Như TT&VH đã đưa tin, nhìn chung ở mấy cuộc đấu giá lớn nhất trong năm 2008, tranh của Lê Phổ và tranh Việt nói chung bị rớt giá; và vẫn còn ở mặt bằng giá rất thấp. Vậy liệu đến bao giờ tranh Việt sẽ lên giá, hay ít ra, cũng xứng tầm với tiềm lực mà nền mỹ thuật mang chở nó, câu hỏi rất khó để trả lời. Những lý do được xem là chính yếu cũng còn rất nhiều.
Từ một sự “lưu ý” khó hiểu của nhà đấu giá
Cái cảm giác buồn và tự ái nhất là khi các cuộc đấu giá đang diễn ra, bất ngờ người điều phối cuộc đấu (auctioneer) dừng lại để lưu ý: “Cũng như Trung Quốc, thị trường tranh Việt Nam còn mới, vậy nên giữa người mua và người bán phải tự tìm hiểu lẫn nhau”. Trong khi đó, tại Trung Quốc tranh vẫn tiếp tục tăng giá đến chóng mặt khi các doanh nhân nội địa đứng ra bảo trợ, mua những tác phẩm đẹp nhất, định giá và tái định giá cho các họa sĩ trẻ. Đáng lưu ý là các nước khác như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia… đã không bị một lưu ý chết người này, mà thị trường thì rõ ràng cũng “mới” như chúng ta.
Nếu xét về đồng đại, những cái tên như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh… đâu có “quá mới” nếu so với các bậc thầy trong khu vực như Affandi (1907-1990), Vicente Silva Manansala (1910-1981), Lee Man Fong (1913-1988), Carlos V. Francisco (1913-1969), Hendra Gunawan (1918-1983), Sudjana Kerton (1922-1994), Widayat (1923-2002)… Thậm chí một vài bức của Việt Nam còn đóng vai trò tiên phong về tiến trình nhận thức lịch sử mỹ thuật, nếu so với các họa sĩ sinh cùng thời của Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia….
Băn khoăn trước sự “lưu ý” nói trên, tại hành lang của đấu giá Larasati 2008, tôi gặp riêng người điều phối là Maria Sim để xin danh thiếp và hỏi cô nghĩ gì khi lưu ý về tranh Việt Nam như vậy, cô cho biết: “Vì đã có quá nhiều vụ ồn ào từ (thị trường tranh – PV) trong nước các bạn, nên ban tổ chức phải lưu ý như vậy, dù biết rằng khi lưu ý thì rất ảnh hưởng tới giá bán và cao trào của cuộc đấu”.
Đi một vòng quanh Suntec Singapore Art 2008, tôi và một vài anh chị em trong đoàn Việt Nam hỏi không dưới 20 gallery, nhà đấu giá nổi tiếng, có tranh gần như khắp thế giới, rằng có quan tâm đến tranh Việt không, thì nhìn chung có 2 cách trả lời: Thứ nhất, họa sĩ nổi tiếng ở xứ các bạn vẽ nhiều quá, chúng tôi không mua vì khó tìm đầu ra, khó cạnh tranh về chuyện hàng hiếm; Thứ hai, tranh Việt đang có vấn đề, còn vấn đề ấy là gì thì chắc các bạn biết rồi! Thật lòng mà nói thì vấn đề của tranh Việt là gì, chưa có một câu trả lời xác đáng, bởi nói quá ít cũng được, mà quá nhiều cũng chẳng sai. Nhà phê bình Nguyên Hưng suy nghĩ: “Đã có rất nhiều cách lý giải khác nhau quanh vấn đề này. Chung quy có hai khía cạnh hay được đề cập: Một, các họa sĩ Việt Nam đã không biết giữ giá cho mình; Hai, chúng ta đang thiếu một bộ máy điều hành thương mại chuyên nghiệp biết làm giá cho các nghệ sĩ. Theo tôi, vấn đề không quá đơn giản như vậy. Chúng ta đang thiếu một nền tảng văn hóa – học thuật khả dĩ cho cả việc giữ giá lẫn làm giá này. Tất cả đang rất loạng choạng, mù mờ. Gian lận hay chụp giật trên thị trường tranh chỉ là hệ quả…”.
Đành rằng chuyện thật giả thì ở nước nào cũng có, nhưng quả thật, tranh giả và các tin đồn về chuyện tranh giả đã cản trở rất nhiều cho việc tiếp cận thị trường quốc tế của tranh Việt.
Một thị trường chưa ổn định
Cũng ở Suntec hôm 10 đến 13/10 vừa rồi, gallery Ngàn Phố (Hà Nội) dành một bức vách lớn để treo tác phẩm From the Grey (Từ sự mất gốc, 212 x 299cm, sơn dầu, 2008) của Đặng Xuân Hòa, và bà chủ Mai Anh nói giá của tác phẩm này là 80.000USD, cao nhất so với giá tranh của 3 gallery Việt Nam trưng bày ở đây. Nếu thật sự bán được với giá này, thì quả là tín hiệu đáng mừng, vì đây cũng là giá phổ thông của những nghệ sĩ thành danh cùng thời ở Đông Nam Á, trừ Indonesia; và là giá trong hai ba thập niên trước của Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trị trường tranh Việt có xuất phát thấp về giá cả; lại đang bị rơi vào nạn tranh giả, đã rõ. Nhưng nguy hiểm hơn nữa là giả về nhận thức và hành động, làm cho thật giả lẫn lộn, người quan sát rất bối rối. Những họa sĩ có thông tin và thị trường, lại tỏ ra ngu ngơ để làm giá cho riêng mình, làm người mua cũng mất niềm tin. Một vấn nạn nữa là nếu bán được thì lại vẽ nhiều và quen tay, không dám thay đổi. Có một họa sĩ, tạm giấu tên, đã vẽ cả chục ngàn bức về các cô gái mặc áo dài trắng không nhìn rõ mặt trong suốt mấy chục năm qua, và cứ “cố tâm giữ gu” để duy trì mức giá từ 1 đến 5 ngàn USD, nên cũng làm cho giá tranh không được vực dậy.
Thêm một câu hỏi nữa là nên tập trung vào bán lẻ trong nước, hay thông qua các cuộc đấu giá nước ngoài để nâng giá tranh? Thực tế cho thấy bán lẻ hay bán tranh làm từ thiện chỉ là đánh vào yếu tố nhân cảm, tạo ra một cảm giác ảo về thế giá. Chỉ có những thị trường thương mại thật sự mới tạo ra được giá sàn. Nhưng xét các điều kiện khách quan thì VN chưa có khả năng tổ chức được các phiên đấu giá chuyên nghiệp và thường xuyên. Bởi đơn cử như cuộc đấu giá Borobudur 2008 tại Singapore đã có 482 bức tranh của nhiều nước, nên mới thu hút được khoảng 500 người mua ở khắp nơi đến tham dự.
Văn Bảy (VH&TT)
Bình luận (0)