Sự kiện giáo dụcTin tức

Vì sao phương án “2 trong 1” chưa có tính khả thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo lộ trình ban đầu đề ra, phương án tổ chức 1 kỳ thi sau THPT để thực hiện 2 mục tiêu: công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học sẽ được thực hiện vào năm 2010. Tuy nhiên, trước sự phản ứng khá mạnh từ phía dư luận xã hội và đặc biệt là của những người trong cuộc, bao gồm cả giáo viên và học sinh. Đồng thời, căn cứ vào thực trạng chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh thời gian thực hiện phương án “2 trong 1”. Theo đó, để có thời gian tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoàn thiện ngân hàng đề thi và để các trường đại học, cao đẳng có đủ thời gian xây dựng và công bố các phương án xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đã quyết định năm 2010 vẫn tổ chức hai kỳ thi. Gồm: kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Cũng như năm 2009, những học sinh không đỗ tốt nghiệp được Sở GD-ĐT cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông để tạo điều kiện cho các học sinh này học nghề. Quyết định trên của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận xã hội. Vấn đề đặt ra là vì sao phương án “2 trong 1” chưa có tính khả thi trong thời điểm hiện nay? Và, bao giờ thì phương án này có thể được áp dụng, phát huy hiệu quả trong thực tế?
Không thể phủ nhận là phương án “2 trong 1” cũng chứa đựng trong đó những điểm tích cực: giảm sức ép, sự căng thẳng cho phụ huynh và học sinh trước mỗi mùa thi; tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và chi phí của người dân trong việc tổ chức và tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nhiều người có lý khi băn khoăn, nghi ngại về mức độ khả thi và tính hiệu quả của phương án “2 trong 1” nếu như nó được triển khai áp dụng. Từ năm 2006-2007, Bộ GD-ĐT thực hiện cuộc vận động: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Sau 3 năm thực hiện, những lộn xộn, tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được hạn chế đáng kể. Song, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng các kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã thực sự nghiêm túc, công bằng. Mặc dù đã tổ chức thi cụm, nhóm các hội đồng thi lại với nhau, nhưng mặt bằng chất lượng trong các khâu coi thi, tổ chức thi ở các hội đồng thi khác nhau còn có khoảng cách. Tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”, học sinh quay cóp, sử dụng tài liệu vẫn diễn ra. Thực tế lấy thăm dò ý kiến của học sinh về phương án “2 trong 1” cho thấy: phần đông số học sinh có học lực yếu, trung bình tán thành vì “hi vọng” sẽ có nhiều “cơ hội” đạt được điểm cao mà không do thực lực kiến thức của mình. Trong khi đó, phần nhiều số học sinh có học lực khá trở lên thì không tán thành vì sợ sẽ xảy ra tình trạng mất công bằng. Qua tìm hiểu được biết, Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT đã sử dụng phần mềm phân loại, so sánh, xử lý kết quả thi tốt nghiệp và đại học, cao đẳng của từng tỉnh, từng trường. Kết quả thực tế cho thấy đang tồn tại một “độ vênh” lớn giữa hai kỳ thi này. Có tỉnh, số học sinh đậu tốt nghiệp nằm trong “top 10” của cả nước những số học sinh đậu đại học, cao đẳng lại chỉ nằm ở vị trí gần top “đội sổ”. Có trường hợp trong cùng một môn thi, có thí sinh đạt 9 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng khi thi đại học chỉ được điểm dưới trung bình?! Trong quá trình coi thi, dù đã được tập huấn kỹ về nghiệp vụ nhưng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều giám thị vẫn “nhẹ tay” đối với một số trường hợp thí sinh vi phạm quy chế chứ không “thẳng tay” xử lý như trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Mặt khác, mặc dù đã đổi chéo giáo viên coi thi ở các trường khác nhau nhưng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong hội đồng tuyển sinh của trường thường vẫn “cài cắm” lại một vài người lo chuyện “hậu cần” cho cán bộ coi thi, thanh tra kỳ thi nên hiện tượng xin – cho vẫn diễn ra.
Khi tiến hành sáp nhập 2 kỳ thi làm 1, đề thi cũng là vấn đề còn gây nhiều băn khoăn. Do mục đích, tính chất của 2 kỳ thi khác nhau nên từ trước đến nay, đề thi tốt nghiệp bao giờ cũng đơn giản hơn so với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Khi tiến hành sáp nhập 2 kỳ thi, nếu đề thi không đảm bảo chất lượng, mức độ phân hóa học lực của học sinh không đạt yêu cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc công nhận tốt nghiệp cũng như lựa chọn ra được những học sinh có năng lực thực sự vào học ở các trường đại học, cao đẳng. Còn nhớ hơn 10 năm trước, Bộ GD-ĐT từng thực hiện quy định: các trường đại học, cao đẳng tuyển thẳng học sinh ở các địa phương có điểm thi tốt nghiệp các môn từ 9 điểm trở lên. Nhiều học sinh có học lực làng nhàng nhưng vì một lý do nào đó lại có được điểm số cao chót vót để rồi sau đó nghiễm nhiên có một “suất” ở giảng đường đại học. Nếu những trường hợp “ưu tiên” ấy đúng chất lượng, chắc hẳn sau này Bộ GD-ĐT đã không bãi bỏ chính sách này?!
Trong các khâu của quá trình giáo dục, cùng với dạy và học, thi cử là khâu then chốt. Nếu dạy và học thực chất, có chất lượng, thi cử công bằng, khách quan, nghiêm túc, chắc hẳn sẽ cho ra những sản phẩm giáo giục như mong muốn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Song song với nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới, cải tiến hình thức thi cử là việc làm cần thiết. Nhưng vì là khâu quan trọng và nhạy cảm nên việc cải tiến hình thức thi cần được tiến hành cẩn trọng, có lộ trình. Trong thời điểm hiện nay, với những gì đã diễn ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc sáp nhập 2 kỳ thi làm 1 là chưa thực sự chín muồi. Phương án “2 trong 1” chỉ thực sự khả thi và phát huy tác dụng khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực sự công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế; cơ sở vật chất ở tất cả các điểm thi đều đảm bảo; lực lượng bảo vệ, an ninh thực hiện tốt chức trách; lực lượng giám thị công tâm, khách quan, có kỹ năng, nghiệp vụ vững vàng; đề thi được chuẩn bị công phu, khoa học. Khi chưa hội đủ những điều kiện cần thiết, nếu vội vàng áp dụng phương án “2 trong 1” chắc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng “đầu vào” của các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, gây hoang mang, lo lắng không cần thiết trong phụ huynh, học sinh.
Bùi Minh Tuấn (Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)

Bình luận (0)