Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Vì sao trợ giảng lại quan trọng trong các trường đại học Mỹ?

Tạp Chí Giáo Dục

Ðại học Mỹ có chương trình học đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu đa dạng, linh hoạt thay đổi truyền thống đào tạo để đạt hiệu quả cao. Một trong những điểm thay đổi nổi bật là đại học Mỹ có trợ giảng và trợ nghiên cứu.

Ðại học lớn của Mỹ trong top 200 thường có 3 loại học bổng dành cho chương trình tiến sĩ: Fellowship (học bổng danh giá), Teaching Assistantship (trợ giảng), Research Assistantship (trợ nghiên cứu).

Giúp giáo sư trong việc giảng dạy ở lớp

Nghiên cứu sinh (sinh viên học tiến sĩ) có học bổng trợ giảng nghĩa là trong quá trình làm tiến sĩ, nghiên cứu sinh có thêm nhiệm vụ là trợ giúp giáo sư trong việc giảng dạy ở lớp. Thông thường trợ giảng làm việc tuần 10-20 tiếng bao gồm thời gian đứng lớp, thời gian gặp sinh viên trả lời câu hỏi, và thời gian đứng lớp thí nghiệm.

Vì sao trợ giảng lại quan trọng trong các trường đại học Mỹ? - ảnh 1

Các nhân viên học thuật của ĐH California cơ sở tổ chức đình công và tiến hành cuộc tuần hành tại TP.San Diego, bang California ngày 14.11. REUTERS

Trợ giảng được học qua lớp huấn luyện về kỹ năng sư phạm vì thế việc dạy của họ khá tự nhiên và có chất lượng.

Nghiên cứu sinh là những sinh viên xuất sắc trong hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp cử nhân nên kiến thức họ sâu và bén. Họ là những người trẻ và luôn niềm nở với sinh viên. Nhiều sinh viên nhận xét trợ giảng dạy tốt hơn giáo sư, họ chăm chỉ với công việc, cho điểm rộng rãi hơn. Khi tôi còn học tại University of Connecticut ngành cơ khí, tôi được học với vài trợ giảng, học với họ tôi không bị áp lực và luôn có điểm tốt!

Giáo sư thường có nhiều trách nhiệm với khoa trong việc nghiên cứu và tìm nguồn tiền cho nghiên cứu, dạy các lớp chương trình thạc sĩ và tiến sĩ, vì thế lượng thời gian của các vị giáo sư dành cho chương trình cử nhân rất ít. Ðể lấp vào khoảng trống này cần có trợ giảng.

Duy trì chất lượng dạy học và nghiên cứu của đại học Mỹ

Trong thời gian làm nghiên cứu, trợ giảng có dịp đứng lớp và gặp sinh viên trả lời câu hỏi. Những dịp này giúp cho họ ôn lại kiến thức, những câu hỏi hay sẽ giúp cho họ có những khám phá mới và nhìn vấn đề một cách mới. Thông thường chúng ta nghĩ một chiều là sinh viên học hỏi từ giảng viên đại học, trên thực tế giảng viên đại học cũng học hỏi nhiều từ sinh viên qua những câu hỏi và thảo luận.

Với những công việc soạn bài, đứng lớp, trả lời câu hỏi, làm thí nghiệm, trong công việc phụ giúp giáo sư, trợ giảng sẽ có thêm kỹ năng tổ chức việc dạy học, soạn giáo trình, hiểu tâm lý sinh viên vững vàng. Ðiều này là những kinh nghiệm quý giá để mai này họ trở thành giáo sư.

Vì sao trợ giảng lại quan trọng trong các trường đại học Mỹ? - ảnh 2

Đại học Yale là một trong những trường danh tiếng hàng đầu ở Mỹ. REUTERS

Về khía cạnh ngân sách, việc có thêm trợ giảng không làm gánh nặng cho khoa vì trong học bổng tiến sĩ đã bao gồm công việc trợ giảng, tuần làm 10-20 tiếng cũng không chiếm nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Trợ giảng sẽ giảm gánh nặng cho giáo sư, giữ vai trò quan trọng duy trì chất lượng dạy học và nghiên cứu của đại học Mỹ.

Khả năng nào cho trợ giảng tại đại học Việt Nam?

Hiện nay các đại học Việt Nam có số lượng sinh viên rất lớn trong khi số lượng thạc sĩ, tiến sĩ hay giáo sư ở vị trí giảng dạy (giảng viên đại học) không đáp ứng đủ. Tỷ lệ giữa số sinh viên/giảng viên tại mỗi lớp học của đại học Việt Nam với mức trung bình 1/30 cho đến 1/40 (1 giảng viên/40 sinh viên) so với đại học Mỹ là 1/20 hoặc thấp hơn. Với tỷ lệ cao này thì đại học Việt Nam khó đảm bảo chất lượng tốt trong đào tạo.

Một số đại học Việt Nam có cơ chế mời trợ giảng, và việc dùng trợ giảng tùy thuộc vào yêu cầu của các giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, trợ giảng trong đại học Việt Nam vẫn chưa thông dụng vì cơ chế và ngân sách.

Ða phần giảng viên đại học Việt Nam tập trung vào việc giảng dạy và quản lý, còn việc nghiên cứu chưa đặt đúng tầm do thiếu ngân sách và cơ sở thiết bị.

Vì sao trợ giảng lại quan trọng trong các trường đại học Mỹ? - ảnh 3

Trợ giảng trong đại học Việt Nam vẫn chưa thông dụng (ảnh minh họa). ĐÀO NGỌC THẠCH

Những đại học lớn Việt Nam có nhiều cơ hội tuyển dụng trợ giảng từ nguồn nghiên cứu sinh. Trợ giảng trong môi trường đại học Mỹ đảm bảo chất lượng vì tính minh bạch trong giáo dục và kiểm định chặt chẽ. Trong khi đó việc đào tạo chương trình sau đại học tại Việt Nam vẫn có đâu đó tiêu cực về chất lượng. Một nghiên cứu sinh không có chất lượng thì việc trợ giảng sẽ không có giá trị.

Trợ giảng là một hướng đi mới cho đại học Việt Nam nhằm tăng chất lượng đào tạo. Cơ hội này sẽ kéo theo một sự đổi mới về cơ chế và tư duy trong chương trình sau đại học.

Khoảng 48.000 nhân viên học thuật, bao gồm các nhà nghiên cứu và trợ giảng, tại 10 cơ sở của ĐH công lập California (bang California) đình công từ ngày 14.11, yêu cầu tăng lương và phúc lợi, theo tờ The New York Times ngày 11.12.

Đây được xem là cuộc đình công lớn nhất lịch sử ngành giáo dục ĐH ở Mỹ. Cuộc đình công khiến nhiều lớp học bị hủy và sinh viên lo ngại về kết quả học tập của học kỳ này. Những người đình công cho rằng họ không còn lựa chọn khác và yêu cầu nhà trường phải tăng lương để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở bang California.

Theo Trần Thắng – Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (Mỹ)/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)