Thứ trưởng Công Thương cho biết, tỷ lệ 30% để tránh tình huống "oái oăm" là một sản phẩm được thế giới công nhận "made in Vietnam" nhưng Việt Nam lại không.
Theo dự thảo Thông tư mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, một hàng hóa chỉ được xác định là "made in Vietnam" khi đồng thời thỏa mãn điều kiện: Công đoạn cuối cùng không phải gia công đơn giản và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tối thiểu là 30%. Chia sẻ với báo chí ngày 14/8, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh giải thích chi tiết hơn, vì sao tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa không cao hơn 30%, thậm chí tới 50% hoặc 60% như một số quốc gia.
Ông Khánh nói, nếu bổ sung điều kiện sẽ dẫn tới tình huống 'oái oăm' là cả thế giới công nhận, còn riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là của mình". Bởi thực tế, nhiều sản phẩm Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng gia tăng nội địa 30% đã được công nhận là xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới.
Hàng hoá ghi nhãn "made in Vietnam" khi có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa tối thiểu 30% và công đoạn sản xuất cuối cùng không phải gia công đơn giản.Ảnh: T.L
Ông cũng đơn cử, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC) và cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên. Chẳng hạn, với hàm lượng giá trị khu vực 40% trong ASEAN thì 1 sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D.
Các công đoạn được coi là gia công đơn giản gồm: – Bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho – Lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại, lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần; thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp; – Dán nhãn, mác, dấu hiệu phân biệt lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm. – Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại. – Lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. – Giết, mổ động vật. |
Dự thảo Thông tư "made in Vietnam" quy định chặt hơn, nghĩa là tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. "Như thế nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D, nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam", ông Khánh nêu.
Sản phẩm không đủ điều kiện thì ghi xuất xứ nước nào?
Dự thảo Thông tư đưa ra các tiêu chí xác định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Băn khoăn đặt ra, với một sản phẩm không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa Việt Nam sẽ ghi xuất xứ của nước nào nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau?
Giải thích điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định Nghị định 43/2017. "Tức là doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam", ông nói.
Ngoài ra, trường hợp vi phạm, theo quy định tại dự thảo, Tổng cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền khác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quá trình thực thi. Trường hợp phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý sẽ tùy theo mức độ vi phạm để đưa ra chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Cũng theo ông, việc đưa quy định hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hay quá cảnh Việt Nam không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam. Đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại, trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. "Có quy định này, cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Bản dự thảo lần đầu Thông tư được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn một năm "thai nghén", trong đó quy định hàng hoá phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30% và công đoạn sản xuất cuối cùng không phải là những thao tác gia công đơn giản thì mới được coi là "sản phẩm của Việt Nam".
Theo Nguyễn Hoài/Vnexpress
Bình luận (0)