Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vì sao tiểu thương chuộng bán nông sản Trung Quốc?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nông sản Trung Quốc không chỉ đứng vững ở thành thị, mà ngày càng phổ biến ở cả chợ nông thôn. Hỏi một trăm tiểu thương thì hầu hết đều trả lời có bán nông sản Trung Quốc. Tại sao nông sản Trung Quốc lại “sống khoẻ” ngay giữa một thị trường dồi dào nông sản như ở Việt Nam?

Mỗi đêm, chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, TP.HCM tiếp nhận hàng trăm tấn nông sản Trung Quốc. Nhiều tiểu thương ở đây nhớ lại, hồi chợ này mới đưa vào hoạt động (năm 2003), có khá ít sạp bán nông sản Trung Quốc. Vì vậy, hàng Trung Quốc, từ sạp ở chợ đầu mối đi thẳng xuống chợ lẻ chứ không phải qua tay các tiểu thương nhỏ lẻ như họ bây giờ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi sản xuất nội địa không đáp ứng kịp, nên hầu hết tiểu thương chợ đầu mối đều bán kèm thêm hàng Trung Quốc.
Rau quả tươi Việt Nam được đóng gói, bảo quản kém nên kém sức cạnh tranh. Ảnh: HL
Do lệch mùa, đa dạng chủng loại
Chị Hải, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ ở khu vực chợ A (Tam Bình), cho biết chị đang bán kèm khoai tây, càrốt, hành, tỏi, gừng, bông cải xanh Trung Quốc, tỷ lệ chiếm khoảng 30% trên sạp. Mấy năm trước, chị Hải nói trung bình mỗi đêm lấy khoảng 500kg rau củ sản xuất nội địa là vừa bán, nhưng vài năm trở lại đây tăng lên 600 – 700kg. Số lượng bán càng tăng thì hàng Đà Lạt có mùa không đủ cung cấp.
“Trước đây chỉ có vùng Đà Lạt trồng càrốt, khoai tây, bông cải trắng, cải bắp, nhưng mấy mùa vụ gần đây thường bị hụt do ảnh hưởng thời tiết nên tiểu thương phải lấy thêm rau củ Trung Quốc bán mới đủ”, chị Hải giải thích.
Nhiều tiểu thương cũng cho hay càrốt Đà Lạt chỉ có từ tháng 3 đến tháng 5, còn hàng Trung Quốc thì có quanh năm và thường rộ từ tháng 5 đến tháng 8; khoai tây Đà Lạt cũng chỉ đủ cung cấp sáu tháng, từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau, còn lại là hàng Trung Quốc nhập về thế chân.
“Hành tây nội địa trồng ở Phan Rang hay phía Bắc đưa vào chợ đầu mối, thường có nhiều vào sáu tháng cuối năm, những tháng đầu năm thường ít, củ lại nhỏ trong khi hàng Trung Quốc dồi dào, củ to, giá rẻ”, chị Thảo, chủ sạp rau Hải Thảo chợ trung tâm nông sản thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp đưa ra so sánh.
Chị Thảo cho biết đang bán bảy loại rau củ Trung Quốc gồm: càrốt, khoai tây, hành, tỏi, gừng, bông cải xanh, cải carol. Trung bình mỗi ngày chị bán năm sáu chục ký, chiếm chưa đến 10% sản lượng so với hàng nội nhưng vẫn phải pha trộn vào bán để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.
Mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh
Một ngày đầu tháng 7, tại chợ trung tâm nông sản thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, khu vực sạp bán rau xanh, hàng Trung Quốc khá nhiều và mẫu mã hấp dẫn vượt trội so với hàng nội. Chúng tôi cầm củ càrốt trồng ở Đà Lạt lên, thấy còn rễ, vết đất loang lổ, thân củ ốm, khẳng khiu, đầu to, đuôi khá nhỏ. Nhưng khi cầm củ càrốt Trung Quốc thấy còn mát lạnh, da đỏ thẫm, củ to, đều, nhẵn nhụi, trông bắt mắt. Chị Ngọc, tiểu thương ở đây nói chị lấy hàng ở chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM, mỗi ngày bán hết 5kg càrốt nhập từ Trung Quốc, 15kg của vùng Đà Lạt. Tuy số lượng ít hơn, nhưng chị không thể bỏ hàng Trung Quốc vì vẫn có nhóm người tiêu dùng sử dụng.
Tương tự, cũng là cái súplơ, nhưng của Trung Quốc thì có bao bọc xốp, bên trong còn nhìn thấy hạt sương lóng lánh do được ướp lạnh, còn hàng nội thì bị bỏ lăn lóc, giập nát trên sạp.
“Mình lấy về sao thì bán vậy, có chăm chút cũng không bán giá cao hơn”, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM giải thích.
Về giá, nông sản Trung Quốc cạnh tranh hơn nông sản nội. Anh Tuấn, thương lái ở cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh chuyên “đánh” khoai tây, càrốt, bông cải xanh về ba chợ đầu mối ở TP.HCM khẳng định: “Sở dĩ những loại nông sản này rẻ hơn hàng Đà Lạt là do được sản xuất trên quy mô rất lớn”.
“Tôi nhiều lần sang vùng Sơn Đồng, Vân Nam, tận mắt chứng kiến nông dân ở đây sản xuất khoai tây, càrốt, cải, tỏi… trên diện tích hàng ngàn hecta. Ở Việt Nam không nơi nào có cánh đồng bạt ngàn như vậy”, Tuấn tâm đắc. Theo Tuấn, giá 1kg khoai tây nông dân Trung Quốc bán tại ruộng khoảng 4.000 – 5.000 đồng, thương lái Trung Quốc mua, bán lại cho cánh lái Việt Nam ở cửa khẩu 7.000 – 9.000 đồng và giá bán ở chợ đầu mối TP.HCM là 10.000 – 11.000 đồng, chỉ bằng phân nửa so với hàng Đà Lạt (đang bán lẻ 20.000 – 22.000 đồng/kg).
Nhiều tiểu thương chợ đầu mối và chợ lẻ cũng cho hay, tuy bán số lượng ít nhưng lợi nhuận từ hàng Trung Quốc hơn hẳn so hàng nội. “Phiên chợ em bán 10kg tỏi Trung Quốc, giá 50.000 đồng/kg. Mỗi ký lời 3.000 đồng, tổng cộng lời 30.000 đồng. Còn tỏi lấy ở Phan Rang giá 80.000 đồng/kg, bán 20kg nhưng chỉ lời tổng cộng 20.000 đồng”, chị Thảo, tiểu thương chợ Cao Lãnh nhẩm tính. Nguyên nhân, theo chị là do giá tỏi nội quá cao, ít người tiêu dùng có tiền mua.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình cho biết: nông sản Trung Quốc về chợ này chiếm khoảng 20 – 30% sản lượng hàng ngày, khoảng 130 – 150 tấn rau, củ, 200 tấn trái cây. Hầu hết tiểu thương ở đây có bán kèm nông sản Trung Quốc.
Nguồn SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)