Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vì sao phim Việt nói nhiều?

Tạp Chí Giáo Dục

Là một sinh viên khá quan tâm đến điện ảnh nên tôi thường xem phim. Những phim tôi chọn xem phần lớn được giải quốc tế, được báo chí khen ngợi, được bạn bè rỉ tai là “đáng để xem”. Đa số là phim nước ngoài.

Thỉnh thoảng cũng có vài tên phim Việt tôi được nghe và tất nhiên tôi cũng tìm mọi cách xem như Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt, Chơi vơi… Thời gian này được nghỉ học khá lâu, một trong những thú giải trí đầu tiên của tôi là xem phim truyền hình.

Một tín hiệu đáng mừng là dạo này mức độ phủ sóng của phim Việt khá dày đặc… Nói điều đó để thấy khán giả Việt không những không quay lưng mà còn rất quan tâm đến phim Việt.

Thực tế phim Việt mới nhìn vào khá hút vì dàn diễn viên ngày càng đẹp, được chải chuốt kỹ từ kiểu tóc đến trang phục. Tuy nhiên, càng xem phim tôi càng cảm thấy bực và chán, tập bỏ tập xem, thậm chí đang xem tôi phải tắt giữa chừng.

Tôi cảm thấy các đạo diễn Việt Nam đang xem thường tri thức của khán giả vì diễn giải quá nhiều trong lời thoại.

Diễn viên nói quá nhiều, nói rồi diễn giải điều mình nói. Từ những suy nghĩ cho đến những mưu toan, cung bậc cảm xúc…, tất tần tật đều được diễn giải bằng lời.

Như trong phim Giấc mơ cổ tích, phần lớn đời sống nội tâm của các diễn viên đều được diễn giải bằng lời khá vụng về. Hoặc trong phim Tham vọng, vai người cha là giám đốc một công ty đã diễn giải: “Như vậy là lô hàng đó mất, công ty đó sẽ bồi thường hợp đồng, sẽ mất uy tín với công ty đó, và tất nhiên cơ hội là của công ty chúng ta…”.

Em tôi mới học lớp 6 cũng phải lên tiếng: “Sao mấy người này nói nhiều thế, xem là hiểu rồi mà!”.

Trong khi đó ngôn ngữ phim nước ngoài được sử dụng rất hợp lý. Bên cạnh lời thoại, ngôn ngữ phim còn được thể hiện qua ánh mắt, “ngôn ngữ cơ thể”. Cũng chính điều đó khiến phim nước ngoài cực kỳ hấp dẫn.

Có thể các đạo diễn sẽ đổ cho việc diễn viên Việt Nam không đủ chuyên nghiệp, nhưng theo tôi không hẳn vậy.

Như trong phim Giấc mơ cổ tích, Hoài An trong vai người mẹ là một diễn viên gạo cội và ánh mắt của bà đã làm người xem hiểu được bà đang hoài nghi, lưỡng lự muốn hỏi cô con nuôi của mình điều gì đó. Thế nhưng thoại nội tâm của diễn viên vẫn tiếp tục cất lên song song: “Mình có nên hỏi nó chuyện nữ trang và tiền bạc bị mất…”.

Có thể các đạo diễn sẽ đổ cho việc vì đó là phim giải trí, phải để người xem thoải mái, không phải nghĩ ngợi nhiều khi xem. Nếu thế, xin hỏi khán giả có thích giải trí theo kiểu phải nghe nói ra rả suốt phim không?

Mỗi một bộ phim làm ra chắc hẳn đạo diễn phải hướng đến một thành phần khán giả cụ thể, một số phim làm cho giới trẻ nhưng không khác làm cho trẻ nhỏ vì kiểu nói dai, nói dài và diễn giải không cần thiết.

Xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng được nâng cao, phim ảnh hoặc phải đi cùng tư duy của khán giả, hoặc phải kích thích tư duy khán giả phát triển. Đằng này…

Ngôn ngữ điện ảnh bao gồm lời nói, ánh mắt, cử chỉ, hành động và cả không gì cả. Việc diễn viên nói quá nhiều, giảng giải quá nhiều không chỉ khiến phim Việt vừa dài, vừa chán vì chẳng phải nghĩ gì, phim nói hết rồi và mình cũng biết hết rồi mà quan trọng hơn, nó như một kiểu xem thường khán giả.

PHAN HẠ (Theo TTO)

Bình luận (0)