Hàng nghìn nông dân ở các huyện miền núi Thanh Hóa chuyển đổi diện tích đất đang trồng cây lâm nghiệp sang trồng cà phê chè. Không lâu sau, hàng nghìn hécta cà phê, chè chết ráo. Nông dân thành con nợ.
Phá sản
Ông Lô Quang Thanh, ở bản Cọc, xã Thanh Lâm, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) đang kiểm tra lại 50 hồ sơ vay vốn của các hộ dân trong bản Cọc theo hình thức thế chấp sổ đỏ để tham gia dự án
|
Từ năm 1999 – 2001, gần 5.000 hộ tại các huyện Như Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Yên Định của tỉnh Thanh Hóa tham gia thực hiện dự án trồng cà phê của tỉnh này. Các hộ nông dân này ký hợp đồng vay vốn với Cty Cao su Thanh Hóa.
Theo hợp đồng, Cty này nhận giữ 2.550 sổ đỏ, 1.488 hợp đồng giao khoán đất và 11 giấy xác nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân tham gia dự án để làm thế chấp vay vốn ngân hàng.
Đến hết năm 2003, tổng diện tích cà phê trồng tại những xã miền núi ở các huyện nêu trên là 4.009,37 ha. Tổng số vốn cho các hộ trong vùng dự án vay đến ngày 30/6/2004 để chăm sóc cà phê là 96,089 tỷ đồng; trong đó tiền gốc 76,345 tỷ đồng, tiền lãi 19,738 tỷ đồng.
Sau khi sáp nhập vào Tổng Công ty Cao su Việt Nam, thực hiện biên bản cam kết giữa Tổng Công ty với UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cao su Thanh Hóa cùng với Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thanh Hóa, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, UBND các huyện tham gia dự án cà phê tiến hành kiểm kê, phân loại chất lượng vườn cà phê, trong đó khẳng định hầu hết diện tích cà phê đã chết.
Theo Cty, nguyên nhân cây cà phê trồng ở Thanh Hóa bị chết do thời tiết, khí hậu diễn biến bất lợi cho việc sinh trưởng, phát triển loại cây này. Nhưng theo các hộ nông dân trực tiếp trồng cà phê nguyên nhân chính là do loại cây này không hợp với chất đất ở địa phương. Hầu hết số diện tích trồng cà phê đều không có hệ thống thủy lợi, nên việc tưới không thực hiện được.
Theo số liệu thống kê, gần 4.000 ha cà phê không cho thu hoạch, nên hầu hết các hộ đều không trả được nợ gốc và lãi vốn vay cho ngân hàng. Công ty Cao su Thanh Hóa đang giữ 2.510 sổ đỏ và các giấy tờ liên quan đất đai của các hộ. Do đó, hàng nghìn hộ nông dân ở các địa bàn nêu trên rơi vào tình trạng mắc nợ vì cây cà phê chè.
Ngày 15/9/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn (số 3608/UBTH – NN) gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị xem xét xóa nợ đối với diện tích cà phê mất trắng, xấu và quá xấu không còn khả năng phục hồi là 3.409,2 ha, với tổng số tiền đầu tư tương ứng 79,7 tỷ đồng.
Bao giờ được xóa nợ?
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân, nợ từ dự án phát triển cây cà phê chè của huyện này tính đến nay đã lên tới hơn 58 tỷ đồng.
Nhiều diện tích trồng cà phê ở huyện Như Xuân trước kia, nay đã được phủ một màu xanh của cây keo Ảnh: Hoàng Lam
Ông Đặng Thông Tư – Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: Huyện đang lúng túng trước việc 2.884 hộ nông dân luôn đề nghị huyện có biện pháp can thiệp để họ có thể rút được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và các giấy tờ liên quan đến đất đai của mình.
Địa phương nhiều lần đề nghị việc này lên tỉnh, tỉnh cũng đề nghị lên trung ương, nhưng hơn bốn năm qua tất cả vẫn phải chờ quyết định của cấp trên.
Hiện, được sự đồng ý của ngành chức năng, người dân được phép mượn sổ đỏ đang bị thế chấp photocopy công chứng để thực hiện các giao dịch cần thiết.
Hoàng Lam (TPO)
Bình luận (0)