Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao học sinh thờ ơ với môn sử?

Tạp Chí Giáo Dục

Là giáo viên dạy môn lịch sử lâu năm nên tôi thường trăn trở về bộ môn này, nhất là xu thế càng ngày học sinh càng muốn xa rời môn học này. Theo tôi, lịch sử là bộ môn khoa học xã hội hữu ích và rất đáng yêu. Tôi không muốn đổ lỗi cho chương trình nhưng thấy kiến thức học sinh phải tiếp nhận quá nhiều, dài và ôm đồm. Ví dụ, về sử thế giới – bài “Các nước châu Âu – châu Mỹ”- tại sao lại phải phân chia ra bốn giai đoạn và chia nhỏ ra như thế để làm gì? Rất vô lý và chia như thế làm cho các em học sinh khó thuộc, khó nhớ bài mà thôi. Còn sử Việt Nam tại sao phải nắm những số liệu quá chi tiết như số máy bay, xe tăng, quân địch bị ta tiêu diệt… (phần Chiến tranh cục bộ). Trước đây, thế hệ chúng tôi rất yêu thích môn học này nên nhớ hết các gương anh hùng liệt sĩ, còn bây giờ học sinh hầu như không biết nhiều về cuộc đời các vị anh hùng một thời đánh giặc đã hy sinh như Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Nguyễn Viết Xuân… và hiện nay vẫn còn sống cùng thời đại chúng ta như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Lê Mã Lương… Câu trả lời cũng rất dễ, vì trong sách không có những câu chuyện đầy giá trị lịch sử của những con người đó. Một ví dụ khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là 1 trong 10 vị tướng tiêu biểu của thế giới nhưng trong sách giáo khoa không hề nói tới, học sinh không biết rõ tiểu sử dù ông đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (trừ sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mà sách giáo khoa có đề cập). Chiến thắng đế quốc Mỹ cũng không thấy sách giáo khoa nhắc tới công trạng các vị tướng như Văn Tiến Dùng, Hoàng Văn Thái… không biết ai chỉ huy các chiến dịch trong năm 1975. Rồi cả Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thời kỳ đổi mới cũng không được sách đánh giá đúng vai trò của người tiên phong. Chính chương trình đã làm cho học sinh thờ ơ với lịch sử và các danh nhân, còn sách giáo khoa làm cho người học phải “chạy” theo sự kiện. Nhiều ý kiến đưa ra có phần xác đáng là người biên soạn sách giáo khoa không ngồi học, nên không hiểu thực tế không biết học sinh cần tri thức gì. Vì thế người biên soạn sách phải là giáo viên trực tiếp đứng lớp, phải thường xuyên dự giờ thăm lớp. Chúng tôi mong muốn sách sử phải nhấn mạnh các nhân vật lịch sử có tác dụng giáo dục tư tưởng, bớt nặng nề và gắn kết chặt với thực tiễn xã hội.

Nguyễn Minh Hà
(nguyên GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)