Tòa soạnThư đi – tin lại

Vì sao trẻ bỏ học?

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ ở xóm nghĩa trang chơi đùa trên các ngôi mộ

Sau khi đọc bài viết Chuyện học ở xóm nghĩa trang, trên Báo Giáo Dục TP.HCM số ra ngày 16-8, tôi tò mò nên đến tổ 13, phường 15, quận 8 – TP.HCM. Đến nơi, tôi mới biết được một số em ở xóm này nghỉ học không phải do chính quyền địa phương thiếu quan tâm mà do các bậc phụ huynh bỏ lơ con mình.
Cha mẹ mê cờ bạc bỏ bê con cái
Lối vào xóm nghĩa trang chật hẹp đến nỗi chỉ một chiếc xe nhỏ đi qua cũng khó khăn. Đứng ở đầu ngõ nhìn vào, hầu hết các ngôi nhà đều dựng lên bởi những tấm tôn, tấm ván ép cũ kỹ. Trời đã nhá nhem tối nhưng nhiều phụ nữ chưa vào nhà chuẩn bị cơm nước cho chồng con mà họ vẫn “bận rộn” với việc đánh bài, miệng phì phèo khói thuốc lá. Một tốp thanh niên thì ngồi nói chuyện rôm rả về các con số đề, mấy đứa trẻ đen nhẻm đang chơi đùa trên những ngôi mộ…
Tôi ghé nhà của anh Nguyễn Th.T, ba cha con đang quây quần bên nồi cơm nguội. Ngôi nhà chưa đầy 20m2 không nhà bếp và cũng chẳng có nhà vệ sinh  được dựng lên bằng những tấm ván ép. Nhà trống trơn đến nỗi chiếc giường cũng không có mà nằm. Anh Tâm cho biết: “Tôi làm nghề bốc vác, còn vợ thì buôn bán nhưng không có đủ tiền cho con ăn học. Đứa được học nhiều nhất lên lớp 6 cũng nghỉ, còn hai đứa nhỏ thì nghỉ sớm hơn và theo cha đi làm thuê làm mướn”. Dò hỏi hàng xóm xung quanh, tôi mới biết vợ anh thỉnh thoảng lại bỏ nhà ra đi biền biệt để mặc anh với cảnh gà trống nuôi con. Số là chị ghi số đề, rồi “ôm” luôn cả số đề, nhiều lần bị vỡ nợ và buộc phải bỏ trốn để thoát khỏi cảnh bị đòi nợ ráo riết.
Cạnh nhà anh T. là một gia đình gồm ba thế hệ sinh sống, đó là nhà của chị Cao Th.Ng. và anh Ngô V.H. Bé Ngô Thị Kim Th. (sinh năm 2002), con gái anh chị năm học trước buộc phải nghỉ học với lý do là không có tiền. Tuy chưa đến 50 tuổi nhưng cả hai anh chị đều ở nhà chờ việc bóc vỏ bao bì của một doanh nghiệp, công việc này chỉ thỉnh thoảng mới có. Thời gian còn lại họ đắm chìm vào việc cờ bạc. Vì vậy mà nhà anh chị cũng trống trơn như nhà anh T., có chăng chỉ thêm một cái ti vi đã cũ kỹ mà mỗi khi muốn xem phải đợi chừng 15-20 phút màn hình mới hiện lên.
Bóng tối sẽ tiếp tục bủa vây
Cách đây khoảng vài năm, xóm nghĩa trang nhận được nhiều nguồn ủng hộ từ các mạnh thường quân và chính quyền địa phương để tạo công ăn việc làm. Nhưng cái đói thì họ đã thoát, còn cái nghèo vẫn cứ bám riết mãi. Bà Hiếu Thị Dân (khu phố 4) sống gần xóm nghĩa trang bức xúc: “Quanh khu vực này nhà nào cũng khổ, bà con khu phố đã giúp đỡ rất nhiều lần, mỗi lần khoảng 10kg gạo/gia đình, đó là chưa kể chính quyền địa phương cùng mạnh thường quân ủng hộ. Vậy mà khi ăn xong họ không chịu làm, ở nhà cờ bạc, chơi đề, bỏ bê con cái. Nhìn thấy cảnh này chúng tôi thật ngao ngán…”. Cũng bức xúc như bà Dân, anh Nguyễn Võ Hoàng Anh (tổ viên Ban điều hành khu phố 4) cho hay: “Tổ 13 có khoảng 25 hộ sinh sống, hầu hết đều không có hộ khẩu. Chính quyền có nhiều biện pháp giúp họ thoát nghèo. Chẳng hạn như năm trước, gia đình chị Cao Thị Nh. được các mạnh thường quân mua cho một chiếc xe đẩy trị giá gần hai triệu đồng để buôn bán nhưng chỉ làm được vài tháng lại nghỉ ở nhà, chị có hai đứa con gái nhưng nay đều nghỉ học. Gia đình anh Ngô Văn H. có cháu Ngô Thị K.Th. bị bệnh thận nên được nhiều người giúp đỡ, số tiền quyên góp hơn 50 triệu để cháu chữa bệnh và đến trường. Nhưng hiện cháu đã nghỉ học còn hai vợ chồng anh thì ở nhà cờ bạc, không chịu đi làm… Chính quyền địa phương nhiều lần đến từng gia đình vận động cho các em đến trường, cho tiền đi học nhưng nhiều em vẫn nghỉ học”.
Khi tôi chuẩn bị ra về thì có một người phụ nữ trạc 35 tuổi níu lại nói chuyện: “Tôi tên là Phan Thị Lai, có con năm nay lên lớp 6 ở Trường THCS Lê Lai mà chưa có tiền mua đồ dùng học tập cho con, chắc là tôi cho nó nghỉ học quá, cô hỏi giùm các mạnh thường quân giúp tôi được không…?”. Nghe chị Lai nói mà tôi thấy buồn và tự hỏi: Họ cũng có sức lao động, tại sao không chịu cố gắng làm việc để nuôi con ăn học mà chỉ lo cờ bạc rồi ngồi chờ vào sự giúp đỡ của người khác…???
Bài, ảnh: Hà Xuyên

Bình luận (0)