Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao học sinh mất phương hướng?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nhiều học sinh đang dần mất phương hướng trong học tập – đó là điều mà nhiều người đang nhìn thấy và hơn ai hết, các em đang tự hỏi: “Mình đang học vì cái gì ?”. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn tới hiện tượng này. Sau đây là một số nguyên nhân chính:

Một là: Sự tác động mạnh mẽ của xã hội, của nền kinh tế thị trường vào trường học. Những áp lực xã hội luôn đè nặng lên học sinh mà lứa tuổi các em còn non nớt, chưa thể chịu đựng cao được. Trong lớp học có các hoàn cảnh khác nhau, từng nhóm chơi thân với nhau theo “đẳng cấp gia đình”! Đa số học sinh là con em người lao động, viên chức nên rất dễ bị tổn thương tình cảm, tinh thần khi các phe nhà giàu thi nhau “nổ” …

Hai là: Tư tưởng “học để làm quan”, học để “ngồi mát ăn bát vàng”… vẫn còn khá nặng nề trong xã hội. Họ bất chấp con mình thích cái gì, thế mạnh là cái gì, năng khiếu ra sao mà chỉ biết bắt ép, gò con vào “khuôn vàng thước ngọc” làm sẵn để thực hiện ước mơ của… cha mẹ! Đúng là nhiều khi trẻ không biết mình học vì mình hay học vì cha mẹ? Tôi từng chứng kiến một học sinh được cha mẹ “thuê” đi học, mỗi ngày “thuê” hết 100 ngàn! Em cho biết em không muốn vào trường chuyên nhưng cha mẹ bắt thi và bắt học nên “giao kèo” thuê em đi học. 

Ba là: Chương trình học quá nhiều môn (có 13 môn học), chưa kể các môn ngoại khóa khác; các chương trình lồng ghép khác. Điều này làm cho kiến thức thêm dàn trải, lan man, quá nặng so với tâm sinh lý lứa tuổi! Nhiều môn học xa rời thực tế, xa rời cuộc sống nên học sinh thấy chán nản. Tuy có giảm tải nhưng với cách thi cử hiện hành thì việc giảm tải chưa thực sự có tác dụng.

Bốn là: Kiến thức học được trong nhà trường và cuộc sống ngoài xã hội còn vênh nhau. Những tiêu cực, cái xấu vẫn lộng hành, dễ thấy; còn cái tốt đẹp khó nhìn thấy. Từ đó nó tác động không nhỏ đến các em, làm cho các em nhiều khi hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống, vào những lời thầy cô dạy trên lớp…

Năm là: Nhà trường mải chạy theo thành tích, không chú ý đến việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh; chưa tạo mọi điều kiện để phát huy những thế mạnh của từng học sinh. Có thể quy định đồng phục về trang phục nhưng không thể “đồng phục” trong suy nghĩ, trong khát vọng, ước mơ của các em.

Vai trò của nhà trường rất lớn trong việc tìm lại phương hướng cho học sinh. Học để làm người tử tế, người có ích cho gia đình, cho xã hội; học để hiểu biết; học để có một nghề nghiệp tương lai sau này. Nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình, với xã hội để chung tay giáo dục, giúp các em tìm lại chính mình trong học tập và rèn luyện khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thạch Hoàng Sa

Bình luận (0)