Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu học sụt giảm khiến hàng chục ngàn chỉ tiêu thạc sĩ bị 'ế'. Trước thực tế này, một số trường ĐH đưa ra giải pháp để thu hút người học thạc sĩ từ bậc cử nhân.
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, năm học 2017 cả nước tuyển mới được 45.032 học viên cao học, đến năm 2018 số lượng sụt giảm xuống còn 42.160 học viên, năm 2019 còn 36.022 học viên. Năm 2020 được 33.008 học viên, năm 2021 là 30.734 và đến năm 2022 số lượng giảm thêm khoảng 9.000 học viên. Từ quy mô đào tạo thạc sĩ là 106.000 (năm 2017) đến nay chỉ còn 88.243 học viên. Trung bình mỗi năm, hàng chục ngàn chỉ tiêu thạc sĩ không có người học.
Số lượng người học thạc sĩ những năm gần đây ngày càng giảm. HÀ ÁNH
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, quy mô đào tạo thạc sĩ năm 2023 còn 7.122, giảm so với năm 2022 (7.946 học viên). Trong đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM từ 2.627 giảm xuống 1.957. Tuy nhiên, ở khối xã hội nhân văn và kinh tế lại tăng, như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn từ 1.440 lên 1.585, Trường ĐH Kinh tế – Luật từ 417 lên 703, Trường ĐH Quốc tế từ 472 lên 521.
Có thể nói năm 2017 là năm mà ĐH Quốc gia TP.HCM có số lượng học viên cao học sụt giảm ghê gớm nhất, từ 10.000 thí sinh dự thi năm 2012 mà đến 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu năm 2022 là 3.683.
Cạnh tranh cả trong lẫn ngoài nước
PGS-TS Hoàng Trang, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: "Tôi đã làm một nghiên cứu so sánh về nhu cầu học thạc sĩ ở các nước phát triển, thì xu hướng chung là giảm. Người tốt nghiệp ĐH chỉ học sau ĐH khi có đam mê nghiên cứu hoặc trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, họ bị mất việc nên đi học để chờ kinh tế phục hồi. Tại Trường ĐH Bách khoa, 5 – 10 năm trước số lượng tuyển thạc sĩ giảm kinh khủng hơn so với thời điểm hiện tại, chỉ đạt 50 – 60% chỉ tiêu".
Theo PGS-TS Hoàng Trang, một trong những nguyên nhân khiến gần đây số lượng học thạc sĩ và cả tiến sĩ trong nước giảm là do học bổng sau ĐH ở nước ngoài tăng mạnh. "Học viên tìm kiếm học bổng sau ĐH ở nước ngoài với mong muốn được học ở môi trường quốc tế, trải nghiệm thêm văn hóa và đặc biệt là có cơ hội nâng cao trình độ ngoại ngữ rất nhiều so với học ở trong nước", PGS-TS Hoàng Trang nhận định.
Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM các năm gần đây. NGUỒN: BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN ĐH QUỐC GIA TP.HCM
PGS-TS Nguyễn Tuyết Phương, Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng nhận định 10 năm nay, số lượng học viên đăng ký học thạc sĩ giảm nhiều, đặc biệt là ở những ngành nhóm môi trường, địa chất, chỉ các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là vẫn giữ được độ "hot".
"Tại trường mỗi năm có hàng ngàn chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được khoảng 600, 700, thời điểm nào nhiều là 800. Sự tụt giảm này là xu hướng chung tại nhiều nước. Hơn nữa, thị trường lao động tuyển dụng cử nhân, nghề nhiều hơn, nhu cầu tuyển trình độ cao ở các đơn vị rất hạn hẹp. Chưa kể chục năm trở lại đây số trường ĐH đào tạo thạc sĩ tăng lên và 5 năm gần đây cơ hội tìm kiếm học bổng sau ĐH ở nước ngoài rất dễ dàng, học viên không chỉ được miễn học phí mà còn được cấp thêm học bổng. Điều đó khiến cho việc tuyển thạc sĩ giữa các trường trong nước phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh ngay cả với nước ngoài", PGS-TS Tuyết Phương chia sẻ.
Do yêu cầu đầu vào tiếng Anh khắt khe hơn? Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến người học thạc sĩ giảm là do tiếng Anh đầu vào khắt khe hơn. Theo đó, từ năm 2021, học viên phải đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ VN mới đủ điều kiện học thạc sĩ và đạt chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 mới được tốt nghiệp trong khi quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2014 không có quy định bắt buộc này. |
Chỉ đi học khi có nhu cầu nâng cao trình độ
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trong 2 năm gần đây số lượng người học thạc sĩ cũng giảm. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay hằng năm chỉ tiêu của trường là khoảng 750 nhưng chỉ tuyển được khoảng 300. Trong đó, khối kỹ thuật như điện tử, cơ khí, điện… ít người học hơn khối kinh tế (ngành quản trị kinh doanh).
Tạo nguồn tuyển từ bậc ĐH Để có giải pháp lâu dài cho việc tuyển sinh trình độ thạc sĩ, từ năm 2020 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thực hiện đề án liên thông ĐH – thạc sĩ. PGS-TS Hoàng Trang thông tin: "Theo đó, những sinh viên khá giỏi sẽ được học thử một số môn của cao học và khi các em học thạc sĩ chính thức thì sẽ được miễn. Hiện tại, có tới 60% học viên thạc sĩ là từ chính sinh viên tốt nghiệp ĐH trường". Bên cạnh đó, một nguồn tuyển cao học khác khá ổn định của trường là nhân viên đang làm việc tại các công ty nước ngoài. "Có đến 30% học viên thạc sĩ là từ nguồn này. Các em thực sự có nhu cầu học nâng cao trình độ chuyên môn để nâng cao năng lực làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp hiệu quả hơn", PGS-TS Trang chia sẻ. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Đức Trung cũng cho biết trường có những khóa "tiền thạc sĩ". Nghĩa là định hướng cho sinh viên học 1 – 2 môn cao học ngay từ năm 3 và nếu sau này học lên thạc sĩ thì học viên sẽ được miễn các môn này. "Trường sẽ chọn 1 – 2 môn cao học hấp dẫn để các em có hứng thú học. Muốn vậy, chương trình ĐH cũng phải thay đổi để có tính liên thông với bậc cao học theo hướng chuyển đổi số. Những môn học ĐH sẽ là nền tảng để các em học tiếp các môn trình độ thạc sĩ. Với em nào tiếng Anh còn chưa đạt, trường cũng sẽ tạo điều kiện để đạt chuẩn đầu ra ĐH và đầu vào thạc sĩ trong 6 tháng đến 1 năm", PGS-TS Trung nêu giải pháp. Chính vì vậy, sau khi được định hướng việc "học thật, làm thật" thạc sĩ và được "học thử" một số môn, theo ông Trung, số sinh viên của trường đăng ký học cao học ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. "Lúc này, tiếng Anh của các em vẫn đáp ứng tốt yêu cầu đầu vào, có lợi thế hơn là sau một số năm đi làm mới quay lại đăng ký học, nên tỷ lệ đậu cũng cao hơn", ông Trung nhận định. |
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)