Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vì sao phim zombie đầu tiên của Việt Nam thất bại?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiên phong mở đường cho thể loại mới tại Việt Nam, nhưng phim Việt – Cù lao xác sống lại làm hỏng luôn khái niệm zombie của phim quốc tế.

Khái niệm zombie trong phim ảnh nói đến hình ảnh phần xác của con người sau khi chết đi, dù mất hết nhận thức nhưng chúng có thể cử động với tạo hình quái đản, tấn công một cách “khát máu” để giết hại con người, gây ám ảnh người xem. Từ năm 1932, điện ảnh thế giới đã xuất hiện bộ phim đầu tiên về chủ đề xác sống có tên White Zombie của đạo diễn Victor Halperin. Đến năm 1968, phim Night of the Living Dead được xem là thắng lớn về doanh thu ở thể loại này, và từ đó đến nay, điện ảnh quốc tế liên tục gây ấn tượng với các phim zombie nổi bật như: Dawn of the Dead (1978), Day of the dead (1985), 28 days later (2002), Dawn of the dead (2004), I am legend (2007), Zombieland (2009), World War Z (2013), Cargo (2017), The dead don’t die (2019), Army of the dead (2021), All of us are dead (2022)… Hàn Quốc có Train to Busan – “bom tấn” ăn khách và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế vào năm 2016.

Vì sao phim zombie đầu tiên của Việt Nam thất bại? - ảnh 1

Cảnh trong phim Cù lao xác sống. GALAXY

Bộ phim Cù lao xác sống của đạo diễn Nguyễn Thành Nam, khởi chiếu tại rạp từ ngày 1.9, gây tò mò cho khán giả khi là phim Việt đầu tiên khai thác chủ đề xác sống với bối cảnh miền Tây sông nước. Thế nhưng, những gì phim Cù lao xác sống “phơi bày” trên màn ảnh khiến đông đảo khán giả thất vọng toàn tập, tạo thành làn sóng chê bai mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Nội dung phim yếu với một kịch bản rời rạc, thiếu thuyết phục, tính cách nhân vật thiếu chiều sâu, chưa được lý giải thấu đáo… là điểm trừ lớn của phim. Đạo diễn không lý giải nguyên nhân zombie xuất hiện, chỉ cài cắm qua lời thoại của một diễn viên quần chúng: “Nghe đâu bắt đầu từ thượng nguồn sông Mê Kông”. Đài phát thanh nói rằng dịch bệnh đã diễn ra nhiều tháng và lan ra cả nước nhưng vẫn kêu gọi những người sống sót… chạy đến bến phà (không biết để đi đâu trốn). Sau phân cảnh đầu, phim là những cuộc rượt chạy liên tiếp giữa người và zombie. Dàn nhân vật cứ thế quay cuồng trong việc đi tìm rồi lại lạc mất nhau mà không có mục đích cụ thể. Nhiều tình tiết khiên cưỡng, ngô nghê như cảnh đôi bạn già (do nghệ sĩ Thanh Hằng, Tấn Thi đóng) cùng ca lại bản vọng cổ năm xưa để quên nỗi sợ giữa vòng vây zombie, hay ở cao trào cuối phim, bà mẹ tiếp tục hát mấy câu cải lương ngợi ca tình mẹ… Nhân vật ông Tám (Tấn Thi) còn bật đài radio cho… zombie nghe để chúng kịp thời cập nhật tin tức, gọi tên chúng như người quen…

Khâu tạo hình zombie của phim có nhiều cố gắng để đem lại hình ảnh xác sống đầy máu me, ánh mắt trắng dã…, nhưng những thây ma trong phim lại gây hoang mang cho người xem nhiều hơn vì kém đặc sắc, vật vờ, vừa chậm chạp lại yếu ớt, chẳng gây kịch tính. Zombie Việt chỉ cần… dùng túi xách đánh một cái là gục, khiến cái gọi là “xác sống” không còn là yếu tố đáng sợ, thậm chí còn gây cười. Nhân vật chính Công (Huỳnh Đông đóng) cầm một cây gỗ là có thể tả xung hữu đột giữa đàn thây ma.

Phim ôm đồm nhiều tuyến nhân vật nhưng không ai thực sự được đầu tư, các tình tiết đầy rối rắm nhưng chưa giải quyết đến nơi đến chốn; và khi xem hết phim, khán giả chưng hửng không rõ mọi người có đến được bến phà để thoát thân hay không, vì phim kết lửng, và nhà sản xuất thì nói sẽ có tiếp phần 2.

Được biết, Cù lao xác sống vốn là dự án phim bộ chiếu mạng, phát hành trên các nền tảng trực tuyến có tên gọi Lost in Mekong Delta, nhưng hiện lại được nhà làm phim đem ra chiếu rạp. Đông đảo người xem đã bình luận trên các diễn đàn điện ảnh: “Không thể lấy một bộ phim làm hỏng cả khái niệm phim zombie quốc tế với chất lượng chưa ổn, mà đem ra rạp phục vụ khán giả được”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)