Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Vì sao Jetstar sa thải 2 nhân viên bốc xếp ở sân bay?

Tạp Chí Giáo Dục

Các hãng hàng không đều có quy định rõ ràng trách nhiệm, mức bồi thường thiệt hại cho hành khách liên quan đến việc hành lý ký gửi hư hỏng, vỡ, bể…

Liên quan đến việc 2 nhân viên bốc xếp của Trung tâm Phục vụ mặt đất Tân Sơn Nhất bị sa thải vì vi phạm các chuẩn mực dịch vụ trong quá trình bốc xếp hàng hoá lên máy bay, ngày 6-11, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết có nhiều mức kỷ luật khác nhau và sa thải là mức xử lý nghiêm khắc.

Cùng việc sa thải nhân viên, Ban lãnh đạo Jetstar Pacific cũng yêu cầu các trung tâm, đơn vị tăng cường công tác giám sát, bảo đảm thực hiện bốc xếp đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho hàng hóa, hành lý và an toàn cho hành khách. Việc hãng xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với 2 nhân viên bốc xếp cũng nhằm răn đe các nhân viên khác tuân thủ đúng quy trình, quy định.

Trước đó, sau khi clip ghi cảnh nhân viên bốc xếp của Jetstar trong quá trình chuyển hàng hoá từ băng chuyền lên máy bay được phát đi, nhiều hành khách bày tỏ bức xúc vì hành lý bị ném, rơi ra khỏi băng chuyền.

Vì sao Jetstar sa thải 2 nhân viên bốc xếp ở sân bay? - Ảnh 1.

Nhân viên bốc xếp đang xếp hành lý ở sân bay. Ảnh minh hoạ: L.Anh

Tình trạng hành lý bị quăng lên băng chuyền không hiếm, thậm chí một số hành khách cho biết hành lý còn bị vỡ, bể, hư hỏng trong quá trình đi máy bay và ký gửi hành lý.

Đại diện một hãng hàng không cho biết các hãng đều có quy định, quy trình chặt chẽ về vận chuyển hàng hoá, hành lý ký gửi của hành khách, thậm chí có cả quy định về điều kiện, khiếu nại, bồi thường thiệt hại.

"Sau vụ nhân viên bốc xếp bị sa thải vì vi phạm, hãng đã chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát và bảo đảm thực hiện đúng quy trình cho hàng hoá, hành lý. Dù vậy, đâu đó vẫn có lỗi sơ sót của con người, vì vậy, hãng nào cũng khuyến cáo hành khách cần đóng gói hành lý cẩn thận. Ở sân bay cũng quầy dịch vụ đóng gói hành lý cho hành khách" – đại diện Jetstar Pacific giải thích.

Liên quan đến quy định bồi thường trong trường hợp hành lý bị thiệt hại, thất lạc, hư hỏng, các hãng đều nêu rõ trong điều lệ vận chuyển. Như Jetstar Pacific, hãng quy định bồi thường thiệt hại về hành lý cho hành khách trên nguyên tắc thiệt hại thực tế và hành khách có trách nhiệm chứng minh thiệt hại.

Hay theo quy định của Vietjet, hãng không chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra bởi các khiếm khuyết về mặt bản chất, chất lượng hay thiếu sót của hành lý; những hao mòn và rách vỡ một cách hợp lý gây ra bởi sự di chuyển và va đập thông thường khi vận chuyển bằng đường hàng không. Hãng bồi thường thiệt hại về hành lý theo thực tế, hành khách có trách nhiệm chứng minh thiệt hại.

Quy định chung về bồi thường hành lý thất lạc của Vietjet là bồi thường theo cân nặng hành lý, tuyến quốc nội 200.000 đồng/kg, tuyến quốc tế 20 USD/kg hoặc ngoại tệ tương đương. Riêng hành lý ký gửi bị hư hỏng từng phần sẽ có các mức bồi thường khác như từ 150.000 – 300.000 đồng như hư, gãy tay kéo, bánh xe, đứt dây kéo…

Tuy nhiên, các hãng cũng nêu rõ hành khách nhận lại hành lý ký gửi và không có bất kỳ khiếu nại gì vào thời điểm này là bằng chứng đầy đủ chứng minh hàng lý đã được vận chuyển trong tình trạng tốt, trừ trường hợp hành khách có chứng minh rõ ràng khác.

Theo Thái Phương/NLĐO

 

Bình luận (0)