Hội nhậpThế giới 24h

Vì sao ngày càng nhiều người Hàn Quốc nuôi mèo thay vì kết hôn?

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù mèo không phải là loài động vật ngoan ngoãn nhất khi chung sống cùng con người, nhưng số lượng mèo được nuôi làm thú cưng đang không ngừng gia tăng tại Hàn Quốc.

Vi sao ngay cang nhieu nguoi Han Quoc nuoi meo thay vi ket hon? hinh anh 1

Một chú mèo tại Hàn Quốc. (Nguồn: Vietnam+)

Chỉ cách đây khoảng 10 năm, những con mèo không phải là vật nuôi được ưa thích hàng đầu tại Hàn Quốc.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp mèo hoang trên các đường phố. Chúng thường được người dân trong vùng chăm sóc khá tốt, cho ăn uống thường xuyên và thậm chí đưa đi khám bệnh, nhưng không nhiều người sẵn sàng nhận nuôi chúng.

Một số khác thậm chí còn cho rằng mèo mang lại xui xẻo. Nhiều người thì tỏ ra khá khó chịu khi những con mèo đi lạc thường kêu gào và phá phách trên đường phố.

Nhưng cho đến nay, mọi thứ đã đảo ngược, số lượng thú cưng là mèo đã gia tăng rất mạnh ở nước này.

Theo Euromonitor, số lượng mèo nhà hàng năm tăng trung bình 9% trong 5 năm qua và dự kiến sẽ tăng trung bình 4% cho đến năm 2028.

Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, tính đến năm 2022, Hàn Quốc có 2,55 triệu con mèo nhà. Con số này tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chó vẫn là bạn đồng hành hàng đầu với 5,45 triệu con được nuôi làm thú cưng, nhưng con số này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tôi là người duy nhất không có mèo”

Bạn có thể dễ dàng bắt gặp bình luận này tại những bài đăng về mèo trên mạng xã hội. Bình luận này thể hiện sự ghen tị của người bình luận với một người đang có “đặc quyền” sở hữu một chú mèo.

Choi Yeon-jeong, 28 tuổi sống ở Seoul, là một người thường xuyên sử dụng cụm từ này. Là một người yêu mèo, cô luôn theo dõi các kênh về mèo trên YouTube. Nỗi ám ảnh gần đây của cô là chú mèo Zzon-Ddeok trên kênh YouTube của Zzon-Ddeok Kim, đặc biệt khi chủ nhân của kênh YouTube này mang thêm về một chú mèo nhỏ tên là Ttanbbang.

Choi cho biết: “Việc xem Zzon-Ddeok ban đầu gầm gừ và tỏ ra thận trọng với chú mèo con, rồi sau đó chúng từ từ trở nên thân thiết thật là đáng yêu và tôi luôn chờ đón các video mới của kênh này. Xem các video này khiến tôi mong muốn có một con mèo. Và có lẽ tôi sẽ nuôi mèo khi ở riêng.”

Một số người thậm chí còn tự nhận mình là “quản gia có uy tín” trong các bình luận, một biệt danh dành cho những người luôn háo hức đón xem các video về mèo trên mạng. Từ “quản gia” nhằm nhấn mạnh cách con người cung phụng loài mèo, một yếu tố độc đáo thường không xảy ra đối với các loài động vật được thuần hóa khác.

Seo Jeong-woo, giáo sư chuyên nghiên cứu về mèo tại Trường Cao đẳng Đào tạo Nghề Seoul, cho biết: “Chó là loài động vật sống theo bầy đàn. Chúng sống có thứ bậc và luôn đi theo con đầu đàn. Bởi vậy, chó sẽ tuân thủ mệnh lệnh nếu được huấn luyện. Tuy nhiên, với mèo bạn không thể ra lệnh cho chúng hay biết được chính xác những gì chúng đang nghĩ trong đầu.”

Mặc dù mèo không phải là loài động vật ngoan ngoãn nhất khi chung sống cùng con người, nhưng số lượng mèo được nuôi làm thú cưng vẫn không ngừng gia tăng tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra thắc mắc, tại sao mèo lại trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân Hàn Quốc?

Người Hàn Quốc quá bận rộn

Một trong những lý do lớn nhất khiến mèo được nhiều người lựa chọn là do một quan điểm cho rằng mèo ít cần được chăm sóc như chó.

Chó luôn cần được tắm rửa, đưa đi dạo thường xuyên, thậm chí được đưa đi huấn luyện, nhưng mèo được cho là có thể tự chăm sóc mình tương đối tốt và không quá phụ thuộc vào con người.

