Tuần tới,Taliyah Rice trở lại trường để học năm cuối trung học ở ngoại ô Chicago. Cô lo lắng về việc quay lại học trực tiếp, nhưng không phải vì sợ lây nhiễm COVID-19 hay cảm giác bồn chồn ngày đầu gặp lại bạn bè.
Taliyah Rice, một học sinh năm cuối trung học phổ thông ngoại ô Chicago: "Học trực tuyến đối với tôi dễ dàng hơn rất nhiều" – Ảnh: CNN |
Nỗi lo của Taliyah chủ yếu là do cô sẽ phải đương đầu với những áp lực xã hội cô đã không phải đối mặt trong hơn một năm qua. Cô nói, học trực tuyến ở nhà giúp cô tiến bộ và bỏ thời gian vào bài vở nhiều hơn là học trực tiếp.
"Đối với các lớp học trực tuyến, bạn sẽ không phải lo lắng về việc cố gắng hòa nhập và ai sẽ nói chuyện với mình”, Taliyah cho biết. Cô chia sẻ: "Tôi thường phải vất vả với chứng lo âu xã hội và cả nghĩ, học trực tuyến không có những vấn đề đó, tôi cảm thấy thoải mái vì không phải đối mặt với những áp lực như khi học ở trường”.
Khi các trường học mở cửa trở lại trên khắp nước Mỹ, nhiều trẻ em rất hào hứng trở lại lớp học với bạn bè của mình. Nhưng đối với một số em, đặc biệt là các em mắc chứng lo âu xã hội, học trực tuyến (học ảo) được hoan nghênh hơn vì các em khỏi bị bắt nạt và tránh được căng thẳng phải cố gắng hòa nhập. Những học sinh này e ngại không khí năng động của lớp học trực tiếp và áp lực xã hội ở quán cà phê trong trường.
Taliyah, một học sinh giỏi chuyển đến học Trường trung học Chicago Heights khi học năm thứ hai, cô đã mất năm đầu học trực tuyến. Cô lo lắng ngay cả chuyện làm quen với các bạn học cùng lớp. Khi học trực tuyến, cô thoải mái hơn trong việc tương tác với bạn bè và thầy cô, do có cảm giác an toàn khi ngồi ở nhà mình, cô không ngại đặt câu hỏi trong giờ học.
Robyn Mehlenbeck, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tâm lý Đại học George Mason (Mỹ), cho biết: “Đối với trẻ em mắc chứng lo âu xã hội, học trực tuyến đã loại bỏ áp lực xã hội theo một cách nào đó – các em có ít áp lực hơn về cách ăn mặc, biểu cảm cá nhân ít bị bộc lộ và ít áp lực hơn khi phát biểu trước mặt người khác”.
Khi biến thể Delta thúc đẩy sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19, việc thay đổi các quy tắc về đeo khẩu trang và các quy trình khác của nhà trường cũng khiến học sinh bối rối và căng thẳng.
Học trực tuyến giúp thoát khỏi bị bắt nạt
Shun Jester, 10 tuổi, cũng không mong quay trở lại trường học trực tiếp. Cậu học sinh lớp 5 một trường bán công ở khu vực Atlanta (tiểu bang Washington), nơi cho phép học sinh lựa chọn giữa các lớp học trực tiếp và trực tuyến, đã chọn phương thức học ảo.
Shun Jester, 10 tuổi, rất thoải mái ngồi bên máy tính ở nhà, vì cậu tránh được bị bắt nạt như khi đến trường – Ảnh: CNN |
Jester nói rằng cậu thường bị bạn học bắt nạt ở trường, họ trêu chọc ngoại hình của cậu. Một trong những mặt tích cực của việc học ảo là cậu không phải đối mặt với những kẻ gây sự vì không có giờ giải lao, Jester nói. Cậu nói, sân chơi trường học có thể là điểm nóng của tệ nạn bắt nạt, nên cậu luôn cảm thấy thoải mái khi ngồi bên máy tính ở nhà.
Jester cũng nhớ các hoạt động vui vẻ ở trường như đi dã ngoại ngoài trời, nhưng điều đó không đủ sức để khiến cậu muốn quay lại trường.
Đại dịch làm tăng thêm các mối lo tựu trường
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến trẻ em theo những cách khác nhau. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở thanh thiếu niên tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch so với thời gian trước đó.
Mehlenbeck, nhà tâm lý học lâm sàng cho biết, sau một năm đầy rẫy những bất ổn chưa từng có, việc quay trở lại cuộc sống trước đại dịch là điều quá sức đối với rất nhiều người.
"Nó chắc chắn rất đáng kể đối với những người hướng nội. Nhiều trẻ em đã mất một năm rưỡi để phát triển các kỹ năng xã hội, vì vậy nhiều trẻ lo lắng về việc quay trở lại thế giới đó", cô nói. "Một số đứa trẻ đang học trung học cơ sở khi đại dịch bắt đầu, và bây giờ phải nhảy ngay vào trung học, điều đó thật không dễ dàng”, cô nhấn mạnh.
Một đứa trẻ tham gia lớp học trực tuyến tại Crenshaw Family YMCA (Los Angeles) – Ảnh: CNN |
Mehlenbeck nói rằng trẻ em và thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với những lo lắng khác nhau. "Trong khi trẻ nhỏ có thể lo lắng nhiều hơn về việc mắc bệnh hoặc họ có bạn trong lớp hay không, thì thanh thiếu niên tập trung nhiều hơn vào các tương tác xã hội và áp lực phải thể hiện trước mặt người khác”, cô nói.
Cô nói, cha mẹ cũng nên theo dõi những thay đổi trong tâm trạng, sự cáu kỉnh và dấu hiệu cô lập của con cái, đồng thời giải quyết những thay đổi đó bằng các hoạt động xã hội như gặp gỡ bạn bè trong một buổi vui chơi ngoài trời.
Không có một cách học nào “thích hợp đối với mọi đứa trẻ”
Một số chuyên gia lo lắng rằng việc học trực tuyến kéo dài có thể khiến trẻ bị cô lập. Nhưng theo Christine Greenhow, phó giáo sư về công nghệ giáo dục tại Đại học Michigan, nghiên cứu cho thấy học tập ảo có thể tốt như học trên lớp nếu được thực hiện đúng cách.
Học sinh trường tiểu học Tussahaw ở McDonough (Georgia). Ảnh chụp ngày 4/8/2021 – Ảnh: CNN |
Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Mehlenbeck nhấn mạnh việc học trực tiếp mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội và sự phát triển. Nhưng không có một cách nào “phù hợp cho tất cả mọi người”, cô nói, và các gia đình phải chọn cách nào phù hợp nhất cho họ cũng như con cái của mình.
Tô Châu/PNO (theo CNN)
Bình luận (0)