Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao học sinh sợ đi vệ sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà vệ sinh trường học quá tải, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu tất tật mọi thứ để đảm bảo… vệ sinh vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.
Trường điểm, nhà vệ sinh quá tải!
Ấn tượng của buổi đi học lớp 1 đầu tiên ở trường tiểu học của bé Định (Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) không phải là bất cứ điều gì khác mà lại chính là cái… nhà vệ sinh. Khi đón bé về sau buổi tựu trường, cả nhà dồn dập hỏi bé: trường tiểu học thế nào, có thích hơn trường mầm non không?… Định xị mặt lắc đầu: “Nhà vệ sinh của trường mới hôi lắm, không sạch như ở trường mầm non, cũng không có nước để rửa tay sau khi đi vệ sinh như cô giáo dặn”. Cả nhà chưng hửng nhìn nhau. Dường như không ai tính đến điều này, cũng không ai nghĩ rằng ấn tượng của một đứa trẻ về nhà vệ sinh ở trường học lại ám ảnh đến vậy.

Nhà vệ sinh trường học, nhìn thấy là sợ! – Ảnh: K.A
Khi chuẩn bị cho một đứa trẻ đến trường học, các phụ huynh thường lo tới rất nhiều việc, nào là quần áo, sách vở, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe… những chắc ít gia đình ngờ tới việc trẻ sẽ bị “choáng” ra sao khi phải đi giải quyết nhu cầu tối thiểu ở trong những nhà vệ sinh vừa bẩn vừa chật chội ở trường học.
Ngay tại Hà Nội, cuộc khảo sát mới đây về nhà vệ sinh tại 968 trường học ở khu vực nội thành cho thấy, có tới 407 trường thiếu nhà tiểu, 201 trường thiếu nhà tiêu cho học sinh. Còn ở khu vực mở rộng thì có tới gần 1.000 trường học thiếu nhà vệ sinh. Có hơn 90% các trường không có nơi rửa tay sau khi học sinh ra chơi trở lại lớp học.
Có một nghịch lý là càng nhiều trường “điểm” thì nhà vệ sinh trường học càng là nỗi sợ của học sinh. Đơn giản chỉ vì những trường điểm này thường nằm ở trung tâm thành phố, diện tích chật hẹp, lại là những trường xây dựng lâu năm nên nhà vệ sinh đã xuống cấp theo thời gian. Hơn nữa, những trường “điểm” cũng đồng nghĩa với tình trạng quá tải về học sinh. Theo quy định, sĩ số của bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp nhưng ở những trường này thì sĩ số từ 50-60 học sinh/lớp là chuyện vẫn thường xảy ra.
“Có một thực tế ở nhiều địa phương, sự quan tâm đến nhà vệ sinh còn ít. Điều này cũng có thể lý giải là khi ngay cả phòng học còn tạm bợ, thiếu thốn thì nhà vệ sinh cho trường học đó chưa được trở thành mối quan tâm đặc biệt. Còn tại các thành phố lớn, quan niệm về nhà vệ sinh đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn cũng là vấn đề được lưu tâm nhưng lại vấp phải một thực tế là lượng học sinh đông, phân bố không đều giữa các trường, trong khi diện tích trường học không thể mở rộng. Có những nơi cho dù có tiền cũng khó có chỗ để xây nhà vệ sinh. Ngược lại ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì gặp khó khăn lớn về kinh phí. Từ năm học 2008 – 2009, việc Bộ GD-ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng là một trong những động thái của Bộ GD-ĐT nhằm thay đổi thực trạng trên”.
Ông Trần Duy Tạo – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em – Bộ GD-ĐT
Theo lý giải của các vị hiệu trưởng thì: Khi xây dựng trường, diện tích dành cho các công trình phụ như nhà vệ sinh được tính toán theo số học sinh, số lớp. Tuy nhiên, do được tín nhiệm và mang danh “trường điểm” nên học sinh ồ ạt đổ vào, phòng học cũng quá tải thì nhà vệ sinh của trường đương nhiên cũng trở nên quá tải theo. Trường Tiểu học N.T.C là một ví dụ, gần 3.000 học sinh của trường chỉ có hai khu vệ sinh, mỗi khu diện tích khoảng 20m2. Tương tự, trường Tiểu học K.L, hơn 3.000 học sinh chỉ có 3 nhà vệ sinh. Thậm chí, có những trường do nhà vệ sinh quá tải nên đã đưa ra quy định oái oăm: đến một giờ nhất định, học sinh phải xếp hàng để vào… đi tiểu.
Bệnh thành tích
Khi phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, một trong những tiêu chí để trở thành trường học thân thiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra là trường học phải có nhà vệ sinh. Một ông giám đốc sở GD-ĐT tâm sự: thiếu nhà vệ sinh trường học là vấn đề của lối tư duy cũ để lại. Ai cũng biết cần phải giải quyết nhưng không thể làm một sớm, một chiều. Nếu đặt ra quy định trong 1 năm phải giải quyết vấn đề này thì sẽ rất dễ sa vào bệnh thành tích về nhà vệ sinh. Bởi rất nhiều xã vùng cao vẫn đang trong tình trạng khan hiếm nước sạch nên nếu có xây nhà vệ sinh thì cũng để đó mà thôi.
