Nhiều hoa văn có giá trị trên tháp Chăm Khương Mỹ nghìn năm tuổi ở Quảng Nam đã không được phục hồi sau khi trùng tu, nhiều vị trí được thay thế bằng… viên gạch phẳng.
Di tích tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành, Quảng Nam) gồm cụm 3 tháp kề nhau xây dựng vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10, được công nhận di tích quốc gia vào năm 1989. Với "tuổi thọ" cả nghìn năm, đến nay cụm tháp xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều hoa văn trên cụm tháp đã không được phục hồi sau khi trùng tu. Ảnh: Mạnh Cường
Cuối tháng 10.2019, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án bảo tồn tháp Bắc và tháp Giữa với tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng, do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng).
Tháng 12.2022, dự án hoàn thành. Nhưng khoảng 6 tháng sau, gạch tại nhiều mảng tường mới đã bị rêu mốc, "muối hóa" bề mặt (Thanh Niên ngày 22.5.2023 phản ánh trong bài Tháp Chăm nghìn năm tuổi bị "muối hóa" sau trùng tu). Đến nay, theo ghi nhận, tình trạng "muối hóa", rêu mốc cơ bản đã được vệ sinh, làm sạch nhưng lại nảy sinh vấn đề khác tiếp tục khiến dư luận quan tâm: Hoa văn trang trí đặc trưng trên các trụ ốp tường và các mảng tường của hai tháp này không được phục hồi, mà được thay thế bằng những viên gạch phẳng.
Hoa văn trên tháp Chăm Khương Mỹ được coi là chỉ dấu phong cách nghệ thuật, điêu khắc của người Chăm xưa, nên rất có giá trị. Ở những vị trí chưa được trùng tu, vẫn thấy rất rõ các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí từ chân đến đỉnh tường.
Hoa văn còn lưu lại trên tháp Chăm Khương Mỹ
Nếu phục hồi sẽ là "đồ giả" ?
Đại diện đơn vị trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ cho biết, phần chạm khắc soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp không có trong phương án trùng tu. "Trong phê duyệt dự toán thiết kế tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ không có phần khôi phục hoa văn nên đơn vị thi công không thực hiện", ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, nói. Trong trường hợp nếu có nằm trong phương án trùng tu thì cũng không thể phục hồi hoa văn vì không đủ căn cứ về tư liệu.
Viện Khoa học công nghệ xây dựng dùng phương pháp thủ công để xử lý, cọ rửa bề mặt gạch bị rêu mốc, muối hóa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi triển khai thực hiện dự án trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đã gửi văn bản đến Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam về việc thỏa thuận nội dung bảo tồn tu bổ, phục hồi, gồm vệ sinh khoa học bề mặt tháp, xử lý khe nứt, gia cường bề mặt khối xây, bảo quản chống ăn mòn khối xây; tu bổ, phục hồi khối xây (không phục hồi hoa văn); chống mối nền, lát nền trong tháp bằng gạch Chăm phục chế… Tuy nhiên, văn bản của Cục cũng nêu Sở VH-TT-DL cần hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung giải pháp bảo vệ nguyên vẹn phần hoa văn hiện có tại phần vỏ gạch.
Ông Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), bày tỏ sự lo ngại về tình trạng "muối hóa" sau trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ, nếu không sớm xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến độ bền của những viên gạch và các thành phần trong khối xây của di tích; về lâu dài có thể phá hủy bề mặt gạch di tích. Theo ông Ngọc, giải pháp chống "muối hóa", rong rêu ở cụm di tích tháp Chăm Khương Mỹ cần phải toàn diện, xử lý từ trên xuống dưới, phải xử lý cả 2 nguyên nhân (nước mưa từ phần mái thấm xuống và nước ngầm từ dưới thấm lên).
Một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam cho hay, theo quy định đối với di tích cấp quốc gia, trước khi tu bổ phải gửi toàn bộ hồ sơ ra Bộ VH-TT-DL. Sau đó, Bộ VH-TT-DL sẽ có văn bản thỏa thuận, cho phép làm những gì, yêu cầu điều chỉnh sửa chữa cái gì. "Đối với việc tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ, sau khi nhận hồ sơ thiết kế của tỉnh Quảng Nam, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản thỏa thuận, trong đó nói rõ không được phục hồi các hoa văn", vị này khẳng định.
Vị này cho rằng việc không phục hồi một số hoa văn trên tháp "cũng không mất giá trị gì", tuy nhiên phải cố gắng giữ những hoa văn còn nguyên vẹn. Bên hông cụm tháp Chăm Khương Mỹ, hoa văn còn rất nhiều; quá trình trùng tu, đơn vị thi công giữ nguyên, không dám đụng vào. Đối với những hoa văn ở các góc tháp bị ăn mòn, tổn thương thì sẽ dùng gạch phẳng khi tu bổ, việc này đúng tinh thần yêu cầu của Cục Di sản văn hóa.
"Thà không phục hồi, phục hồi mà làm "hoa văn giả" lại sai. Cục Di sản văn hóa có sự tinh tế trong chuyện này, cái gì còn thì yêu cầu giữ nguyên, những gì không còn thì đề nghị không phục hồi. Bởi nếu có phục hồi lại thì các hoa văn đó cũng không có giá trị lịch sử, nhân văn như cũ được. Ví dụ, 10 phần mà sứt mẻ 1 – 2 phần, tỉa tót lại cho hoàn chỉnh thì được, chứ nếu làm mới hoàn toàn thì không được và được xem là đồ giả", vị này nói.
Theo Mạnh Cường/TNO
Bình luận (0)