Trong một clip chia sẻ kỹ năng mềm cho sinh viên mới đây, tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng kiến thức và kỹ năng chỉ chiếm 15% nhân tố quyết định thành công, còn thái độ sống rất quan trọng. Vai trò của nó chiếm đến 85% tầm ảnh hưởng để đạt được thành công.
Vì vậy, sinh viên và học sinh, hay giới trẻ nói chung ngày nay cần chú trọng rèn luyện thái độ sống để đủ tự tin vững bước đi vào tương lai.
Thái độ sống rất cần thiết
Theo định nghĩa của các nhà tâm lý học, thái độ là một tình cảm và quan điểm tinh thần tồn tại hoặc đặc trưng cho một người, đối với cách họ tiếp cận một vấn đề hoặc quan điểm cá nhân về nó. Thái độ bao gồm tư duy, quan điểm và cảm xúc của người đó. Thái độ phức tạp và được hình thành thông qua trải nghiệm trong cuộc sống. Nó là tâm trạng sẵn có của một người đối với một giá trị cụ thể và được kích thích thông qua phản ứng đối với bản thân, một người, nơi chốn, vật thể hoặc sự kiện và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người đó.
Thái độ sống có vai trò rất quan trọng với tất cả mọi người. Dù làm bất cứ nghề gì, là doanh nhân, giáo viên, sinh viên, học sinh hay nông dân, buôn bán… Dù là nam hay nữ; dù ở bất cứ lứa tuổi nào, 20 hay 40, 80 tuổi… cũng cần quan tâm tới thái độ sống. Nếu thái độ sống của chúng ta tiêu cực, ta sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường và không thể nào vượt qua được những khó khăn. Thái độ sống tạo nên tất cả. Nếu kiến thức (hay tri thức) là yêu cầu “cần”/điều kiện “cần”, nếu kỹ năng là yêu cầu đứng giữa ranh giới “cần” và “đủ”, thì thái độ là điều kiện “đủ”. Dĩ nhiên cả ba yếu tố đều phải có, song thái độ chi phối, quyết định nhiều hơn đến thành hay bại. Nó như quan hệ giữa “tài” và “đức”, có tài (tri thức) mà không có “đức” (thái độ) thì chẳng làm được việc gì ý nghĩa.
Khảo sát ý kiến của khoảng gần 150 học sinh lớp 11 mới đây, khi học bài ngữ văn “Người trẻ và những hành trang vào thế kỷ XXI” (Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng, sách giáo khoa Ngữ văn 11, bộ Chân trời sáng tạo), kết quả thu nhận được là: Khoảng 10% cho rằng kiến thức quan trọng nhất, gần 30% đề cao vai trò của kỹ năng, trong khi đó có hơn 60% số học sinh chọn thái độ sống là quan trọng. Điều này cho thấy học sinh ngày nay đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của thái độ sống. Nhất là trong bối cảnh xã hội luôn biến động, thay đổi không ngừng như hiện nay.
Cần làm gì để có thái độ sống tích cực?
Vậy người trẻ làm gì để có thái độ sống lạc quan, để có thể vươn tới thành công, có thể hạnh phúc? Theo Jennifer Leigh Youngs: “Thành công trong cuộc sống không tự nhiên mà đến. Bạn cần phải có thái độ sống, khát vọng và cả sự chấp nhận”. Dưới đây là những lời khuyên đúc kết từ kinh nghiệm bản thân người viết. Một, hãy luôn làm mới bản thân. Hãy tham gia các hoạt động mới. Sau một thời gian, chúng ta sẽ thấy cuộc sống cũng như thái độ sống của mình được cải thiện. Lúc đó, sự thay đổi sẽ giúp chúng ta xây dựng kiến thức, cải thiện sự tự tin và cảm thấy khỏe mạnh hơn, kết nối với nhiều người hơn… Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle từng khuyên rằng: “Tất cả mọi người đều ao ước có được nhiều hiểu biết, điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ, cái gì cũng mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên cả”. Chính “cặp mắt của trẻ thơ” trong lời khuyên là luôn biết khám phá, luôn làm mới bản thân. Hai, biết chấp nhận những may rủi, chấp nhận những bất định, biến đổi vô lường của đời sống. Trong thời đại công nghệ số thay đổi từng ngày, từng giờ, đừng nên “lý tưởng hóa sự ổn định”, mà hãy coi sự biến đổi như quy luật tự nhiên. Có như vậy người trẻ mới có được sự chủ động thích ứng, và không rơi vào tâm lý hoang mang, lo lắng. Ba, biết cách giải tỏa căng thẳng bằng những hành động và thái độ đúng đắn.
Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý khuyên những điều sau đây: Thứ nhất, hãy bắt đầu học một kỹ năng mới, như học thêm một ngoại ngữ, chơi một nhạc cụ… Đặc biệt, có thể tham gia một khóa học kỹ năng sống để hiểu thái độ sống tích cực là gì, từ đó có thể áp dụng cho bản thân mình. Thứ hai, tự thưởng cho mình mỗi ngày. Mỗi ngày một lần, hãy tự tặng quà cho chính mình. Đừng lên kế hoạch trước mà hãy để việc đó diễn ra tự nhiên. Đó có thể là một chiếc áo mới, một chiếc đồng hồ đẹp và thời trang hoặc tách cà phê nóng hổi ở quán yêu thích. Thứ ba, tập thể dục. Tập thể dục không chỉ là một thói quen quan trọng để sống một cuộc sống lành mạnh. Đây cũng là một cách tuyệt vời để cải thiện tâm trạng, kiểm soát cân nặng và giảm các tác động của sự căng thẳng, duy trì thái độ sống đúng đắn. Và chúng ta nên biết rằng, những người tập thể dục thường xuyên sẽ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn những người ít vận động. Thứ tư, lập danh sách những việc phải làm. Đây là một cách tuyệt vời để định hình rõ ràng về những gì quan trọng trong cuộc sống. Danh sách có thể rất dài hoặc rất ngắn, bao gồm cả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn mà mình muốn thực hiện. Danh sách này là một bước quan trọng để cải thiện, thay đổi cuộc sống của bản thân bởi vì nó có thể giúp chúng ta không còn mơ hồ, không còn lạc lối. Cũng nhờ đó, thái độ sống không còn mơ hồ mà đã có các mục tiêu khác nhau. Thứ năm, đối mặt với một nỗi sợ hãi. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi của riêng mình. Nỗi sợ hãi có thể giúp chúng ta sống và an toàn. Nhưng nỗi sợ hãi cũng có thể kìm hãm chúng ta, đặc biệt nếu chúng ta để chúng kiểm soát mình. Khi chúng ta đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình, chúng ta có thể xây dựng lòng can đảm và học cách vượt qua những suy nghĩ đen tối này, xây dựng thái độ sống đúng đắn, tích cực hơn.
Chỉ đơn cử một thực tế sau đây, đủ thấy thái độ của người trẻ là cần thiết nhường nào. Kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cách đây vài năm cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Thực tế này đòi hỏi người trẻ phải chủ động trang bị kiến thức chuyên ngành, song cũng phải có kiến thức đa ngành, liên ngành để “phòng bị bất trắc” khi ra trường. Và đừng quá ảo tưởng rằng mình sẽ có công việc ổn định, gắn bó suốt đời với nghề mình lựa chọn. Có thái độ đó sẽ giúp người trẻ không bị hụt hẫng, hoang mang, nhiều khi dẫn đến chán nản, bỏ việc. Và cũng từ đây trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)