Bệnh thành tích mà ông giám đốc Sở GD-ĐT trên lo ngại cũng đã xảy ra ở một số nơi. Khi quy định của Bộ đặt ra, nhiều trường cấp tập xây nhà vệ sinh nhưng lại không tính đến hiệu quả sử dụng mà chỉ xây để treo biển, để ai đến kiểm tra cũng thấy có đầy đủ nhà vệ sinh theo yêu cầu. Nhưng thực tế, nếu mục sở thị đột xuất thì sẽ thấy, nhà vệ sinh này quanh năm cửa đóng then cài vì lo tốn nước, tốn giấy và không có người dọn dẹp.
Mới đây, theo kết quả kiểm tra phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại 14 tỉnh, TP trên cả nước gồm: Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, có gần 3.000/11.000 trường được kiểm tra không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo chất lượng. Cụ thể có khoảng 1.200 trường mầm non nằm trong tình trạng trên, chiếm 32% so với số trường đã kiểm tra; gần 1.000 trường THCS, chiếm 36%; 900 trường tiểu học, chiếm 22%; 100 trường THPT… Trong đó Nghệ An có đến 900/1.600 trường chưa có công trình vệ sinh và nước sạch hợp vệ sinh. Thanh Hóa có trên 1.200/2.100 trường chưa có nhà vệ sinh hoặc công trình vệ sinh xuống cấp, không đạt yêu cầu.
Nghĩ đến là rùng mình!
Phần lớn nhà vệ sinh của các trường học ở Đà Nẵng vẫn trong tình trạng không đảm bảo. “Nghĩ đến đi vệ sinh là rùng mình” đó là tâm lý chung của phần lớn những học sinh đang theo học tại trường bán công Năng khiếu Đà Nẵng (đóng tại Nhà văn hóa Thiếu nhi TP). N.T.H – một học sinh của trường tiết lộ, cứ mỗi khi muốn tiểu tiện, nghĩ đến nhà vệ sinh của trường là… cắn răng cố nhịn cho đến giờ tan học. Còn mẹ của H. thì kể đầy lo lắng: “Cứ đến chở nó về nhà thì việc đầu tiên là nó chạy bay vào nhà vệ sinh. Hỏi ra mới biết, suốt cả mấy tiết học, nó phải nhịn vì không dám đi vào nhà vệ sinh của trường, vừa bẩn, vừa hôi hám không chịu nổi. Thật là lo!”.
Theo Bộ Y tế và UNICEF, ở khu vực trường học: có 5,1% số trường phải dùng nước sông, ao, hồ; 20,1% trường không có nước và hơn 52% trường không cung cấp nước uống cho học sinh trong thời gian ở trường; 88% trường học ở nông thôn không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn (do Bộ Y tế ban hành) và phần lớn không có khu vực dành để rửa tay cho học sinh.
Trong cuộc trao đổi về nhà vệ sinh, L.M.T – học sinh trường THCS Trần Hưng Đạo hớn hở, năm trước (năm học 2007-2008) T. cũng hãi hùng không kém bởi nhà vệ sinh chỉ mới nghĩ đến thôi là đã phát ớn; cứ bước vào nhà vệ sinh của trường là muốn… nôn.
Nhưng năm học vừa qua (2008-2009) trường đã cải tạo lại toàn bộ nhà vệ sinh, thậm chí còn sơn vẽ trong đó, tạo cảm giác thân thiện, nên đến trường đã bớt cảm giác lo âu mỗi khi muốn đi vệ sinh. Vậy mà đến khi hỏi về vấn đề rửa tay bằng xà bông sau khi đi vệ sinh. T. cười xòa: “Trong trường học có xà bông rửa tay sau khi đi vệ sinh, chắc chỉ là chuyện không tưởng. Xà bông sao cho xuể, cứ đi xong, rửa tay qua loa chút rồi chạy!”. Theo quy định của ngành y tế thì nhà vệ sinh phải có đủ ánh sáng, nước dội, vòi nước, xà bông rửa tay, không có mùi hôi, không bị đọng nước hay xuống cấp. Nhưng xem ra, quy định này chỉ nằm trên… giấy, trong thực tế thì hết sức khó mà thực hiện.
Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Q.Hải Châu nhận xét, hệ thống nhà vệ sinh của tất cả các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng đều không đủ chuẩn. Theo một tài liệu mà thầy thu thập được, trường học có hệ thống nhà vệ sinh đúng chuẩn là 100 học sinh/bàn ngồi và 50 học sinh/m2 tiểu tiện, nhưng phần lớn các trường đều không đủ chuẩn này. Đặc biệt các trường tiểu học có bán trú, vấn đề vệ sinh là hết sức nghiêm trọng. Thông thường, sau giờ ngủ trưa dậy, hầu hết tất cả các em đều có nhu cầu, nhưng hệ thống nhà vệ sinh quá ít ỏi, khiến cho hàng trăm em phải đứng dồn trước nhà vệ sinh chầu chực, nín nhịn trong thời gian dài, dễ gây bệnh và cực kỳ nguy hiểm. “Ở nhà các em 1-2 người dùng chung một toa-lét, lên trường phải chờ đợi, chung đụng, hôi hám, nên phần lớn các em đều cảm thấy rất bất an mỗi khi đi vệ sinh. Tâm lý đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ”, thầy hiệu trưởng nhận định.
Diệu Hiền
Tuệ Nguyễn (TNO)

Bình luận (0)