Vi sao ngay cang nhieu nguoi Han Quoc nuoi meo thay vi ket hon? hinh anh 2
Một chú mèo nhà được chăm sóc tốt tại Hàn Quốc. (Nguồn: Vietnam+)

Kim Ok-jin, giáo sư giảng dạy phương pháp trị liệu từ động vật tại Đại học Wonkwang, cho biết: “So với chó, mèo ít cần được chăm sóc hơn, chẳng hạn như dắt đi dạo. Vì vậy chúng được những người bận rộn ưa thích.”

Mặc dù bạn vẫn phải đảm bảo một số trách nhiệm nhất định khi nuôi mèo, nhưng những yêu cầu này vẫn ít hơn so với chó.

Viện Chăm sóc Mèo Quốc gia của Mỹ từng khuyến nghị người nuôi mèo nên tắm cho chúng từ 4 đến 6 tuần một lần, nhưng trên thực tế, mèo nhà thường tự liếm lông sạch sẽ, do đó chúng có thể không cần phải tắm trong nhiều tháng, ngoại trừ một số mèo không có lông như Sphinx, hoặc một số con gặp những vấn đề về lông và da cần được chăm sóc đặc biệt.

Việc mèo có cần đi dạo không vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng mèo không cần đi dạo thường xuyên bởi chúng là loài động vật có lãnh thổ riêng và không thích đi ra khỏi khu vực đó.

Một số tổ chức như Tổ chức Bảo vệ Mèo Hàn Quốc khuyên bạn không nên dắt mèo đi dạo vì việc đi bộ khiến chúng bị căng thẳng và có thể bỏ chạy khi gặp các tình huống bất ngờ.

Na Eung-sik, bác sỹ thú y và thành viên của Hiệp hội Y học cho Mèo Hàn Quốc, cho biết trong một video YouTube đăng trên kênh của mình: “Chó có thể được giảm căng thẳng khi được dắt đi dạo. Nhưng mèo lại giảm bớt căng thẳng khi được vui chơi và ngồi an toàn ở những khu vực cao.”

Giáo sư Seo Jeong-woo cũng cho rằng chỉ cần chơi với mèo trong nhà là đủ, đồng thời khuyên mọi người nên chơi với mèo ít nhất 15 phút mỗi ngày, chia thành 3 lần, mỗi lần 5 phút. Như vậy là đã có thể giúp chúng tiêu hao năng lượng.

Ông cho biết: “Mèo có mức năng lượng thấp hơn so với chó. Chỉ cần trèo ra trèo vào khỏi hộp hoặc leo lên các kệ cao đã giúp chúng xả bớt năng lượng rồi. Bởi vậy nhìn chung mèo dễ chăm sóc hơn chó.”

Số người không kết hôn gia tăng

Tỷ lệ kết hôn và sinh sản thấp của Hàn Quốc cũng góp phần khiến lượng mèo nhà gia tăng tại Hàn Quốc. Áp lực công việc gia tăng, sự mệt mỏi khi phải chăm sóc những "đại gia đình" cũng khiến nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là phụ nữ, không muốn kết hôn.

Số cặp đôi kết hôn tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức kỷ lục mới trong năm 2022, làm tăng thêm mối lo ngại về tốc độ già hóa dân số khi tỷ lệ sinh tại nước này cũng đang giảm mạnh.

Số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 16/3 cho thấy trong năm 2022, tại nền kinh tế thứ 4 châu Á này chỉ có khoảng 192.000 cặp đôi kết hôn – giảm 0,4% so với năm 2021. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 1970, khi cơ quan thống kê bắt đầu tổng hợp các dữ liệu liên quan và là năm thứ 11 liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm số lượng các cuộc hôn nhân tại Hàn Quốc.

Seo Ji-hyuk, nhà phân tích tại Value Finder, cho biết: “Con người là loài động vật xã hội muốn cho đi và nhận lại tình yêu. Và việc nuôi thú cưng nhằm thay thế niềm hạnh phúc đến từ việc nuôi dạy những đứa trẻ.”

Bởi vậy, thay vì sống với bạn đời, nhiều người độc thân Hàn Quốc lại lựa chọn sống một mình với những người bạn bé nhỏ lông xù đáng yêu này, chăm sóc và yêu thương chúng, mong chờ mỗi ngày hết giờ làm để trở về bên chúng.

Nhà phân tích Seo Ji-hyuk cũng cho biết một nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng không có con nhưng có nuôi thú cưng, cũng như những người độc thân và nuôi thú cưng đều có độ hài lòng cao với cuộc sống. Bên cạnh đó, có ngày càng nhiều những người chưa nuôi nhưng có dự định sẽ nhận nuôi thú cưng trong tương lai.

