Thế là cuối cùng Barack Obama đã thắng cử và sẽ bắt đầu đảm nhiệm chức vụ tổng thống thứ 44 của Mỹ vào ngày 20-1-2009. Ông là con người như thế nào?
>Barack Obama – Hi vọng táo bạo
>Obama và thách thức từ châu Á
>Mỹ: Ông Obama lập nội các mới
Đã có hàng chục ngàn bài viết về cuộc tranh cử lịch sử vừa diễn ra, nhưng một tỉ lệ rất lớn xoáy vào các vấn đề thời sự tức thời như vụ Sarah Palin mua áo quần đắt tiền, bà cô Obama ở lại nước Mỹ trái phép, John McCain nói đùa trên truyền hình…
Trong các bài viết hiếm hoi về tính cách con người chứ không đi vào chuyện vụn vặn hay giật gân, Joe Klein của tạp chí Time đã phân tích sự chuyển hóa của Obama từ ngày bắt đầu tỏ ý định tranh cử đến sát ngày bỏ phiếu, hé mở cho thấy tính cách của vị tổng thống tương lai nước Mỹ. Tháng bảy, Obama và hai thượng nghị sĩ khác đến Baghdad để khảo sát tình hình Iraq. Tướng David Petraeus, tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq, chuẩn bị kỹ buổi giao ban vì ông này biết Obama muốn rút quân Mỹ khỏi Iraq trong vòng 16 tháng nên tìm mọi lý lẽ phản bác kế hoạch này.
Theo phân tích của Time, Obama lúc đó có thể chọn lựa cách an toàn, cảm ơn tướng Petraeus rồi hứa hẹn sẽ xem xét vấn đề. Nhưng không, ngay lúc đó Obama quyết định nói rõ quan điểm của ông: “Nếu tôi là ông, tôi cũng lập luận đúng y như vậy. Trách nhiệm của ông là thành công tại Iraq càng thuận lợi càng tốt. Nhưng trách nhiệm của tôi như một tổng tư lệnh quân đội tiềm năng là xem xét tham vấn của ông qua lăng kính an ninh quốc gia tổng quát…”. Và sau đó Obama trình bày rõ ràng những gì ông muốn làm với cuộc chiến Iraq và tranh luận với tướng Petraeus một cách sôi nổi nhưng đầy tôn trọng.
Cuộc họp kéo dài gấp đôi thời gian bình thường nhưng sau đó hai bên có vẻ hiểu nhau rõ hơn. Quan trọng hơn, Obama đã phát đi thông điệp: nếu thắng cử, ông sẽ lãnh đạo trực tiếp chứ không giao toàn quyền cho Petraeus như Bush hay quá thần tượng hóa Petraeus như McCain.
Tính điềm tĩnh nhưng quyết đoán của Obama đã thu hút ngày càng nhiều người ủng hộ ông. Tính cách đó đã giúp ông vượt qua những giây phút khủng hoảng của chiến dịch tranh cử, những tình huống buộc phải có quyết định ngay. Và Time, trích lời một cố vấn của Obama, cho rằng ông đã học được cách tin vào trực giác của mình trong khi mới năm ngoái ông chưa có sự tự tin này. Chẳng hạn lúc báo chí rộ lên chuyện mục sư Jeremiah Wright, một người thân cận của Obama, từng rao giảng kích động lòng hận thù sắc tộc, thù ghét nước Mỹ, Obama có thể chỉ cần chối bỏ người mục sư cũ của mình để tránh xa một thùng thuốc súng nhạy cảm.
Nhưng Obama chọn lựa cách đề cập trực tiếp trong một bài diễn văn nảy lửa về sự căng thẳng chủng tộc ở Mỹ, về sự giận dữ của người da màu, sự bất mãn của người da trắng và những thực tế còn tồn tại ở Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc bề sâu. Ông kêu gọi nước Mỹ phải vượt qua sự bế tắc chủng tộc và cùng giải quyết những vấn đề chung của xã hội. Đây có lẽ là bài diễn văn sẽ còn được nhắc đến nhiều trong lịch sử nước Mỹ.
