Trong làn sóng đổi mới phương pháp dạy và học ở TP.HCM, nhiều trường đã tích cực làm mới bộ môn tiếng Anh, mạnh dạn xây dựng những chuyên đề, chương trình để môn học gần gũi hơn với học sinh.
Học sinh Trường THCS – THPT Diên Hồng tổ chức sân khấu hóa môn tiếng Anh nhằm giáo dục ý thức phòng chống bạo lực học đường
Là trường đi đầu trong công tác giáo dục STEM ở các môn học, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) đã khéo léo đưa STEM vào bộ môn tiếng Anh thông qua các chuyên đề giảng dạy. Theo thầy Phạm Đăng Khoa (Hiệu trưởng nhà trường), điều quan trọng nhất để học sinh học tốt tiếng Anh, ngoài phương pháp giảng dạy thì môi trường cũng là yếu tố then chốt. Từ quan điểm này, nhiều năm qua trường đã mạnh dạn ứng dụng tiếng Anh giảng dạy trong các phòng bộ môn khoa học; học liệu số để học các bộ môn khoa học bằng tiếng Anh… Học sinh được sử dụng tiếng Anh để học các môn học khác. Ngoài ra, Tuần lễ bộ môn ngoại ngữ được trường tổ chức hàng năm cũng là dịp để học sinh thể hiện và trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình thông qua việc tìm hiểu văn hóa các nước. Đồng thời, để tạo môi trường “thuần tiếng Anh” cho học sinh, trường còn đẩy mạnh giao lưu văn hóa với các nước hay giao lưu với học sinh trường quốc tế. “Góp phần vào chất lượng học tiếng Anh của trường còn chính là sự chủ động của phụ huynh. Theo đó, rất nhiều học sinh của trường đã được phụ huynh tận dụng mùa hè cho con trải nghiệm những trại hè ở các nước nói tiếng Anh”, thầy Khoa cho biết.
Trong khi đó, sân khấu hóa bộ môn tiếng Anh là cách được Trường THCS – THPT Diên Hồng (Q.10) hướng tới trong việc làm mới bộ môn này, đưa kết quả học tiếng Anh của nhà trường thay đổi đáng kể. Không chỉ sân khấu hóa với văn hóa các nước, trường còn xây dựng các vở kịch giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh bằng tiếng Anh. “Sân khấu hóa thông thường chỉ được áp dụng trong bộ môn ngữ văn hoặc lịch sử. Việc nhà trường sân khấu hóa bộ môn tiếng Anh ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, thế nhưng học sinh rất thích thú. Theo đó, các em được chủ động tìm hiểu và thể hiện mình, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và kỹ năng. Nếu như trước đây, tiếng Anh là bộ môn mà học sinh hay “lắc đầu lè lưỡi” thì vài năm nay, tiếng Anh lại là môn thu hút học sinh”, thầy Ngô Lập Thu (Hiệu trưởng nhà trường) phấn khởi cho biết.
“Điểm nhấn được nhà trường chú trọng trong giảng dạy tiếng Anh là “thổi tình yêu” cho học sinh đến với môn học theo cách tự nhiên nhất. Ngoài việc theo làn sóng đổi mới, quan trọng là mỗi giáo viên tiếng Anh trong từng tiết học phải tạo được sự riêng biệt, mới mẻ, yêu thích cho học sinh”, thầy Lê Thanh Tòng (Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm) chia sẻ. |
Tại Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận), trước đây kết quả trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia luôn ở mức dưới 5, thấp hơn nhiều so với kết quả chung của TP thì trong năm học này, con số này đã ở mức 5,23 – gần tương đương với kết quả TP. Chia sẻ về kết quả này, thầy Võ Ngọc Sơn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, bắt đầu từ năm lớp 10, 100% học sinh được tiếp cận chương trình tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, 1 tuần 2 tiết học giao tiếp cùng giáo viên bản ngữ, song song chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. Đến năm lớp 11, học sinh được lựa chọn tiếp tục học tiếng Anh tăng cường hoặc chỉ riêng chương trình của Bộ GD-ĐT. “Với hình thức này, các em được trang bị cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thay vì chỉ đọc và viết như trước kia. Học sinh được tham gia trực tiếp, đóng vai trò chủ động trong từng tiết học. Sự đổi mới này là bước đệm và nền tảng để các em dễ dàng tiếp cận bộ môn hơn khi lên lớp 12”, thầy Sơn chia sẻ. Bên cạnh đó, thầy Sơn cho rằng kết quả trên còn là do sự chuyển biến từ trong suy nghĩ và hành động của đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong trường. Từ khâu kiểm tra, đánh giá đều có sự đồng bộ với giáo viên bản ngữ. “Tiếng Anh luôn được thầy cô lồng ghép vào trong nhiều hoạt động từ sinh hoạt dưới cờ, các lễ hội trường, sân chơi ngoại khóa, câu lạc bộ… tạo sự thoải mái, thích thú, kích thích sự say mê của học sinh với môn học”, thầy Sơn cho biết thêm.
Ở ngoại thành, vài năm gần đây Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn) lại nổi lên thành “tên tuổi” trong công tác dạy và học tiếng Anh của TP. Thủ khoa khối D với điểm 10 môn tiếng Anh tại TP.HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 là học sinh của trường này. Thầy Lê Thanh Tòng (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, điểm nhấn được nhà trường chú trọng trong giảng dạy tiếng Anh là “thổi tình yêu” cho học sinh đến với môn học theo cách tự nhiên nhất. Ngoài việc theo làn sóng đổi mới, quan trọng là mỗi giáo viên tiếng Anh trong từng tiết học phải tạo được sự riêng biệt, mới mẻ, yêu thích cho học sinh. “Có thể là dạy theo trạm, theo nhóm, theo cá thể, hoặc dạy bằng dự án, chuyên đề…, nhưng trên hết học sinh phải được trực tiếp tham gia xây dựng, tìm hiểu, từ đó dần hình thành sự yêu thích bộ môn. Trong bất cứ bộ môn nào cũng thế, nhất là ngoại ngữ, chỉ khi yêu thích học sinh mới chủ động mở rộng và nỗ lực học tập, từ đó sẽ đạt được kết quả cao”, thầy Tòng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)