Thậm chí người Hàn còn có cả một thuật ngữ để chỉ xu hướng sống này. Đó là “dinkpet” – kết hợp giữa DINK – từ viết tắt của thu nhập gấp đôi (double Income) không có trẻ em (No Kids) – và pet (thú cưng) để chỉ những cặp vợ chồng chọn nuôi thú cưng thay vì con cái

Ngoài ra còn có từ “honpet” – ghép giữa từ hon, tiếng Hàn nghĩa là riêng và pet (thú cưng) – chỉ những người nuôi thú cưng. Đây là những thuật ngữ đại diện cho một xu hướng sống mới.

“Nhiều người cho rằng bạn sẽ cô đơn khi sống một mình, không kết hôn, không có con, nhưng tôi hoàn toàn ổn khi sống cùng con mèo của mình,” Lee Jae-ha, 33 tuổi, sống tại Seoul, cho biết. “Tôi thực sự bận rộn với việc chăm sóc con mèo của mình.”

Mặt khác, có nhiều nghiên cứu cho thấy việc chơi đùa, vuốt ve mèo có thể giúp cơ thể chúng ta sản sinh serotonin (còn gọi là hormone hạnh phúc) – một chất hóa học giúp con người cải thiện tâm trạng.

Bên cạnh đó, những ngôi nhà nhỏ hoặc những căn hộ studio dành cho 1 hoặc 2 người sống cũng là môi trường lý tưởng cho mèo.

Những căn hộ nhỏ hoặc những ngôi nhà không có sân vườn được cho là quá nhỏ với những chú chó có năng lượng cao và cần nhiều thời gian hoạt động ngoài trời. Nhưng mèo thì lại khác. Chúng chỉ cần một nơi trú ẩn có đủ độ cao. Về cơ bản chúng cần một không gian thẳng đứng hơn là một không gian rộng rãi.

Mặt khác, những chú mèo cũng yên tĩnh hơn nhiều so với những chú chó hay sủa. Do đó, chúng sẽ không gây phiền hà đến hàng xóm khi đang sống tại một căn hộ chung cư.

Mặt trái của “tự lập”

Tuy nhiên, quan điểm mèo thích sống độc lập và không muốn bị làm phiền có thể gây hiểu lầm khiến một số chú mèo bị bỏ bê, ít được quan tâm chăm sóc, đặc biệt nếu chủ nhân của chúng là một người độc thân và thường xuyên vắng nhà trong một thời gian dài.

Vi sao ngay cang nhieu nguoi Han Quoc nuoi meo thay vi ket hon? hinh anh 3
Mèo hoang trên đường phố Hàn Quốc. (Nguồn: Vietnam+)

Nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 đến 30 đã chọn nuôi mèo làm thú cưng sau khi họ bắt đầu sống một mình bởi lý do “ít cần chăm sóc.” Tuy nhiên, ít hơn không có nghĩa là người nuôi mèo có thể bỏ mặc chúng hoặc dành quá ít thời gian cho chúng.

Theo giáo sư Kim Ok-jin, “mèo có tính độc lập và đúng là chúng cảm thấy ít cô đơn hơn chó. Nhưng chúng vẫn cảm nhận được tình yêu thương và lớn lên trong sự chăm sóc trìu mến của người chủ. Vì vậy chúng ta vẫn cần phải dành một số thời gian nhất định trong ngày để tương tác với chú mèo của mình.

Thông thường, việc ở một mình khoảng 8 tiếng mỗi ngày là bình thường đối với mèo. Một số con có thể ở một mình lâu hơn nếu có đủ nước và thức ăn. Nhưng việc bị bỏ lại một mình quá lâu vẫn có thể khiến cho chúng căng thẳng.

Mặt khác, Luật Bảo vệ Động vật của Hàn Quốc cũng quy định rõ, việc vứt bỏ thú nuôi có thể bị phạt đến 3 triệu won. Dù không bỏ rơi hay ngược đãi mèo, nhưng đôi khi, việc thờ ơ với chú mèo nhà của mình cũng chính là một lý do khiến chúng bị stress một cách âm thầm.

Giáo sư Seo Ji-hyuk, cho rằng mèo độc lập không có nghĩa là chúng không bị trầm cảm hay lo lắng gì về sự chia ly. “Do chúng ngủ quá nhiều, gần 20 tiếng mỗi ngày, nên nhìn chúng có vẻ như không bị cô đơn. Và do đó, đôi lúc loài người đã xem nhẹ sự cô đơn của mèo,” ông nhận xét./.

Theo Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)