Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vì sao hơn 220.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tổng số hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ đào tạo sư phạm năm nay, có 222.500 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp năm 2021   	 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp năm 2021. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Xu thế những năm gần đây
Kể từ năm 2015, khi Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích vừa dùng để xét tốt nghiệp, vừa làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, hằng năm luôn có một tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển ĐH. Có năm, tỷ lệ này lên tới 32%, khoảng 290.000 thí sinh.
Học phí tăng khiến học sinh né đại học ?
Đưa ra một góc nhìn khác, GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc các trường ĐH tự chủ dẫn đến học phí tăng so với những năm trước đây, là một phần khiến người học phải suy nghĩ lại.

“Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một nhà nuôi 2 – 3 con ăn học, chắc chắn phụ huynh sẽ phải cân nhắc. Học phí và chi phí sinh hoạt khi học tại một số trường ĐH ở thành phố lớn từ 40 – 60 triệu đồng/năm, quá sức với nhiều người. Vì thế, có thể các em sẽ chọn học nghề với mức học phí thấp hơn, lại có thể sớm đi làm có thu nhập”, GS Kiên cho biết.

Nhận định về việc này, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho hay: “Đây là xu thế những năm gần đây, các trường ĐH không còn chiếm vị trí độc tôn trong lựa chọn của thí sinh nữa. Tâm lý của phụ huynh và học sinh (HS) cũng có phần thay đổi, khi có không ít người tìm hướng đi phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực học tập của bản thân hơn là bằng mọi giá phải vào ĐH. Công tác phân luồng tại các trường THPT cũng tốt hơn, HS được định hướng nghề nghiệp kỹ. Các em có nhiều cách để vào đời, trong đó có học ĐH, học nghề, đi làm, du học…”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nhìn nhận điều này thể hiện sự dịch chuyển tích cực trong xu hướng chọn ngành, chọn nghề của HS. “Những thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH chứng tỏ đã xác định rõ nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở trường, hoàn cảnh gia đình. Việc này cũng phù hợp với định hướng của ngành giáo dục khi thực hiện phân loại HS theo định hướng nghề nghiệp ngay từ khi học THPT. Mặt khác, các trường ĐH cũng thuận lợi hơn trong việc xét tuyển, hạn chế thí sinh ảo và nâng cao chất lượng đào tạo”.
Có nhiều phương thức xét tuyển vào đại học
Theo tiến sĩ Lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn mang yếu tố quyết định trong việc xét tuyển ĐH vì hiện nay còn nhiều phương thức khác.
Trường ĐH hiện vẫn giữ ổn định phương án tuyển sinh
Đến thời điểm này, mặc dù dịch Covid-19 đang căng thẳng nhưng đại diện các trường ĐH cho biết tạm thời vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh đã đưa ra trước đó.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, thông tin: "Hiện nhà trường chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh phương án xét tuyển và vẫn đang theo dõi tình hình, các điều chỉnh của Bộ GD-ĐT. Nếu Bộ chưa có thay đổi hay điều chỉnh gì về kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trường vẫn giữ các phương thức và chỉ tiêu như đã công bố".
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho hay công tác tuyển sinh bằng các phương thức tại trường vẫn diễn ra bình thường và chỉ tiêu tuyển sinh của các phương thức vẫn giữ nguyên. "Thời điểm này, trường vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM bằng hình thức trực tuyến cũng như qua đường bưu điện. Riêng phương thức xét bằng điểm tốt nghiệp THPT thì trường phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Nếu dịch Covid-19 khiến kỳ thi bị lùi thời gian thì trường cũng sẽ lùi thời gian xét tuyển theo".
Tại ĐH Đà Lạt, trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 31.5. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo của trường, chia sẻ: "Kế hoạch tuyển sinh của trường vẫn không có gì thay đổi. Nếu trường có điều chỉnh thì cũng phải chờ đợi thông tin mới từ Bộ GD-ĐT".

Chẳng hạn mấy năm gần đây, cơ hội học ĐH dành cho thí sinh đã tới trước bằng phương thức học bạ hoặc các phương thức đánh giá năng lực. “Ngoài ra, thí sinh còn lựa chọn bậc học phù hợp hơn với điều kiện kinh tế, năng lực cá nhân, thông qua các trường CĐ, trung cấp hoặc đi du học. Một nguyên nhân khác, việc học ĐH đã trở nên gần như phổ cập khiến tình trạng học xong không đi làm hoặc làm không đúng ngành nghề cũng thay đổi xu hướng lựa chọn của những thí sinh này”, tiến sĩ Lý nêu quan điểm.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin tỉnh có 13.197 HS lớp 12 thì có 2.636 em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Bà Châu lý giải: “Các em có định hướng nghề nghiệp và cách lựa chọn đường đi khác nhau. Trong số gần 3.000 HS đó, có em chọn cách du học, có em đã đủ điều kiện đậu ĐH bằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, hoặc bằng xét tuyển học bạ, chỉ còn chờ thi tốt nghiệp đậu là nhập học. Những em còn lại chọn đi học nghề”.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Định, cũng có khoảng hơn 2.000/18.020 HS lớp 12 không xét ĐH bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỉnh Ninh Thuận, con số này là gần 1.300/6.000, tỉnh Đắk Nông 1.581/5.124…
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, cho rằng thí sinh có nhiều cách để vào ĐH. Vì thế, nhiều em xét học bạ để giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc có em vì hoàn cảnh gia đình muốn đi học nghề để sớm ra trường đi làm.
Vì sao hơn 220.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp ? - ảnh 1
Học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh từng khu vực có lựa chọn riêng
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, phân tích tùy từng địa phương mà thí sinh có những lý do để lựa chọn xét tuyển ĐH hay không. “Chẳng hạn có nhiều địa phương phía bắc, các em học xong lớp 9, 12 được các doanh nghiệp công nghệ, sản xuất tuyển vào đào tạo và làm việc với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, HS học xong lớp 12, gia đình lại muốn con đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động. Còn khu vực miền Trung, đa số các em học xong THPT là quyết tâm thi để xét tuyển vào ĐH”, thạc sĩ Phùng Quán nhận định.
Trong số những thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp đó, theo thạc sĩ Phùng Quán, cũng có nhiều em chọn cách xét tuyển học bạ tại một trường ĐH ở gần nhà, vẫn đậu ĐH mà lại tốn ít chi phí hơn.
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)