Nhiều trường ĐH và các tỉnh đang không tìm được tiếng nói chung trong việc đào tạo theo địa chỉ. Tỉnh cử người đi học nhưng trường không đồng ý đào tạo. Vì sao có hiện tượng này?
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai (tỉnh đã dừng chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ) thăm sinh viên diện đào tạo này vào tháng 10.2019. LÊ LÂM
Trường bị động do thí sinh trúng tuyển ngành này nhưng học ngành khác
Ngày 25.3, tại hội nghị tuyển sinh các trường ĐH, CĐ sư phạm, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, có ý kiến thời gian vừa qua, khi trường tuyển sinh xong mới nhận được danh sách cử đi học của các tỉnh, khiến cho các trường bị động. Ông Khôi đề nghị nên có cơ chế xác định các thí sinh ngay từ đầu vì thực tế có thí sinh trúng tuyển trường này, ngành này, nhưng về sau lại có văn bản của tỉnh là chuyển trường khác, ngành khác.
Đáp lời về vấn đề này, ông Hà Văn Thanh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết Lâm Đồng là tỉnh có nhu cầu đào tạo theo địa chỉ ngành sức khỏe. Các năm gần đây, hằng năm tỉnh đều có chỉ tiêu để gửi các trường ĐH đào tạo nhân lực cho tỉnh. Trước đây, chỉ tiêu này do Bộ GD-ĐT phê duyệt nhưng hiện tại do tỉnh và các trường ĐH tự phối hợp. Gần đây, Lâm Đồng có văn bản gửi Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y Dược Huế, ngành y khoa – Trường ĐH Tây Nguyên nhưng chỉ có ĐH Y Dược Huế và ĐH Tây Nguyên nhận đào tạo số sinh viên này.
“Bộ GD-ĐT nên có ý kiến với các trường để tiếp nhận đào tạo sinh viên theo địa chỉ. Riêng đào tạo cử tuyển thì từ năm 2004, tỉnh Lâm Đồng đã không triển khai nữa. Lý do là rất nhiều em đi học nhưng lại chuyển ngành học khác mà không báo lại với tỉnh, trong khi ngành học các em chuyển qua học thì tỉnh lại không có nhu cầu nhân lực, dẫn đến lãng phí”, ông Thanh cho biết.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết hiện tại vẫn có tình trạng này xảy ra trong việc đào tạo theo địa chỉ của các trường ĐH. Nhiều thí sinh đã trúng tuyển vào một trường ĐH nhưng sau đó tỉnh thông báo có nhu cầu nhân lực ở ngành học khác. Lúc này, thí sinh lại xin chuyển về học một trường ĐH trong tỉnh nhà có ngành học này.
Học nhưng không nhận nhiệm sở
Ngày 10.7.2019, tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX (2016 – 2021), HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ chương trình đào tạo bác sĩ theo địa chỉ.
Trước đó, vào tháng 7.2014, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ra Nghị quyết về việc đào tạo sinh viên đại học y, dược chính quy theo địa chỉ sử dụng. Qua 6 năm triển khai, tổng cộng đã có 353 người được đưa đi đào tạo, và đã có 181 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế tốt nghiệp, sau đó được phân công về những đơn vị, địa phương còn thiếu hụt. Nhưng trong số này có 56 trường hợp vi phạm cam kết (chiếm tỷ lệ 31%), không chấp hành phân công công tác, sẵn sàng đền bù kinh phí đào tạo để nghỉ việc, thậm chí có trường hợp không đền bù. Ngoài ra còn có 17 trường hợp bị buộc thôi học, xin thôi học.
Tháng 6.2019, tỉnh Long An cũng quyết định dừng đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng. Sở Y tế tỉnh Long An thực hiện thanh lý hợp đồng đối với 317 trường hợp sinh viên được hỗ trợ trong đề án Đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh. Đây là các sinh viên được chọn đào tạo cử nhân hệ chính quy chủ yếu đã thi vào đại học ngành y, dược… nhưng thiếu 0,5 – 1 điểm, được chọn để gửi đào tạo tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Trước đó, tháng 11.2018, UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định chấm dứt chi trả học phí và chế độ hỗ trợ đào tạo đối với sinh viên ĐH đào tạo theo địa chỉ sử dụng, chỉ tiếp tục hỗ trợ với các trường hợp cử đi đào tạo sau đại học. Theo đó, với những sinh viên còn đang theo học, chưa tốt nghiệp tại mốc thời gian 26.12.2017 thì tiến hành thanh lý hợp đồng trách nhiệm trước thời hạn (giữa sinh viên và Sở Y tế hoặc Sở Nội vụ), và không thu hồi kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ. Sở Y tế, Sở Nội vụ có văn bản hủy bỏ các cam kết về tỉnh công tác sau khi tốt nghiệp đối với sinh viên chưa tốt nghiệp này.
Nguyên nhân của việc dừng đề án này được UBND tỉnh Long An cho biết là không còn hiệu quả. Rất nhiều trường hợp sinh viên được hỗ trợ theo chương trình đã tốt nghiệp, quay về theo hợp đồng ràng buộc nhưng vẫn không có tư tưởng phục vụ trong ngành y tế tỉnh nhà và chấp nhận đền bù kinh phí đã được tỉnh hỗ trợ để ra đi những nơi khác. Tỉnh xét thấy việc tiếp tục bỏ ra kinh phí hỗ trợ như vậy không đạt được mục đích ban đầu là bổ sung nguồn nhân lực y tế.
Nên đào tạo theo “đơn đặt hàng” trực tiếp
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, không chỉ các ngành khối sức khỏe mà ở nhiều ngành học khác cũng diễn ra sự không hiệu quả trong việc đào tạo theo địa chỉ. “Có 2 lý do khiến đào tạo theo địa chỉ không hiệu quả. Một là nhiều sinh viên học không theo nổi chương trình. Hai là rất nhiều sinh viên học được thì chọn ở lại TP.HCM chứ không về quê làm việc vì lương thấp và ít có cơ hội phát triển”, ông Dũng nhận định.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, để có hiệu quả trong việc đào tạo theo nhu cầu của tỉnh thì nên chuyển thành đào tạo theo “đơn đặt hàng” trực tiếp của tỉnh. Hai bên có sự gặp gỡ, thỏa thuận, ký kết thì sẽ chủ động hơn theo công văn tỉnh đưa đến trường. Theo tiến sĩ Lý, trước đây Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có thỏa thuận đào tạo nhân lực cho tỉnh Ninh Thuận theo một số ngành học. Sau đó, trường còn tiến tới cả việc mở phân hiệu ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Ninh Thuận.
|
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)