Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Vì sao ít học sinh thi khối C ?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay chỉ có 8% học sinh thi khối C, phụ huynh ngày càng ít muốn con theo học ngành xã hội… khiến người ta lo ngại về tương lai của khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV).
PV Tiền Phong Online đã gặp GS.TS Nguyễn Kim Sơn, phó Hiệu trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội để tìm lời giải đáp.
Sinh viên ĐH KHXH&NV. Ảnh minh họa
Người ta thích cái gì, tôn sùng cái gì?
Thưa GS, năm nay, chỉ có khoảng 8% tổng số thí sinh thi ĐH là đăng ký khối C. GS nghĩ gì về con số này?
Đúng là hiện nay, các ngành kinh tế, công nghệ đang ngày càng thu hút mạnh thí sinh, còn KHXH&NV thì chưa có được vị trí xứng đáng. Một nguyên nhân là những giá trị xã hội và giá trị nhân văn của chúng ta đang có những điểm bất ổn, xét về nhiều góc độ.
Ví dụ, cần xem xét lại hệ giá trị chi phối con người hiện nay: cái gì họ thích, cái gì họ tôn sùng…?
Tại các nước phát triển trên thế giới, KHXH&NV rất được đề cao và có nhu cầu lao động lớn. Còn ở Việt Nam, theo nhận định của GS thì thế nào? Liệu chúng ta sẽ phải nhận hậu quả gì nếu không coi trọng phát triển KHXH&NV?
Bây giờ, do nhu cầu phát triển kinh tế, các ngành công nghệ, kỹ thuật thu hút lượng nhân lực lớn vì cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt. Vì vậy, việc số đông học sinh lựa chọn các nghề đó cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, ngay chính giai đoạn xã hội đang chuyển đổi mạnh, những vấn đề xã hội và con người đang đặt ra rất cấp bách, đòi hỏi các nghề thuộc XHNV là lớn chứ không nhỏ.
Ví dụ như trong quá trình đô thị hoá nông thôn, thì người nông dân đang có nhiều vấn đề về tinh thần, xã hội nảy sinh, cần được giải quyết như: chuyển đổi việc làm, hoà nhập với đời sống thị dân, tiêu sài tiền bạc…
Nhưng ngược lại, mức sống của người dân nước ta còn thấp, nên khi chuyện cơm áo, gạo tiền còn cấp bách thì các vấn đề xã hội chưa được để ý đúng mức. Tôi nghĩ rằng cần phải có sự điều chỉnh quan niệm giá trị của xã hội, điều chỉnh nhiều chính sách đối với các lĩnh vực hoạt động khoa học xã hội và nhân văn.
Tôi cũng tin rằng một thời gian không xa nữa, vị thế các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ có những thay đổi quan trọng. Ví dụ như các công ty sẽ cần hiểu về tâm lý người tiêu dùng, tâm lý người lao động, xây dựng văn hoá công sở…để muốn bán được nhiều hàng, đạt năng suất cao.
Sinh viên xã hội vất vả đầu ra
Điều GS nói là trong tương lai, còn hiện nay, cử nhân KHXH&NV đang rất khó khăn trong lựa chọn đầu ra, và thậm chí còn bị các ngành khác “lấn sân”. Nhiều nhà tuyển dụng còn chưa đề cao những ứng viên khối C, nên đã có nhiều phụ huynh không muốn cho con học xã hội, vì sợ bị chê là kém. GS nghĩ sao về điều này?
Chuyện khối C hay các khối khác là chuyện tuyển sinh đầu vào thôi, tới khi ra trường thì người tuyển dụng quan tâm tới kết quả học tập, khả năng làm việc chứ lúc đó không còn chuyện khối nào nữa.
Thực tế, với các ngành tuyển nhiều khối, thì trong quá trình học đều chung nội dung, nên khi ra trường không phân biệt được ai thi vào khối nào.
Cũng có thể nói thêm một chút là từ lâu, nhiều người vẫn cho rằng các môn thi khối C là những môn học thuộc, nó ít đòi hỏi tư duy sáng tạo. Điều đó theo tôi không đúng. Để học thực sự tốt các môn của khối C vẫn rất cần tư duy logic, không những thế còn cần cả tư duy hình tượng và sự cảm thụ nghệ thuật phong phú.
Ngay trong ĐH KHXH&NV, nơi vốn tuyển nhiều khối C, thì thấy những học sinh thực sự giỏi đều là những em thông minh, chứ không như nhiều người nghĩ.
Vậy ĐH KHXH&NV đã làm gì để nâng cao vị thế, chất lượng  SV của mình, để các em ra trường có nhiều cơ hội kiếm việc làm tốt hơn?
Trường chúng tôi trong những năm qua đã triển khai rất nhiều việc, nhiều giải pháp, chẳng hạn như tăng cường chất lượng tuyển sinh đầu vào, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao trình độ của giảng viên, lấy việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học làm gốc của việc nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên kiểm định đánh giá chất lượng đào tạo….
Làm cho thu nhập các ngành KHXH&NV cao lên
Làm thế nào để thu hút được nhiều thí sinh giỏi, có tố chất thông minh đi vào KHXH&NV ngay từ bậc phổ thông?
Đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy và cả tham gia tích cực của hệ thống truyền thông đại chúng, việc quảng bá và tư vấn tuyển sinh tốt của các trường đại học.
Làm cho thu nhập của các nghề thuộc khối xã hội và nhân văn cao lên.
Tuy không "nóng" như khối kinh tế, nhưng chắc chắn, KHXH&NV vẫn còn có những bạn trẻ quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng. GS có lời khuyên gì với họ?
Cần hiểu rõ về nghề mà mình định chọn. Tìm một phương pháp học thích hợp nhất với khối C. Tự tin vào sự lựa chọn tương lai của mình.
Xin chân thành cảm ơn GS!

Muốn thăng tiến, cần biết kiến thức xã hội chứ không chỉ giỏi về chuyên môn

Ông Nguyễn Xuân Phong, phó Hiệu trường trường ĐH FPT : Trường tôi đào tạo về công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh nhưng 20% chương trình lại liên quan đến KHXH&NV. Lý do là: trước khi viết phần mềm, người kỹ sư phải biết viết cho ai, sử dụng trong những môi trường nào; rồi phải biết giao tiếp, làm việc với khách hàng, hợp tác với nhóm…, mà làm được những điều đó thì phải có kiến thức, kỹ năng xã hội, cộng đồng. Hơn nữa, nếu muốn thăng tiến trong công việc, người ta luôn cần đến những hiểu biết liên quan đến con người, môi trường, xã hội…chứ không chỉ biết giỏi về chuyên môn.

Hoàng Tuân thực hiện / Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)