Kể chuyện với Joe Klein, Obama nói: “Trực giác bảo tôi đây là giây phút có thể dùng để truyền giảng. Và nếu tôi cố gắng kiểm soát tổn thất chính trị như thường thấy thay vì nói chuyện với người dân Mỹ như những người trưởng thành và có thể hiểu sự phức tạp của chủng tộc, tôi sẽ không chỉ làm hại đến chiến dịch tranh cử mà còn đánh mất cơ hội lãnh đạo quan trọng”.
Một trường hợp khác. Lúc khủng hoảng tài chính Mỹ đến cao trào, John McCain tuyên bố hoãn tranh cử, đe dọa sẽ hủy buổi tranh luận tay đôi đã lên lịch vào ngày 26-10 và nhảy lên máy bay quay về Washington “để góp tay giải quyết khủng hoảng”. Lúc đó Obama đang ở Florida chuẩn bị cho buổi tranh luận. Khi nghe tin, phản ứng đầu tiên của Obama là thốt lên: “Không phải chuyện đùa đấy chứ. Tôi sẽ đi tranh luận. Một tổng thống phải có thể làm được nhiều việc cùng lúc chứ”.
Nhưng lúc đó những người ủng hộ Obama kể cả các quan chức ở Washington như sôi sục lên. “Ông ta phải về ngay. Phải hoãn tranh cử. McCain sẽ có dáng vẻ một nhà chính khách, đứng trên chuyện vặt để lo cho đất nước” – nhiều người nói.
Cũng theo lời kể của Joe Klein trên tạp chí Time, Obama nói: “Tôi không tin nổi. Tôi phải nói cho anh biết rằng một trong những lợi điểm của cuộc chạy đua 22 tháng này là anh sẽ bắt đầu hiểu có những cái trông có vẻ quan trọng hay khôn khéo hay cần những động thái đầy kịch tính nhiều lúc chỉ cần cân nhắc và quan tâm theo dõi”. Đấy là vì Obama biết ông và McCain không thể làm được gì nhiều ngoài việc ngồi quan sát cuộc họp bàn giải cứu hệ thống tài chính. Thực tế đã diễn ra như vậy, McCain suốt cuộc họp nội các Mỹ mở rộng chỉ biết ngồi im, không có ý kiến gì và cũng chẳng biết hỏi gì nhiều. Obama nắm tình hình nhưng biết ông không thể ảnh hưởng gì đến kết quả nên tốt nhất là bình tĩnh quan sát.
Tham vọng của nhiệm kỳ Obama là khởi động một chương trình “Apollo mới” trong lĩnh vực kinh tế năng lượng thay thế mới. “Động lực phát triển kinh tế trong 20 năm qua sẽ không còn đó trong 20 năm tới – tiêu dùng cá nhân. Cơ bản mà nói, chúng ta thúc đẩy nền kinh tế này bằng tín dụng rẻ – Obama nhận định – Phải tìm động lực mạnh cho nền kinh tế và không có gì liên quan đến toàn bộ mọi khía cạnh của nền kinh tế chúng ta bằng năng lượng – một nền kinh tế năng lượng mới. Đó sẽ là ưu tiên số 1 của tôi khi tôi nhậm chức”.
Sự rõ ràng và dứt khoát như thế chính là điều Obama cần. Người ta từng phê bình ông “tỉnh táo” quá đến độ hầu như làm hài lòng mọi người. Đầu mùa tranh cử, báo chí còn nói đến việc Obama không xác định rõ được ưu tiên, không nói trực tiếp được với cử tri theo kiểu họ có thể hiểu được chứ không phải là loại logic nghe hấp dẫn nhưng không thực chất. Nay với sự chuyển hóa như nhận định của Time, Obama có vẻ đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ bốn năm đầy khó khăn cả về kinh tế lẫn đối ngoại sắp tới.
Bình luận (0)