Phụ huynh phải tập cho học sinh ăn rau – quả ngay từ nhỏ, lớn lên các em sẽ không sợ ăn rau |
Hình ảnh những học sinh lớp 1 ngồi nhặt từng cọng hành, lá rau ra khỏi tô cơm đã không còn xa lạ đối với các bảo mẫu. Thậm chí, có học sinh còn không biết ăn trái cây. Có em lấy hết hạt thanh long rồi mới ăn, hoặc không bao giờ ăn chuối, ăn nhãn… Hậu quả của việc từ chối ăn rau, trái cây là cơ thể thiếu chất xơ, thiếu vitamin.
Khổ vì không ăn rau
Mặc dù đã vào học được hơn một tháng nhưng ngày nào cũng như ngày nấy, trước khi ngồi vào bàn ăn là bé Thu Hằng (học sinh lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.3) lại nói nhỏ với cô bảo mẫu: “Cô à, con không ăn rau đâu. Cô đừng lấy rau cho con”. Theo quy định ở các trường tiểu học, trong một bữa ăn, học sinh phải ăn ít nhất là 2 chén cơm. Chén thứ nhất ăn với thức ăn mặn, chén thứ hai ăn với canh. Do vậy, lời đề nghị của bé Thu Hằng hầu như không bao giờ được cô bảo mẫu chấp nhận. Thế là, trong khi các bạn ăn chén cơm thứ hai một cách ngon lành thì Thu Hằng phải lấy muỗng múc từng lá rau, cọng hành bỏ ra ngoài.
Tìm hiểu kỹ, cô bảo mẫu biết được khi Thu Hằng bắt đầu ăn dặm, mẹ em sợ con bị hóc nên chỉ cho bé ăn nước hầm từ xương hoặc cho tất cả mọi thứ (thịt, rau) vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Do vậy chén bột của bé đơn điệu mùi vị và bé cũng không được làm quen với động tác nhai.
Cũng như Thu Hằng, Hữu Tuấn (học sinh tiểu học ở Q.1) rất ghét ăn rau. Qua trao đổi với phụ huynh, cô bảo mẫu được biết hồi còn bé, mẹ thường cố ép Hữu Tuấn ăn đủ thịt cá. Còn đối với rau quả, bà mẹ nghĩ rằng để con được vài tuổi rồi tập ăn cũng không muộn. Thế nhưng khi Tuấn lên 3 tuổi vẫn không biết ăn rau, trái cây thì phải xay. Năm Hữu Tuấn lên 5 tuổi, em vẫn không chịu ăn rau. Thế là cứ mỗi bữa ăn, mẹ em lại để một bên là chén cơm với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, một bên là roi mây. Và bắt em phải lựa chọn “hoặc roi mây, hoặc là rau” ? Điều đó càng làm cho em sợ ăn rau hơn…
Tập cho trẻ ăn rau bằng cách nào?
Đăng Khoa học lớp 4 nhưng cũng không biết ăn rau. Hậu quả là em có một chiều cao và cân nặng khá khiêm tốn so với các bạn cùng trang lứa. Nhiều năm liên tục, mẹ của Khoa phải nghĩ ra đủ chiêu mà vẫn không thuyết phục được em ăn rau. Nhưng, chỉ một câu chuyện của cô giáo trong buổi học môn khoa học đã khiến Khoa thay đổi suy nghĩ và quyết định phải ăn rau. Cô giáo nói: “Mỗi cơ thể của các con là một tòa lâu đài, để bảo vệ tòa lâu đài không bị sụp đổ, các con cần có quân lính. Các con ăn cơm, bánh mì để có đủ quân lính bảo vệ tòa lâu đài, ăn thịt cá, uống sữa để các chú lính thông minh hơn, ăn thêm dầu ăn để tăng cường sức khỏe, ăn rau, trái cây để các chú lính đủ dũng cảm chống lại những con vi trùng hung dữ”.
Còn cô bảo mẫu Thúy lại có một kinh nghiệm khác để thuyết phục học sinh ăn rau. Cô cho biết: “Tôi thường nói với những học sinh không ăn rau rằng, nếu con không ăn rau thì sẽ nổi mụn ở mặt. Các bé sợ xấu nên đã chịu ăn rau, lúc đầu chỉ ăn một vài cọng, sau đó tăng dần dần…”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I cũng cho biết: “Cha mẹ nên tập cho trẻ ăn rau – trái cây ngay từ khi bé mới bắt đầu ăn dặm. Cụ thể, bằm nhuyễn thức ăn bằng dao thớt để bé ăn cả bã thức ăn. Trong bữa ăn phải có đủ 4 nhóm thức ăn, thay đổi món mỗi ngày. Với trái cây, nạo bằng muỗng cho bé ăn, hạn chế xay sinh tố. Tập cho trẻ ăn các loại rau mềm như mồng tơi, sau đó đến các loại rau dai như hẹ, rau muống… Khuyến khích bé ăn rau bằng những câu chuyện kể hấp dẫn như ăn cà rốt sẽ sáng mắt và nhanh nhẹn như thỏ, ăn rau ngót da sẽ đẹp như hoa hậu”…
Bài & ảnh: Thùy Anh
Bình luận (0)