Năm nay là năm thứ 3 Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành sư phạm. Bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
Về ngưỡng đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đầu vào của 2 nhóm ngành sư phạm và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trước hết phải khẳng mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Năm nay cũng là năm thứ 3 Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng ĐBCL đầu vào của 2 nhóm ngành này.
Để có căn cứ xác định ngưỡng ĐBCL khách quan, chính xác và công bằng Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng ĐBCL của 2 nhóm ngành trên. Hội đồng có trách nhiệm tham mưu tư vấn, phân tích dữ liệu để lựa chọn, thống nhất ngưỡng ĐBCL chung phù hợp cho cả hệ thống các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm .
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT lần 2, chúng tôi đã tập hợp, hệ thống hóa, sắp xếp, phân tích dữ liệu (điểm thi, phổ điểm, điểm trung bình, điểm trung vị, tỷ lệ đăng ký xét tuyển vào ĐH, tỷ lệ đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các nhóm ngành theo vùng miền, theo từng tổ hợp môn thi, theo nguyện vọng xét tuyển của thí sinh…) để chuẩn hóa dữ liệu phục vụ cho Hội đồng nghiên cứu, thảo luận.
Để đưa ra được các phương án ngưỡng ĐBCL, trên cơ sở dữ liệu đã được tập hợp và chuẩn hóa, Hội đồng đã thống kê và phân tích theo số thí sinh đăng ký xét tuyển tập trung trong 3 nguyện vọng đầu tiên, để xây dựng phương án; phân tích số lượng thí sinh trên ngưỡng đối với các tổ hợp truyền thống; phân tích từng tình huống theo từng mức điểm ngưỡng ĐBCL dự kiến.
Hội đồng cũng đồng thời phân tích nguồn tuyển đối với từng phương án ngưỡng đảm bảo chất lượng. Cụ thể là số lượng thí sinh có đủ điều kiện để tham gia xét tuyển đối với từng ngưỡng đảm bảo chất lượng và số lượng thí sinh trên ngưỡng đối với các tổ hợp truyền thống của từng ngành (nhóm 1: Y đa khoa, Răng – Hàm – Mặt; nhóm 2 Dược, Y học cổ truyền, nhóm 3 còn lại, nhóm sư phạm gồm văn hóa, năng khiếu; trình độ (CĐ) .
Vì sao Bộ GD&ĐT phải quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của hai khối ngành này? Việc đặt điểm sàn có gây khó khăn gì trong công tác tuyển sinh của các trường, đặc biệt là một số trường nhóm dưới?
Nhiều năm trước đây Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ đã quy định ngưỡng ĐBCL đối với tất cả các ngành. Tuy nhiên theo xu hướng tự chủ Bộ GD&ĐT giao các trường đã tự xác định ngưỡng ĐBCL riêng 2 nhóm ngành này Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng ĐBCL đã được Luật hóa.
Sức khỏe và sư phạm là những khối ngành đặc thù có ảnh hưởng trực tiếp sinh mạng con người, ảnh hưởng đến giáo dục nước nhà qua nhiều thế hệ, thuộc nhóm các ngành khó đào tạo, ngành xã hội truyền thống trân trọng (thầy giáo, thầy thuốc) do đó cần phải có ngưỡng tối thiểu xét tuyển đầu vào để sàng lọc đảm bảo thí sinh có đủ năng lực học tập, công bằng giữa các cơ sở đào tạo trong cùng một ngành/chuyên ngành, cũng như đảm bảo chất lượng chung cho sản phẩm đào tạo ở hai khối ngành này.
Có thể có những cơ sở đào tạo sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu (nếu không đủ uy tín thương hiệu, ĐBCL học sinh không đăng kí), nhưng các cơ sở đào tạo không chỉ quan tâm tới lợi ích của mình mà cần nghĩ đến trách nhiệm đối với xã hội. Cụ thể là việc cung cấp các sản phẩm đào tạo đảm bảo chất lượng tối thiểu trong một lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, sự phát triển của người dân, cộng đồng.
Với mức điểm sàn năm nay của hai nhóm ngành sư phạm và sức khỏe, liệu có đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường ĐH nhóm công lập và nhóm ngoài công lập?
Hội đồng điểm sàn nhóm ngành sức khỏe có đại diện của Bộ Y tế, Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam có đại diện của các trường công lập, các trường tốp đầu ngành y, đồng thời có cả đại diện các trường ngoài công lập, các trường ở vùng khó khăn,… Tương tự như vậy, đối với Hội đồng điểm sàn nhóm ngành sư phạm: cũng có đủ đại diện đến từ các trường công lập, ngoài công lập, các trường với quy mô khác nhau đến từ các vùng miền trên cả nước.
Các mức ĐBCL đều được hội đồng điểm sàn bàn bạc, thảo luận kỹ và thống nhất quyết định trên bình diện chung, trên cơ sở yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng đối với ngành đào tạo chứ không phải căn cứ vào điều kiện của trường nào cụ thể. Vì vậy, quyết định của Hội đồng là quyết định thống nhất, có tính đại diện cao cho cả hệ thống của 2 nhóm ngành, chứ không phải tiếng nói riêng lẻ của 1 nhóm hay 1 trường nào.
Cảm ơn bà!
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)