Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vì sao nói nhẹ nhàng có uy lực hơn quát mắng con?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giọng nói nhẹ nhàng có thể "dìm" tâm lý phản kháng và nổi loạn của trẻ, giúp trẻ dễ tiếp thu hơn những điều cha mẹ nói.

Một cô gái kể, khi còn nhỏ cô đã quen với giọng nói to của bố. Mỗi lần tranh luận với người khác, ông trừng to mắt, giọng như tiếng chuông đồng. Bác trai của cô cũng như vậy, có vẻ như trời sinh cho họ giọng nói to. Hai người nói chuyện với người khác giống như đang cãi nhau. Nhiều lần mẹ cô góp ý với bố phải nói bé một tí, từ từ, rõ ràng thôi, song ông vẫn không sửa được.

Đến tận khi kết hôn cô mới nhận ra sự bất thường đó của nhà mình. Bởi nhà chồng cô không có ai nói to, chuyện gì cũng chầm chậm, nhẹ nhàng. Lúc này cô mới hiểu cách nói chuyện thường ngày nên như thế. Cô đã mất rất nhiều thời gian để sửa giọng cho bản thân mình bình thường như mọi người.

Cha mẹ giáo dục trẻ mỗi ngày, qua những lời nói vô thức tăng âm lượng cùng với cảm xúc, buộc trẻ nhìn vào khuôn mặt của bố mẹ để chúng đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Tông giọng của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến đứa trẻ. Tông giọng nhẹ nhàng sẽ giúp bạn nuôi con dễ hơn quát mắng. Ảnh: Ksina

Khi một đứa trẻ phạm lỗi, bố mẹ hét lên giận dữ, kết quả không có gì hơn hai điều dưới đây: Một là đứa trẻ sẽ rất sợ bố mẹ, chúng không nghĩ sai chỗ nào, chỉ mong bố mẹ sớm kết thúc việc la mắng này. Hai là đứa trẻ sẽ tức giận, la hét và phản ứng lại. Trẻ không xem xét lỗi sai của mình mà chỉ muốn đối đầu với bố mẹ.

Tuy nhiên, khi chúng ta hạ giọng, bình tĩnh nói chuyện với con một cách nghiêm túc, tự khắc không cần tỏ giận dữ mà vẫn vô cùng uy lực trong mắt con. Vào thời điểm này, bạn muốn truyền đạt gì đến con thì sẽ hiệu quả hơn. Trong quá trình nói nhẹ nhàng cũng giúp cha mẹ bình tĩnh lại.

Phê bình trẻ bằng cách nói nhẹ nhàng còn tốt cho tính cách trẻ sau này. Trong cuộc đời của trẻ, bố mẹ là giáo viên có thời gian dạy dài nhất. Lời nói và hành động của bố mẹ ảnh hưởng lớn nhất đến con. Khi chúng ta không bình tĩnh, càng nói to và la mắng càng ảnh hưởng đến tính cách của con. 

Các nhà tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng giáo dục bằng giọng nói là một loại trí tuệ, phương pháp này trái ngược với giáo dục la mắng. Họ đưa ra 4 hướng dẫn để hạ thấp giọng nói:

– Chuyện gấp nói từ từ, chuyện lớn nói rõ ràng, chuyện nhỏ nói một cách hài hước, chuyện không có gì đừng nói bừa, chuyện không chắc chắn nói thận trọng, chuyện làm không được đừng nói linh tinh, chuyện tổn thương người khác không nên nói, chuyện chán ghét tìm đúng người để nói, chuyện hạnh phúc thì tìm dịp thích hợp để nói…

– Sử dụng đúng giọng điệu và từ ngữ

Nhiều bậc cha mẹ rất khó kiểm soát bản thân khi phê bình trẻ. Vì vậy, trước khi nói hãy suy nghĩ thật kỹ, vận dụng những từ ngữ và giọng điệu phù hợp, hiệu quả có thể làm bạn kinh ngạc. Ví dụ "Mẹ rất yêu con, nhưng hành vi của con mẹ không thể chấp nhận được". Một số bà mẹ còn áp dụng cách đi chỗ khác vài phút để bình tĩnh lại, suy nghĩ thật kỹ mới nói chuyện với con.

– Nói rõ sự kỳ vọng của chúng ta cho con cái nghe

Ví dụ, đưa trẻ đi siêu thị, nói với trẻ đừng làm xáo trộn hàng hóa và cảnh báo nếu không làm theo hậu quả sẽ như thế nào. Từ đầu đến cuối cần phải thông suốt, không cần lớn tiếng hay dùng giọng điệu uy hiếp đứa trẻ.

– Không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Tùy việc mà xét, đừng tùy ý trút hết mọi cảm xúc lên con, đừng dùng những từ ngữ tổn thương đến tự trọng của con. Mọi đứa trẻ đều muốn được người khác tôn trọng, kể cả bố mẹ. Sự tôn trọng và tin tưởng này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự tin, cũng là động lực quan trọng cho sự tiến bộ của chúng.

Theo Huyền Trang (Theo Aboluowang)/Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)