Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Vì sao năm nào cũng thiếu giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Năm học mới đã bắt đầu được 10 ngày trong bối cảnh toàn thành còn thiếu gần 1.600 giáo viên (GV) và Sở GD-ĐT TPHCM đang phải tuyển dụng đợt 2. Không đủ người đứng lớp vào đầu năm học là chuyện “biết rồi” từ nhiều năm nay nhưng vì sao “nói mãi” vẫn không giải quyết được căn cơ?

Thiếu giáo viên triền miên

Trong năm học mới, ngành GD-ĐT cần tuyển mới hơn 4.239 GV ở các bậc học với tiêu chí tuyển thoáng hơn, chỉ cần có KT 3, nhưng chỉ có 3.083 hồ sơ dự xét tuyển.

Qua chọn lọc, có 2.772 người trúng tuyển, nhưng có 95 GV không đồng tình với sự phân công, đành chấp nhận bỏ nhiệm sở.

Như vậy, ngành GD-ĐT thiếu gần 1.600 GV, điều này thật đối lập với tình trạng chen chúc lúc nộp hồ sơ đã khiến nhiều người khấp khởi mừng, cho rằng chuyện thiếu GV đã lùi vào dĩ vãng.

Song, thực tế phũ phàng hơn, GV thiếu không chỉ dừng lại ở các môn năng khiếu, thể dục như 4, 5 năm về trước mà đã “lan rộng” ra ở hầu hết các môn. Thậm chí, nguồn GV tiểu học vốn bị coi là dôi dư mà nay cũng chỉ tuyển được 40% so với nhu cầu.

Để ứng phó với tình hình khan hiếm GV, các quận – huyện Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 9, Bình Chánh … phải tăng sĩ số HS/lớp, hợp đồng thỉnh giảng. Nếu vẫn chưa đủ người, ban giám hiệu cũng phải đứng lớp dạy.

Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh than: “Thiếu nhiều (khoảng 90 GV các cấp) nên GV phải dạy choàng cho nhau cả sáng lẫn chiều”. Còn ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng GD-ĐT Nhà Bè buông tiếng thở dài: “Thiếu GV là tình trạng chung. Nhà Bè cơ bản tạm đủ với biên chế GV đứng lớp, đạt tỷ lệ 1 GV/lớp (quy định của Bộ GD-ĐT 1,2 – 1,5 GV/lớp, tùy theo lớp 1 buổi hay 2 buổi – PV). Lo nhất là khi GV đau ốm đột xuất, đi học, nghỉ hộ sản sẽ không ai thay thế”.

Các trường sư phạm nhận trách nhiệm

“TPHCM tuyển đến hơn 4.000 GV. Lấy đâu ra?”, ông Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngạc nhiên nói. Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn ngạc nhiên không kém: “Tôi cũng bất ngờ về số GV thiếu năm nay, đặc biệt là ở tiểu học. Năm 2005 – 2006 vẫn có em trượt công chức, nhưng giờ có bao nhiêu tuyển hết bấy nhiêu mà vẫn không đủ. GV bỏ việc vì đâu và bỏ đến mức nào là một câu hỏi cần có lời giải”.

Chúng tôi đi tìm lời giải từ số SV tốt nghiệp hàng năm. Năm 2007, SV của TPHCM tốt nghiệp ĐH Sư phạm tổng cộng 224 em ở 18 ngành học, trong đó ngành tiếng Anh: 45 SV, địa: 3 SV, sinh: 5 SV, giáo dục thể chất: 21, giáo dục mầm non: 12, giáo dục tiểu học: 28… Năm 2008, lượng SV ra trường cũng không nhiều hơn.

Tại Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn – cái nôi chủ yếu đào tạo GV cho ngành GD-ĐT TPHCM, tình hình cũng chẳng khả quan hơn. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm trường có khoảng 100 SV ngành giáo dục mầm non, 100 SV ngành giáo dục tiểu học và 600 SV bậc THCS ra trường. Như vậy, cả 2 nguồn đào tạo GV chính của TPHCM mỗi năm ra lò cũng chỉ hơn 1.000 người, bằng 1/4 nhu cầu của TP (TPHCM cũng tuyển SV các ĐH khác nhưng số đăng ký vào không nhiều).

Ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn thừa nhận, số SV sư phạm tốt nghiệp mỗi năm chỉ bù đắp đủ cho lượng GV nghỉ hưu của TP, ông nói: “Trường cũng nhận trách nhiệm đào tạo không thích ứng kịp với sự “bùng nổ”… thiếu GV hiện nay”.

