Sụt giảm khách nghiêm trọng vì Covid-19 nhưng các hãng bay vẫn cất – hạ cánh những chuyến không người, hoặc rất ít khách.
Nhiều hành khách đã đăng những bức ảnh về các chuyến bay vắng người mà họ gặp phải. "Tôi chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ ngồi trên một chuyến bay quá trống chỗ như thế này", "Trước đây tôi từng bay những chuyến bay vắng khách, nhưng không trống rỗng đến vậy"… là những dòng thông tin được hành khách ghi lại.
Hành khách Zain Jaffer đăng tải hình ảnh nhiều ghế trống trên chuyến bay của hãng United Airlines ngày 25/2, từ San Francisco, Mỹ đến London, Anh. Các ghế sậm màu đã có người ngồi. Ảnh: Twitter
Các hãng hàng không khắp châu Âu phải đối mặt với một vấn đề lớn – đó là phải khởi hành các chuyến bay "ma" (các chuyến bay không có khách, hoặc rất ít hành khách). Những chuyến bay này nhiều hơn so với những gì từng xảy ra, vì Covid-19.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra: Tại sao các hãng vẫn thực hiện những chuyến bay mà họ biết trước sẽ "lỗ nặng"? Câu trả lời là họ "bắt buộc" phải làm thế. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất vị trí hạ cánh tại các sân bay, theo quy tắc quản lý không gian tại các sân bay ở châu Âu – "sử dụng hoặc mất chỗ".
Hành khách Melisa Herold đăng lên Twitter ngày 6/3 hình ảnh một chuyến bay quốc tế vắng khách, kéo dài 11 tiếng mà cô vừa trải qua. Theo các chuyên gia, Covid-19 có thể là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với ngành công nghiệp du lịch, kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Ảnh: Twitter.
Theo luật của Liên minh châu Âu, các hãng bay phải sử dụng 80% các vị trí tại sân bay mà họ được phân. Nếu không sẽ mất chúng vào tay các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.
Tim Alderlade, CEO của Airlines UK, cho biết việc tuân theo luật này trong thời điểm hiện tại là bất hợp lý. "Chúng ta cần khẩn cấp dừng áp dụng quy tắc trên để cho phép các hãng sử dụng máy bay một cách hiệu quả", ông nói. Ý kiến này được Shai Weiss, CEO của Virgin Airlines đồng tình. Các hãng muốn quy tắc này được hoãn lại cho đến ít nhất là sau mùa hè – thời điểm kỳ vọng hành khách sẽ quay lại sau khi Covid-19 được kiểm soát.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps đã gửi thư tới Cơ quan điều phối bay, Airport Coordinator Limited (ACL) hôm 5/3, kêu gọi nới lỏng quy tắc trên. Các hãng bay chỉ ra rằng, việc vận hành các chuyến bay trống lãng phí nhiên liệu, không chỉ tăng khí thải nhà kính mà còn tổn hại tài chính của các hãng bay vốn đang phải chịu nhiều áp lực từ dịch bệnh.
Rob Burgess, biên tập của trang Headforpoint giải thích, các chuyến bay "ma" là bí mật tồi tệ của ngành hàng không. Chúng diễn ra từ lâu tại sân bay Heathrow, Anh nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Trong trường hợp các hãng bay không sử dụng hết các chỗ cất hạ cánh của mình trước dịch, họ có thể cho các hãng khác thuê. Hãng Flybe từng thuê vị trí cất – hạ cánh của hãng Air France, KLM, Delta và Virgin Atlantic. Hãng Etihad gần đây cũng thuê chỗ của Air Serbia.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch toàn cầu Scott Solombrino cho biết, sau vụ 11/9, Covid-19 lại đặt mọi người vào một thách thức mới, khi số lượng các ca lây nhiễm ngày một tăng. Về cơ bản, mọi người chỉ muốn tránh xa máy bay để phòng ngừa sự lây lan, dẫn đến một mối đe dọa chưa từng có đối với ngành này. Các chuyên gia ước tính, ngành hàng không toàn cầu có thể mất từ 63 đến 113 tỷ USD trong năm 2020. Sự sụt giảm hành khách đột ngột dẫn đến số lượng hủy chuyến ngày càng tăng.
"Có rất ít người bay trong tuần này so với tuần trước. Các chuyến bay đang giảm dần vì mọi người không đi máy bay nữa", Nicholas E. Calio, CEO của Airlines for America nói trên New York Times.
"Chúng tôi bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh vào tuần trước. Thật lòng, tôi nghĩ rằng sợ hãi chính là những gì mọi người đang trải qua trong lúc này. Nó gợi cho tôi tới cảm giác của sự kiện 11/9", Gary Kelly, CEO của Southwest Airlines nói.
Vào cuối tuần trước, Qantas trở thành hãng hàng không mới nhất của Australia cắt giảm các chuyến bay trên những chặng phổ biến như Nhật Bản, Hong Kong, New Zealand.. Đầu tháng 3, hãng bay giá rẻ Jetstar tuyên bố tạm dừng các chuyến đến Seoul, Hàn Quốc cho đến sớm nhất là vào tháng 7. Trong khi đó, Virgin Australia rút mọi chuyến bay khỏi Hong Kong.
Sáng 5/3, hãng hàng không Flybe đã tuyên bố phá sản. Sự sụp đổ của hãng một phần được cho có tác động từ Covid-19, khiến số lượng khách giảm đáng kể. Lufthansa của Đức và một số hãng ở Áo, Thụy Sĩ cho biết họ sẽ hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Israel trong ba tuần, tính từ ngày 8/3.
Cathay Pacific của Hong Kong cho biết trong các biện pháp cắt giảm chi phí sẽ có 75% nhân viên, tương đương 25.000 người, nghỉ phép không lương vì số lượng các chuyến bay giảm mạnh. Tại Mỹ, Southwest Airlines đã cắt giảm kỳ vọng doanh thu trong quý này, từ 200 đến 300 triệu USD. Hãng hàng không quốc gia Finnair đang tạm cho thôi việc nhân viên tại trụ sở Phần Lan từ hai tuần đến một tháng.
Anh Minh/Vnexpress (Theo News)
Bình luận (0)