Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều đã thực hiện các cuộc thử nghiệm như vậy, tạo ra các mảnh vỡ trong không gian, tạo ra mối nguy hiểm cho các nhà du hành vũ trụ, vệ tinh…, ABC News đưa tin. Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới áp đặt lệnh cấm thử tên lửa chống vệ tinh.
"Nói một cách đơn giản, những cuộc thử nghiệm này rất nguy hiểm và chúng tôi sẽ không tiến hành chúng", Phó tổng thống Harris phát biểu tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở bang California. Bà cho biết Mỹ hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.
Mỹ đã xác định và theo dõi hơn 1.600 mảnh vỡ mà Nga tạo ra khi sử dụng tên lửa để phá hủy một vệ tinh vào tháng 11/2021 và hơn 2.800 mảnh vỡ mà Trung Quốc tạo ra khi thực hiện vụ thử nghiệm của họ năm 2007, bà Harris nói. Vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga đã tạo ra nhiều mảnh vụn đe dọa Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), báo chí Mỹ nhận định.
Bà Harris nói: “Mảnh vỡ gây nguy cơ đối với sự an toàn của các phi hành gia, vệ tinh và sự hiện diện thương mại ngày càng tăng của chúng ta. Trong không gian, mảnh vỡ có kích thước bằng quả bóng rổ, di chuyển với tốc độ hàng nghìn dặm một giờ, sẽ phá hủy vệ tinh. Ngay cả mảnh vụn nhỏ như hạt cát cũng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng".
Bài phát biểu của bà Harris được đưa ra vài tháng sau một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Nga vào tháng 11/ 2021, tạo ra một đám mây mảnh vỡ lớn đến mức ISS phải dịch chuyển, Space đưa tin. Và đó không phải là sự cố đầu tiên như vậy; năm 2013, một vệ tinh của Nga đã bị trúng mảnh vỡ được tạo ra sáu năm trước đó trong một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc.
Trước khi phát biểu, bà Harris gặp gỡ các thành viên của Lực lượng Không gian Mỹ và Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ, nghe báo cáo tóm tắt về công việc của họ nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia Mỹ. |
Rác vũ trụ được tạo ra bởi một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc năm 2007 đã va vào một vệ tinh của Nga ngày 22/1/ 2013. Ảnh: Analytical Graphics.
Thái An/TPO (theo ABC News, Space)
Bình luận (0)