Hội nhậpThế giới 24h

Vì sao tỉ phú ngày càng giàu hơn kể cả trong khủng hoảng toàn cầu?

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ sau 30 giờ, đại dịch lại tạo ra một tỉ phú mới, đồng thời đẩy 1 triệu người vào cảnh nghèo đói. 
Khu phố thượng lưu Manhattan ở New York, Mỹ.
Cái chết và sự tàn phá không phải điều duy nhất mà COVID-19 được nhớ tới. Đại dịch cũng làm tăng đáng kể bất bình đẳng trên toàn cầu trong ba năm qua.
Theo Bloomberg Billionaires Index, 131 tỉ phú đã tăng hơn gấp đôi tài sản ròng của họ trong đại dịch. Người giàu nhất thế giới – Giám đốc Louis Vuitton Bernard Arnault – có tài sản 159 tỉ USD vào ngày 27.12.2022, tăng khoảng 60 tỉ USD so với đầu năm 2020.
Elon Musk, người giàu thứ hai hành tinh, có khối tài sản trị giá 139 tỉ USD – ít hơn hơn 50 tỉ USD trước đại dịch. Và doanh nhân Gautam Adani của Ấn Độ, người đứng thứ ba trong bảng xếp hạng tỉ phú, có tài sản tăng hơn 10 lần trong giai đoạn này, từ khoảng 10 tỉ USD vào đầu năm 2020 lên 110 tỉ USD vào cuối năm 2022.
Đồng thời, chỉ trong năm 2020, gần 97 triệu người – nhiều hơn dân số của bất kỳ quốc gia Châu Âu nào – bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày (chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới xác định). Giờ đây, lạm phát tăng vọt đang ảnh hưởng đến tăng trưởng tiền lương thực tế, làm giảm bớt thu nhập khả dụng của người dân trên khắp thế giới.
Để kiềm chế giá cả tăng cao, các ngân hàng trung ương đang giảm dòng tiền chảy vào nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất và rút thanh khoản dư thừa. Nhưng điều đó cũng ảnh hưởng đến người lao động, với các doanh nghiệp – từ các hãng công nghệ như Amazon, Twitter và Meta cho đến các ngân hàng như Goldman Sachs – đều thông báo sa thải nhân viên vào cuối năm 2022 sau một năm đầy biến động.
Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ.
Al Jazeera trao đổi với các nhà kinh tế để tìm hiểu lý do người giàu tiếp tục giàu hơn ngay cả trong khủng hoảng và liệu đây có phải là điều không thể tránh khỏi mỗi khi nền kinh tế suy thoái hay không.
Câu trả lời ngắn gọn là: Nhiều quốc gia áp dụng các chính sách như giảm thuế và khuyến khích tài chính cho các doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế khi gặp những cuộc khủng hoảng như đại dịch. Các ngân hàng trung ương bơm tiền vào nền kinh tế để cho vay và chi tiêu dễ dàng hơn. Điều này giúp những người giàu có tăng tiền của họ thông qua các khoản đầu tư vào thị trường tài chính. Nhưng gia tăng bất bình đẳng là không thể tránh khỏi.
Khi đại dịch bắt đầu, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã hành động để bảo vệ các thị trường tài chính. Để cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ, các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, do đó làm giảm chi phí đi vay và tăng nguồn cung tiền. Các ngân hàng cũng bơm hàng nghìn tỉ USD vào thị trường tài chính để khuyến khích các công ty đầu tư vào nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương lớn đã bơm hơn 11 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2020.
Những biện pháp can thiệp này dẫn tới bùng nổ về giá trị của cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác – nhưng  tăng giá tài sản không đi kèm với tăng sản xuất kinh tế.
Francisco Ferreira – Giám đốc Viện Bất bình đẳng Quốc tế tại Trường Kinh tế London (LSE) – chỉ ra: “Thay vì dẫn đến tăng sản lượng kinh tế, một lượng lớn tiền đột ngột đổ vào hệ thống tài chính dẫn đến tăng đáng kể về giá tài sản, bao gồm cả cổ phiếu, mang lại lợi ích cho người giàu”. 
Một năm sau đại dịch, thị trường vốn đã tăng 14 nghìn tỉ USD, với 25 công ty – chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ, xe điện và chất bán dẫn – chiếm 40% tổng mức tăng, theo phân tích về hiệu suất cổ phiếu của 5.000 công ty do McKinsey thực hiện. 
“Kết quả là thời kỳ đại dịch này chứng kiến ​​sự gia tăng lớn nhất về tài sản của tỉ phú kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu” – Giám đốc Công bằng Kinh tế của Oxfam America, Nabil Ahmed, chia sẻ với Al Jazeera.
Theo báo cáo “Lợi nhuận từ Nỗi đau” của Oxfam công bố vào tháng 5 năm nay, các tỉ phú có tài sản tăng trong 24 tháng ở mức nhiều như trong 23 năm. Cứ sau 30 giờ, trong khi COVID-19 và giá lương thực tăng cao đang đẩy thêm gần một triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, thì nền kinh tế toàn cầu cũng đang sản sinh ra một tỉ phú mới.
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)