ và học ngữ qua văn. Yêu cầu tích hợp được cụ thể hóa chỉ trong một bộ sách giáo khoa. Ngoài ra, tên gọi Ngữ văn khá ngắn gọn. Cũng từ đây, phần Văn học có tên gọi mới là Đọc hiểu văn bản. Theo đó, Đọc hiểu văn bản thay cho thuật ngữ “giảng văn” trước đây, vì thứ nhất, nó chỉ hoạt động chủ yếu của học sinh: đọc và hiểu một văn bản. Bên cạnh đọc văn bản văn học, còn có văn bản nghị luận, văn bản thông tin; thứ hai, nó cho thấy hoạt động của giáo viên không phải là giảng cho học sinh nghe theo cách hiểu của mình mà chỉ hướng dẫn học sinh cách đọc, cách hiểu; thứ ba, đó là xu thế quốc tế, nhiều nước dùng thuật ngữ đọc hiểu văn bản (Comprehension Reading). Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, 70 nước tham gia, cũng chỉ tập trung đánh giá trình độ đọc hiểu (Reading Literacy). Chương trình 2018 chỉ kế thừa và tiếp nối chương trình 2006 và cập nhật xu thế quốc tế nên gọi là môn Ngữ văn (ở tiểu học vẫn gọi là môn Tiếng Việt, mặc dù vẫn học văn qua tiếng Việt).

Tên gọi Ngữ văn chỉ mang tính quy ước tương đối. Điều quan trọng là môn học ấy học gì, dạy gì và đặc biệt là dạy và học như thế nào, bằng cách nào… Cũng là tên Ngữ văn, nhưng chương trình 2018 chủ trương dạy cách đọc, cách viết, cách nói, nghe; hình thành cho học sinh năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; không giảng văn như trước đây; kiến thức tiếng Việt và văn học không còn là mục đích mà trở thành phương tiện giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói, nghe). Thông qua đọc, viết, nói nghe mà bồi dưỡng tâm hồn, phát triển phẩm chất và hoàn thiện nhân cách.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)