Tòa soạnThư đi – tin lại

Vì sao một giảng viên cơ hữu bị ngưng hợp đồng?

Tạp Chí Giáo Dục

Những lá đơn của thầy Hoàng Bá Ninh gửi các cơ quan chức năng

Vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM có nhận đơn xin khiếu nại của nhà giáo Hoàng Bá Ninh (ngụ 73/1 đường số 475 P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) nguyên là giảng viên cơ hữu Trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp TP.HCM (CTIM).
Trong đơn khiếu nại thầy Hoàng Bá Ninh trình bày: “Ngày 26-4-2013 tôi có sang CTIM làm việc với Phòng Tổ chức – Hành chính (TC-HC) (do Trưởng phòng Phạm Xuân Bình chủ trì) về bản giải trình nguyên nhân dẫn tới thất nghiệp của một giảng viên cơ hữu. Nội dung làm việc nêu, theo kết luận của Ban giám hiệu nhà trường việc chuyển tôi từ “nghỉ hưu chờ” (hợp đồng lao động do Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là Trương Ngọc Thục ký ngày 10-3-2005) thành “cán bộ hưu trí” (hợp đồng lao động do Hiệu trưởng CTIM Phạm Văn Bôn ký ngày 26-11-2007) là sai sót của Phòng TC-HC thế nhưng chỉ có kết luận chung chung là bộ phận tham mưu chứ không có một cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm trong nhà trường. Thế nhưng từ đó đến nay vẫn không được giải quyết cụ thể vì lý do biên bản ghi chung chung nên không ai chịu trách nhiệm!?”.
Thầy Ninh khẩn thiết: “Tôi nhờ quý cơ quan giúp tôi làm rõ: Bộ phận tham mưu là ai? Trưởng phòng TC-HC (thời điểm năm 2007) là ông Phạm Xuân Bình hay người nào khác? Tôi thấy đây là cách làm việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi làm sai ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động lại không đứng ra chịu trách nhiệm mà tìm cách né tránh. Ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc làm sai để cuối cùng tôi phải nghỉ việc? Việc chịu trách nhiệm là sửa sai phục hồi lợi ích người bị làm sai hay chỉ là rút kinh nghiệm lần sau không làm thế nữa?”…
Một số thầy cô và sinh viên trong trường đều biết đây là sai sót của Phòng TC-HC. Họ cũng bất bình khi thầy Ninh phải nghỉ dạy giữa chừng và mong muốn thầy Ninh được hồi phục quyền lợi sau khi nghỉ dạy.
Tại buổi làm việc với Giáo Dục TP.HCM do ông Đặng Chí Chơn – Hiệu trưởng nhà trường chủ trì, ông Phạm Xuân Bình, Trưởng phòng TC-HC trình bày: “Việc cho thầy Hoàng Bá Ninh thôi dạy là từ ý kiến của anh Trương Quốc Thạch – Trưởng bộ môn vật lý – dù lúc đó không có tờ trình cụ thể nào. Qua trao đổi của anh Thạch, thầy Hoàng Bá Ninh có một số hạn chế trong giảng dạy như khả năng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và tuổi tác. Từ ý kiến đó hội đồng xem xét không tuyển dụng tiếp”. Hiệu trưởng Đặng Chí Chơn nhớ lại: “Thầy Hoàng Bá Ninh nghỉ dạy là do anh Thạch không đồng ý ký tiếp vì thầy Ninh đã lớn tuổi, chỉ ưu tiên cho đội ngũ giảng viên trẻ có năng lực hơn. Tôi cũng có tham dự cuộc họp mặc dù lúc đó mới về trường bao nhiêu việc cần phải giải quyết”.
Giải thích về việc hợp đồng lao động năm 2007 ghi rõ nội dung “cán bộ hưu trí” thay cho “nghỉ hưu chờ” làm mất quyền lợi của thầy Hoàng Bá Ninh, ông Bình khẳng định: “Mặc dù có thay đổi về câu chữ như vậy nhưng thầy Hoàng Bá Ninh vẫn ký chứng tỏ thầy Ninh hoàn toàn nhất trí chuyện này và lúc đó không có ý kiến thắc mắc gì cả”. Trong đơn thư của mình, thầy Hoàng Bá Ninh cũng thành thật nhận thấy đây là lỗi sai của mình do chủ quan không đọc kỹ hợp đồng nên đã thuận cầm bút ký.
Cô Trần Thị Lệ Hằng – nhân viên Phòng TC-HC – khẳng định mình là người cầm bút viết hợp đồng. Trong cuộc họp ngày 27-11-2013 cô Hằng thừa nhận: “Do mới ra trường và đi làm được 10 tháng nên tôi chưa rành và cũng không nhớ tại sao mình lại viết từ chế độ “nghỉ hưu chờ” sang “cán bộ hưu trí” để trình cô Hạnh, Phó trưởng phòng TC-HC”. Sau đó cô Hằng đã tự nhận lỗi về mình do không phân biệt được “cán bộ hưu trí” và “nghỉ hưu chờ”? Cũng theo cô Hằng có lẽ do lúc đó chuyển lương từ hệ số sang lương khoán theo chủ trương của nhà trường nên đã viết như vậy(?). 
Theo đơn của thầy Hoàng Bá Ninh, việc cô Hằng viết “cán bộ hưu trí” trong hợp đồng lao động năm 2007 phải có sự chỉ đạo của lãnh đạo phòng chứ không thể một nhân viên tự ý viết và nếu cô có viết sai thì lãnh đạo phòng mà cụ thể là ông Phạm Xuân Bình phải kiểm tra lại theo nguyên tắc tổ chức. Thế nhưng không bao giờ ông Bình chịu trách nhiệm và biết nhận lỗi? Sau  khi đưa ra ý kiến này, ông Phạm Xuân Bình nói: “Lúc đó tôi mới về phụ trách phòng và việc sai sót do bộ phận tham mưu nhưng với trách nhiệm trưởng phòng do sơ suất không kiểm tra tôi cũng nhận thấy thiếu sót và xin lỗi anh Ninh”.
Rõ ràng việc đùn đẩy trách nhiệm của các phòng ban, lãnh đạo CTIM mà hậu quả lớn nhất là thầy Ninh bị mất việc giữa chừng, không có chỗ dạy và trở thành một giảng viên thất nghiệp rất vô lý. Đây là điều bức xúc của thầy Ninh, gia đình và các đồng nghiệp trong ngành giáo dục, vì vậy rất cần sự giải quyết thỏa đáng của CTIM.n
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)