Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Vì sao phim võ thuật Việt Nam chưa hay?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mai Hiệp là võ sư mang hồng đai Vovinam từ 20 năm trước. Người thầy anh theo thụ giáo là võ sư nổi tiếng Trần Huy Phong. Tiếp đó, anh học Taekwondo với các võ sư Nguyễn Bình và Đặng Huy Đức.

Con đường anh đến với điện ảnh cũng rất sớm. Trước năm 1975 anh đã đóng “thế thân” trong các phim Điệu ru nước mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, và Loan mắt nhung của đạo diễn Bùi Sơn Duân. Sau một thời gian “giải nghệ” tưởng đâu duyên nợ với điện ảnh đã hết. Rồi tình cờ, khi em ruột của anh là diễn viên Mai Huỳnh chợt nhớ ra và mời anh vào vai trò chỉ đạo võ thuật phim Ngày ấy ở quê tôi của đạo diễn Đào Bá Sơn. Vậy là bén duyên với nghệ thuật điện ảnh suốt mười mấy năm nay. Anh tham gia nhiều vai diễn cả phim nhựa lẫn truyền hình như: Ngày ấy ở quê tôi, Cú đấm, Hướng nghiệp… Và hiện đang tham gia Tây Sơn hào kiệt và Vó ngựa trời Nam.

Nói về vai trò chỉ đạo võ thuật trong phim, anh cho rằng hiện nay phía Nam còn thiếu người có nghề thật sự. Ngoài NSƯT Lý Huỳnh, chỉ có anh và nhóm Quốc Thịnh là có đầu tư bài bản. Theo anh, cái yếu của điện ảnh – võ thuật VN so với các nước không chỉ thiếu tiền, kỹ xảo, kịch bản… mà là ở “con người” theo đúng nghĩa đen.

Nhìn ra thế giới, các võ sư thứ thiệt như Lý Tiểu Long, Thành Long, Lý Liên Kiệt… góp phần tạo nên “siêu phẩm” điện ảnh làm mê hoặc khán giả. Gần đây VN có nhóm Johnny Trí Nguyễn xuất thân từ cascadeur ở Hollywood đã diễn xuất thành công trong Dòng máu anh hùng.

Mai Hiệp khẳng định: “Muốn thành công phải làm như thế giới đã làm. Đó là đào tạo hoặc tìm kiếm tài năng võ thuật thật sự, từ đó đưa họ đến điện ảnh. Chỉ khi có những ngôi sao đóng phim võ thuật đúng nghĩa, các nhà đạo diễn tâm huyết mới có cơ hội làm được phim hay”!

Phước Thành (theo thanhnien)


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)