Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì sao truyện tranh vẫn bị coi là dành cho trẻ con?

Tạp Chí Giáo Dục

Festival truyện tranh lần thứ 3 (diễn ra từ 1-8/6/2012) tại Hà Nội, một sự kiện văn hóa đặc biệt thu hút đông đảo giới sáng tác và độc giả yêu mến truyện tranh. Cùng với những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng của Bỉ, các họa sĩ Việt Nam đã góp mặt bằng triển lãm riêng với chủ đề “Từ ý tưởng đến tác phẩm truyện tranh”. Dù đang ở bước đầu của sự chuyên nghiệp hóa việc sáng tác truyện tranh, nhưng những tác phẩm đó cũng là để người đọc có những cái nhìn đúng đắn về truyện tranh.

Truyện tranh – nghệ thuật thứ 9

Tại Wallonie – Bruxelles (Bỉ), nơi được mệnh danh là xứ sở của truyện tranh, từ gần một thế kỷ nay, người ta vẫn thường gọi truyện tranh là nền nghệ thuật thứ 9. Cho đến nay, hơn một nửa lượng sách được xuất bản hay sản xuất tại Bỉ đều là những album truyện tranh. Các chủ đề được đề cập tới trong truyện tranh của Wallonie và Bruxelles phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, hiện thực xã hội cũng như những hình dung mong đợi về xã hội đó. Các chuyên gia đến từ Bỉ cho biết, ở Bỉ, người lớn thường xuyên đọc truyện tranh. Truyện tranh được đăng thành nhiều kỳ trên các ấn phẩm, báo chí chính thống để người đọc theo dõi. Và khi người lớn tham gia vào thế giới truyện tranh, họ sẽ khuyến khích con họ cùng đọc, và điều đó đã giúp cho truyện tranh – nền nghệ thuật thứ 9 phát triển rất mạnh mẽ ở quốc gia này. Điều này đã được minh chứng khi các họa sỹ đến từ Bỉ đã đặt tên cho triển lãm của mình tại Festival truyện tranh lần thứ 3 là “Du hành trong nền nghệ thuật thứ 9: Truyện tranh Wallonie – Bruxelles”.

Một góc triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Còn ở Nhật Bản, truyện tranh được xem là một nền “công nghiệp”, đã mang về cho “xứ sở mặt trời” nhiều tỷ đô la. Không chỉ đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, truyện tranh còn là một kênh quảng bá văn hóa dân tộc rất hữu hiệu, không kém gì phim ảnh hay các loại hình nghệ thuật khác.
Nhưng ở Việt Nam, lâu nay nhiều người vẫn cho rằng truyện tranh chỉ là loại hình giải trí rẻ tiền chỉ dành cho thiếu nhi. Quan niệm này khiến truyện tranh Việt Nam dù đã xuất hiện khá lâu nhưng hầu như không có cơ hội phát triển.
Theo họa sỹ Huy Tuấn, người đã có nhiều tác phẩm truyện tranh, truyện tranh có khả năng giáo dục rất tốt đối với người đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi, bởi truyện tranh giúp các em có những kiến thức về lịch sử, về giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, lối sống… Tuy nhiên, truyện tranh ở Việt Nam hiện nay chưa phát triển, trong khi có rất nhiều đề tài hay có thể làm truyện tranh như truyện cổ tích, truyện lịch sử… là điều rất đáng buồn.
Ông Phạm Quang Vinh – Giám đốc NXB Kim Đồng cho rằng, đằng sau những bức tranh là những câu chuyện thâm thúy, giáo dục rất tốt nhân cách cho trẻ… Thế giới truyện tranh là thế giới mà ở đó có sự sáng tạo, có những bài học kinh nghiệm được truyền đạt một cách vô cùng khéo léo, tế nhị, giúp trẻ em dễ nhớ, dễ tiếp thu. Lấy ví dụ từ bộ tranh truyện Đôrêmon – một bộ tranh truyện nổi tiếng của Nhật Bản và cũng rất quen thuộc với độc giả Việt Nam, trong những tập truyện Đôrêmon này, những câu chuyện về tình cảm gia đình, về tình bạn, về bảo vệ môi trường được thể hiện hết sức sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ.
Bạn Minh Hằng, học sinh lớp 7, một “tín đồ” của truyện tranh chia sẻ: "Em rất thích đọc truyện tranh, bởi ngoài những câu chuyện, những hình ảnh minh họa trong truyện tranh rất đẹp, cùng với lời thoại ngắn gọn, dễ hiểu nên em nhớ câu chuyện trong đó dễ hơn”. Rồi Hằng ngại ngùng tâm sự: “Hồi trước em rất bướng, nhiều khi không chịu nghe lời bố mẹ. Nhưng sau này, khi đọc nhiều truyện tranh như Đôrêmon, Thần đồng đất Việt, Bồ câu không đưa thư, Trước vòng chung kết… em rất thích và tự thấy mình chưa được ngoan như các nhân vật trong truyện, nên dần dần em đã thay đổi, biết nghe lời và không cãi lại bố mẹ nữa”.

Truyện tranh Việt Nam vẫn còn non trẻ
Mặc dù truyện tranh đang ngày càng hấp dẫn nhiều bạn đọc, nhưng ở Việt Nam hiện nay, truyện tranh vẫn chưa có được vị trí xứng đáng. Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ sáng tác rất ít ỏi, lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nên nhiều truyện tranh sáng tác chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khá quan trọng nữa là rất nhiều người trong xã hội, đặc biệt là nhiều phụ huynh vẫn cách nhìn chưa đúng đắn về truyện tranh, rồi chính sách ưu đãi của Nhà nước với các họa sỹ vẽ truyện tranh chưa cao… nên truyện tranh ở Việt Nam phát triển chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng, lâu nay người đọc vẫn thường cho rằng truyện tranh chỉ là để dành cho thiếu nhi. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế con đọc truyện tranh, vì lo ngại thể loại này có thể ảnh hưởng không tốt về văn phong của trẻ. Nhưng thực tế, truyện tranh có tác dụng rất tốt đối với các em nhỏ, đặc biệt là đối với văn hóa và trí tưởng tượng, bởi truyện tranh kích thích tính sáng tạo, có tác dụng gợi mở trí tưởng tượng cho trẻ em nhiều hơn những loại hình khác. Đó là cách rất tốt để phát triển tư duy của cả trẻ em và người lớn.
Ông Phạm Quang Vinh cũng thừa nhận, nền truyện tranh Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bước đi những bước chập chững. Chính vì vậy, với việc tổ chức Festival truyện tranh, bên cạnh việc kích thích việc sáng tác của các họa sĩ, tạo cơ hội để các họa sỹ học hỏi, cọ xát những kinh nghiệm từ các chuyên gia truyện tranh nổi tiếng đến từ châu Âu, NXB Kim Đồng và những chuyên gia truyện tranh của Bỉ còn mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn đúng đắn về truyện tranh, để độc giả thay đổi quan niệm về thể loại truyện này.

Phương Lan

Báo tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)