Tòa soạnThư đi – tin lại

Vì sao trẻ khó giáo dục?

Tạp Chí Giáo Dục

Lứa tuổi THCS là lứa tuổi hiếu động nếu giáo viên thiếu kỹ năng sẽ đem lại kết quả giáo dục không cao. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Các công trình nghiên cứu về trẻ khó giáo dục ở nhiều nước trên thế giới kết luận có ba nguyên nhân: nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân giáo dục.
Những “lối mòn” nguy hiểm
Nếu trẻ sống trong môi trường có nhiều tệ nạn xã hội, kể cả ngay trong môi trường gia đình trẻ phải tiếp xúc hàng ngày, phải sống và chứng kiến hình ảnh xấu thì trẻ dễ bị tiêm nhiễm, bị ảnh hưởng. Đây là những nguyên nhân khiến trẻ trở nên khó giáo dục mà các nhà nghiên cứu xếp vào nhóm nguyên nhân xã hội.
Nguyên nhân tâm lý xuất phát từ sự không phù hợp giữa trình độ phát triển cũng như nhận thức của trẻ với chuẩn mực được thiết kế trong mục tiêu giáo dục và khuôn phép gia đình cũng tạo ra các tiền đề làm xuất hiện hiện tượng trẻ khó giáo dục. Các khảo sát trong và ngoài nước cho thấy 80% trẻ loại này là trẻ em chậm tiến, thua kém các bạn cùng trang lứa về trí tuệ và kỹ năng học tập. Ngược lại, kinh nghiệm về cuộc sống đời thường lại phát triển sớm hơn, ở đâu chúng cũng muốn thể hiện sự trưởng thành của mình. Do đó đã nảy ra những nhu cầu không bình thường, thích lựa chọn lối sống khác người ngoài khuôn khổ của gia đình và nhà trường. Khi chúng ta không chấp nhận lối sống ấy của trẻ, trẻ sẽ phản đối một cách vô thức. Tất nhiên hậu quả mà trẻ phải gánh chịu đó là bị đuổi học vì nhà trường sợ “mất trong sạch trong tập thể”.
Nguyên nhân giáo dục xuất phát từ thực tế giáo viên thiếu kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm, thiên về trừng phạt nặng, có thái độ cứng rắn đến mức thờ ơ, lạnh nhạt làm mất lòng tin nơi trẻ. Sự non kém về sư phạm cũng gián tiếp tạo ra hiện tượng khó giáo dục. Không ít giáo viên “thích” ra lệnh, cấm đoán trẻ nhiều thứ nhưng không biết rằng càng cấm đoán càng làm kích thích trí tò mò ở trẻ và trẻ lại vi phạm. Trẻ ra sức phản kháng thì những thầy cô giáo thiếu kinh nghiệm lại càng khẳng định uy quyền của mình thay vì phải đối thoại, lắng nghe. Thậm chí, giáo viên còn sử dụng hình thức kỷ luật nặng và bạo lực để ép trẻ vào khuôn phép. Các sai lầm trong giáo dục cho trẻ nói ở trên dễ hình thành ở trẻ những thói quen xấu như nói dối, có ác cảm với thầy cô giáo, bố mẹ…
Hiểu tâm lý lứa tuổi này là điều rất quan trọng để có phương pháp giáo dục tốt nhất. Ảnh hưởng giáo dục từ nhà trường và gia đình càng yếu đi thì ảnh hưởng tiêu cực ở môi trường xã hội sẽ nhanh chóng thâm nhập vào đầu óc trẻ và tăng dần ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển của chúng.
Khi giáo dục không đúng cách
Cần phải đẩy mạnh kết hợp giáo dục, phát động phong trào chống tệ nạn xã hội nhằm lành mạnh hóa môi trường giáo dục, tạo điều kiện để trẻ tiếp thu các chuẩn mực xã hội mà không bị rối nhiễu. Việc phòng ngừa các vi phạm pháp luật, chống tội phạm, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nề nếp, chất lượng giáo dục gia đình, nâng cao dân trí đều trực tiếp gắn liền với việc giáo dục theo phương hướng xã hội hóa, đa dạng hóa giáo dục.
Đuổi học học sinh là cách làm đơn giản nhưng nếu vấn đề không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục ở trường. Thời gian qua có nhiều trường hợp học sinh bị đuổi hoặc tự ý bỏ học đã quay lại trả thù giáo viên, gây rối tập thể… Tình trạng trên một phần là do tâm lý học sinh nhưng chủ yếu do việc giáo dục không đúng gây ra. Nhất là khi giáo viên đơn giản hóa vấn đề hoặc vụng về khi áp dụng phương pháp giáo dục. Việc nghiên cứu, phát hiện đúng nguyên nhân khó giáo dục ở trẻ vô cùng quan trọng đối với tất cả giáo viên và các bậc cha mẹ. Các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư cần phối hợp đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, lối sống của trẻ.
Nhà giáo Nguyễn Bá Tổng (quận 7)
Kỷ luật trẻ quá nghiêm khắc vì do định kiến, thành kiến của người lớn khiến tình cảm, lòng tin của trẻ sẽ bị xóa mờ. Tệ hại hơn, nếu như ta cứ đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của trẻ sẽ dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị kích động và có hành vi xấu trong phản ứng.
 

Bình luận (0)