30-11 là ngày kết thúc mùa tuyển sinh năm 2012. Trong khi tại nhiều trường ĐH-CĐ công lập, sinh viên đã học được gần 3 tháng thì sinh viên các trường ngoài công lập mới nhập học.
Đây là mùa tuyển sinh kéo dài nhất từ trước đến nay, cũng là mùa tuyển sinh có độ mở rất rộng, cho phép thí sinh không hạn chế nguyện vọng, không hạn chế vùng miền, hạ điểm chuẩn, thậm chí hạ điểm sàn (áp dụng điều 33 Quy chế tuyển sinh). Vậy mà nhiều trường ĐH-CĐ ngoài công lập vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường nào tuyển được hơn 50% chỉ tiêu coi như quá tốt, còn lại đa số chỉ được 20% – 30%, như ĐH Yersin (Đà Lạt) tuyển được 20% chỉ tiêu, ĐH Cửu Long 30%…
Đâu chỉ các trường ngoài công lập mới gặp khó, nhiều trường công lập cũng tuyển sinh rất vất vả. Các ngành như công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật điện, kỹ thuật bản đồ… của Phân hiệu ĐH Huế ở Quảng Trị chỉ tuyển được lèo tèo vài sinh viên, phải đóng cửa ngành đào tạo.
Mỗi năm, trung bình ĐH Huế phải đóng cửa 2 ngành đào tạo. ĐH Nông Lâm Huế cũng phải đóng cửa nhiều ngành như ngành quản lý tài nguyên môi trường, lâm nghiệp, trồng trọt, thủy sản vì quá ít sinh viên theo học. Các trường CĐ còn khốn khổ hơn, như trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang, dù đã xin hạ chỉ tiêu từ 900 xuống còn 300 nhưng đến ngày 30-11 cũng chỉ tuyển được 162 sinh viên, có ngành như chăn nuôi thú y phải đóng cửa vì không có sinh viên…
Vì sao các trường ĐH, CĐ tuyển sinh khó khăn đến vậy, nhất là ngoài công lập, trong khi chỉ tiêu dành cho các trường đều tăng? Các trường ĐH ngoài công lập cho rằng nguyện vọng “vô hạn”, thời gian tuyển sinh quá dài đã tạo nên số lượng lớn thí sinh ảo. Đặc biệt, nhiều ngành của các trường ĐH công lập tuyển sinh bằng điểm sàn, làm các trường ngoài công lập thêm khó khăn.
Có thể đó là những lý do đúng nhưng chưa đủ. Tại sao ngay các trường công lập cũng khó tuyển sinh? Ở đây phải đặt vấn đề dự báo nguồn nhân lực của các cơ quan chức năng và phương cách “đào tạo mù” của các trường ĐH, bất chấp nhu cầu của xã hội. Chẳng hạn, với các ngành kinh tế, tài chính, môi trường, nhiều trường đều mở đến nỗi dư thừa, bão hòa đến báo động.
Phụ huynh, thí sinh xem điểm thi ĐH năm 2012 tại Trường ĐH Đà Lạt
Một vấn đề khác là chất lượng, quá nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập yếu kém, vì vậy,“chuột chạy cùng sào” thí sinh mới vào đây. Quá ít ngành học của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có thể sánh bằng hoặc hơn các trường công lập. Đây là vấn đề quan trọng trong cạnh tranh của các trường ĐH vì lợi nhuận. Đã đến lúc các trường cạnh tranh với nhau bằng uy tín đào tạo chứ không phải đào tạo ra những cử nhân “không nghề”.
Xu hướng ĐH vì lợi nhuận đang chiếm ưu thế, nhất là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, doanh thu của các ĐH,CĐ tư thục trên toàn thế giới mỗi năm khoảng 400 tỉ USD nhưng cần nhớ rằng họ bán chất lượng đào tạo chứ không phải bằng cấp.
Việt Nam hiện có 414 trường ĐH, CĐ và trong thời gian ngắn tới đây, số lượng này sẽ là 500 hoặc hơn nữa. Số lượng đó chắc chắn không tỉ lệ thuận với chất lượng. Nếu không nâng cao chất lượng, trong tương lai rất gần, các trường ngoài công lập không những không tuyển sinh được mà dự báo sẽ có một số trường lâm vào khủng hoảng, thậm chí đóng cửa.
Theo NLD
Bình luận (0)