Năm học 2008 – 2009, Trường ĐH Sài Gòn tăng quy mô đào tạo lên gần gấp đôi, tuy nhiên, phải 3 – 4 năm sau, số SV này mới ra trường. Còn số lượng SV nhập học vào Trường ĐH Sư phạm phụ thuộc vào điểm số, nên mỗi năm thường chỉ có 180 – 250 SV trúng tuyển.

Vẫn là bài toán “đời sống người thầy”

Giáo viên mầm non làm việc vất vả nhưng thu nhập thấp. Ảnh: MAI HẢI

Trước năm 1995, số GV nghỉ, bỏ việc hàng năm lên đến 2.700 người khiến ngành GD-ĐT rơi vào tình cảnh thiếu GV trầm trọng. TP và ngành GD-ĐT đã phải áp dụng nhiều biện pháp kéo giảm số GV bỏ việc, đồng thời mở các lớp đào tạo, chuẩn hóa GV cấp tốc.

Nỗ lực của ngành đã bù đắp lại số GV nghỉ việc, tuy nhiên, sau đó số GV lại dư. Cụ thể năm 2000, có hơn 3.000 giáo sinh của 3 trường Trung học Sư phạm, CĐ Sư phạm, ĐH Sư phạm thi tuyển công chức bậc tiểu học nhưng cuối cùng chỉ có 44 người được tuyển chọn.

Tương tự, bậc THCS có 980/1.197 thí sinh dự thi đạt yêu cầu và chỉ có phân nửa được tuyển dụng. Năm 2003, Sở GD-ĐT phát ra 2.800 đơn xét tuyển công chức, trong khi chỉ tiêu tuyển ở các bậc học chỉ có 1.400. Vài năm sau, từ việc giáo sinh tốt nghiệp không có việc làm, TP lại thiếu GV.

Rõ ràng, ngành GD-ĐT không làm tốt công tác dự báo và cũng chưa có kế hoạch đào tạo “đón đầu”, dẫn đến vòng lẩn quẩn thiếu – thừa, vừa “lấp” đầy môn này lại thiếu ở môn khác.

Bài toán thiếu GV vẫn sẽ còn kéo dài chừng nào ngành GD-ĐT chưa giải quyết được nguyên nhân từ gốc. Đó là chính sách sử dụng và lương bổng. Nếu như năm học này, Sở GD-ĐT đã cải tiến để phân công nhiệm sở hợp lý hơn thì chính sách lương bổng lại nằm ngoài thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP, trăn trở: “Lương của nhà giáo chưa đạt 50% của cuộc sống bình thường. Người độc thân có thể sống lãng mạn, hy sinh vì lý tưởng nghề nghiệp, nhưng khi đã có gia đình, trách nhiệm với gia đình, con cái, đòi hỏi nhà giáo như thời thanh niên là duy ý chí, không biện chứng”.

                                                                                                                   Hồng Liên (SGGP)

Thúc đẩy nhanh phân cấp tuyển dụng GV

Để giải quyết tình hình thiếu GV, UBND TPHCM chấp thuận cho Sở GD-ĐT linh động trong xét tuyển như: được quyền tuyển GV ở tỉnh với điều kiện GV phải cam kết dạy ở khu vực ngoại thành; xét tuyển GV không trúng tuyển ở đợt 1, bổ sung cho đợt 2. Những GV có hộ khẩu gốc ở TP nhưng đang dạy ở tỉnh, SV mới tốt nghiệp có KT 4 cũng được tham dự xét tuyển công chức…

Ngành GD-ĐT cũng phải quan tâm đến chất lượng, không vì thiếu hụt mà tuyển GV không đúng chuẩn. Từ nay đến cuối năm, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu để đẩy nhanh việc phân cấp tuyển dụng GV về các các quận – huyện, các trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu Hà

Mô hình đào tạo theo địa chỉ

Từ năm 1997, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã kết hợp với các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Phước… đào tạo GV theo địa chỉ, với 10.000 lượt người theo học. Địa phương “đặt hàng” cấp kinh phí đào tạo, thậm chí cấp học bổng. Trường lấy điểm tuyển bằng hoặc cao hơn một chút so với điểm sàn.

Thời gian học kéo dài 5 năm, trong năm đầu tiên, SV sẽ được củng cố kiến thức căn bản. Mô hình đào tạo theo nhu cầu đã giúp các tỉnh giải quyết căn bản tình trạng thiếu GV. Giáo sinh yên tâm học vì ra trường có việc làm ngay.

 

 


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)