Nhiều cơ sở giáo dục ĐH hiểu nhầm tự chủ ĐH là tự lo kinh phí, được tự tiêu những khoản tiền mình kiếm được nên không dám nhận làm thí điểm tự chủ.
GS Vũ Minh Giang chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Huê
GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đã vận hành trong một loạt cơ chế không có tự chủ quá lâu. Vì vậy, bản thân các cơ sở giáo dục ĐH này nhiều khi cũng không hiểu tự chủ là thế nào.
“Thực tế đã có những cơ sở giáo dục ĐH hiểu nhầm. Theo họ, tự chủ ĐH là tự lo kinh phí, được tự tiêu những khoản tiền mình kiếm được. Nghĩ đơn giản như vậy nên nhiều cơ sở ĐH không dám nhận làm thí điểm tự chủ. Tức là họ bị mất khả năng tự chủ” – GS Vũ Minh Giang nói.
Chính vì thế, GS Giang cho rằng giáo dục ĐH ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn thích ứng với cơ chế, luật pháp, thiết chế tổ chức, với cách quản lý chặt. Chính vì vậy, giờ muốn tự chủ, từ việc biên soạn đến thay đổi những cơ chế, có thế coi như những mối ghép phải tháo cũng phải từng bước, không nóng vội được.
Giống như ngôi nhà kín gió lâu quá, giờ muốn mở cửa phải từ từ, nếu không sẽ bị cảm. Do đó, cần thay đổi từng bước. Xã hội cũng đặt ra những yêu cầu rất cao đối với các nhà quản lý giáo dục ĐH. Ví dụ như trách nhiệm giải trình nên cũng khiến họ rụt rè vì cảm thấy yêu cầu, thách thức quá lớn. Nên họ sẵn sàng chọn làm theo kiểu cũ, an toàn hơn.
PGS Đặng Quốc Bảo, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng tự chủ và giải trình được ví như là “tay ga” và “tay phanh” cho cỗ xe trên đường thiên lý. “Ga” càng bốc thì “phanh” phải càng nhạy. Các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ trên ba lĩnh vực: tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Ba mặt này phải vận hành đồng bộ.
Tuy nhiên, theo nhận định của GS Vũ Minh Giang thì vấn đề tự do học thuật chưa được các trường ĐH của Việt Nam nhận thức đầy đủ. “Thuộc tính của giáo dục ĐH là sáng tạo ra tri thức mới. Giải thưởng Nobel trên thế giới đều ở các trường ĐH. Muốn vậy, dạy gì, dạy hướng nào, chọn cái gì để dạy là việc của các trường ĐH, các nhà khoa học” – GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Còn ở Việt Nam, trong thời gian dài các cơ sở giáo dục ĐH dạy gì là theo khuôn phép của Bộ chủ quản. Các trường chỉ được dạy những gì cho phép. “Nên chuyện xếp vi sinh vật vào động vật có xương sống là có thật không phải chuyện đùa. Còn nhớ trước đây, GS Nguyễn Lân Dũng có phản ánh với tôi là có chuyện này. Tôi xem lại hóa ra là thật và hóa ra ở trên người ta xếp nhầm. Vì ở trên người ta quản lý quá nhiều nên không biết hết được” – GS Vũ Minh Giang hóm hỉnh chia sẻ.
Ông cho rằng, khó khăn hiện nay khi thực hiện tự do học thuật trong tự chủ ĐH là thay đổi dần những quy định. Hiện Bộ GD&ĐT vẫn quản lý quá sâu, quá chặt về hoạt động này.
Tiếp nữa là năng lực quản trị, hiểu biết sâu sắc để phát huy được tự chủ của các trường ĐH cũng còn hạn chế. Vì trong thời gian chúng ta đang làm thí điểm, có thể thấy không phải trường ĐH nào cũng nhận thức được học thuật là quan trọng nhất. Với họ, tài chính, quyền thu chi, tuyển sinh vẫn là vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện tự chủ.
Bỏ bộ chủ quản để giải phóng cho các trường
Theo GS Vũ Minh Giang, bộ chủ quản đối với giáo dục ĐH thực chất không quản lý chuyên môn mà chỉ có quản lý nhà nước ở lĩnh vực đó và đó là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. GS Vũ Minh Giang cũng nhắc lại tự chủ quan trọng bậc nhất ở ĐH là tự chủ học thuật.
Muốn ĐH trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới thì những nhà khoa học, những người quản lý khoa học phải biết được hướng nghiên cứu của thế giới về vấn đề đó, lĩnh vực đó trong những năm tới ra sao. Họ tiếp xúc, họ đưa về, họ mở ra những cái mới, đi theo hướng nghiên cứu mới.
“Vậy thì làm gì có bộ nào có thể làm được việc này. Các bộ liên quan chỉ có nhiệm vụ đưa ra những đơn đặt hàng. Đương nhiên, họ không phải là bộ chủ quản. Nhưng thực tế ở Việt Nam, bộ chủ quản có nhiệm vụ cấp tiền. Nên đương nhiên, bộ chủ quản giống như ông chủ. Họ có rất nhiều quyền, họ can thiệp vào công việc chuyên môn, can thiệp vào tổ chức.
Vì bộ chủ quản can thiệp các vấn đề trên nên các trường ĐH coi như không có tự chủ” – GS Vũ Minh Giang khẳng định. Theo ông, không có bộ chủ quản gần như phải là hoạt động song hành với tự chủ giáo dục ĐH. Lúc đó, Bộ GD&ĐT cũng không phải là bộ chủ quản mà là cơ quan thay mặt chính phủ quản lý về mặt nhà nước lĩnh vực hoạt động này.
Tại hội thảo, GS Vũ Minh Giang kể một câu chuyện: Một giáo sư người Hungary, cách đây 10 năm, sang Việt Nam và đã đề nghị ĐH Quốc gia xây một phòng thí nghiệm về tế bào gốc với giá 10 triệu đô và trả lương cho giáo sư là 40 nghìn đô. Nhưng trường không quyết định được vì liên quan đến kinh phí nên ông giáo sư đã sang Hàn Quốc để làm. Và bây giờ người Việt bỏ tiền tỷ để sang đó chữa bệnh bằng tế bào gốc. Đó là một thực tế.
|
NGHIÊM HUÊ/ TPO
Tin liên quan
Công an TP.HCM cho biết hiện chưa thực hiện chi trả tiền cho người cung cấp hành vi vi phạm giao thông...
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được quan tâm, triển khai thực hiện và nhân rộng đến các trường trên...
Từ trước đến nay, chứng biếng việc nhà của đàn ông đã trở thành một căn bệnh trầm kha. Lý giải điều...
Chỉ sau hai tuần vận hành thương mại, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chứng kiến sức hút...
Bình luận (0)