Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vì sao xăng trong nước giảm ít hơn thế giới?

Tạp Chí Giáo Dục

Vì sao giá xăng dầu thế giới giảm tới 30% mà giá xăng trong nước chỉ giảm 10%?
Xăng dầu giảm giá mạnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lẫn người dân trong chi tiêu hằng ngày /// Ảnh: Khả Hòa
Xăng dầu giảm giá mạnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp lẫn người dân trong chi tiêu hằng ngày. Ảnh: Khả Hòa
Giảm chi phí đầu vào
Thay vì để đến ngày 16.3 mới điều chỉnh giá xăng dầu như quy định, ngay chiều 15.3 liên bộ Công thương – Tài chính đã có quyết định giảm giá đồng loạt hầu hết các mặt hàng xăng dầu với mức 2.290 đồng – 2.315 đồng/lít xăng và 1.353 đồng – 1.830 đồng/lít dầu tùy loại.
Lần điều chỉnh này nhận được sự trông đợi của người dân, doanh nghiệp (DN) đang khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bởi giá xăng dầu đi xuống sẽ góp phần giúp giảm chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát, cho hay từ đầu năm đến nay tình hình kinh doanh của các DN vận tải hàng hóa tại TP.HCM sụt giảm tới mức thê thảm.
Lượng khách hàng, hàng hóa giảm tới hơn 50%, hàng loạt xe nằm bãi, tài xế cũng bỏ về quê vì không có việc làm. Số lượng ít ỏi xe còn lại chỉ chạy các tuyến loanh quanh TP.HCM và phục vụ buôn bán kinh doanh nội đô.
TP.HCM mới yêu cầu đóng cửa các dịch vụ vui chơi giải trí, không có tiêu dùng thì vận chuyển càng thêm khốn khổ. Trong khi đó, các chi phí cố định như tiền bến bãi, phí bảo trì đường bộ, lãi suất ngân hàng… DN vẫn phải gánh nên tình hình cực kỳ khó khăn.
“Nếu đến hết quý 2 dịch bệnh chưa hết, thị trường không có dấu hiệu cải thiện thì TP.HCM có thể sẽ mất khoảng 60 – 70% số lượng DN vận tải vừa và nhỏ, DN lớn cũng bê bết không biết có gượng nổi không”, ông Thanh thở dài. Trong tình hình khó khăn như vậy, theo ông Thanh, việc giá xăng giảm cũng một phần nào giúp các DN đỡ “khó thở”.
Cụ thể, ông Thanh cho rằng giá nhiên liệu xăng dầu chiếm khoảng 30% chi phí vận chuyển. Giá xăng giảm 10% thì DN sẽ giảm được khoảng 3 – 4% giá cước. Đơn cử, một chuyến xe hàng chạy từ cảng Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) về tới Bến xe An Sương (Q.12, TP.HCM) chi phí khoảng 2 – 2,1 triệu đồng/chuyến, nếu giảm 10% giá dầu thì sẽ giảm khoảng 60.000 đồng/chuyến.
Chi phí vận chuyển giảm đồng nghĩa giá hàng hóa cũng sẽ giảm, tạo điều kiện kích cầu thị trường cho hoạt động của hàng loạt DN khác.
Trong khi đó, là một DN chuyên sản xuất thực phẩm đông lạnh, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, nhận định việc giá xăng dầu đi xuống sẽ góp phần giúp chi phí của nhiều DN được cắt giảm. Công ty Saigon Food hiện có khoảng 20 xe hoạt động giao hàng trong nội thành TP.HCM. Riêng hoạt động giao nhận hàng hóa đi các tỉnh thành khác sẽ qua các DN vận chuyển. Vì vậy, theo bà Thanh Lâm, dù không trông chờ các DN vận tải sẽ giảm mạnh chi phí giao hàng nhưng cũng có thể sẽ điều chỉnh xuống tí nữa.
“Chi phí sử dụng xăng dầu trực tiếp của công ty không nhiều hoặc mình không kỳ vọng phí logistic giảm mạnh sau đợt giảm giá xăng dầu này nhưng mỗi thứ giảm một tí là đáng mừng. Điều đó sẽ góp phần khiến hoạt động DN dễ thở hơn, có thể bù đắp qua những khoản thiếu hụt hay tăng chi phí khác như phòng chống bệnh dịch, nguồn cung đôi lúc sụt giảm”, bà Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ.
Tác động tích cực cho kinh tế
Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm của xăng dầu trong nước là chưa tương xứng với mức giảm của thế giới. Tuần qua, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh nhất trong gần 20 năm trở lại đây, dầu WTI đã giảm 23% và dầu Brent giảm 25%.
Theo tính toán của liên bộ Công thương – Tài chính, bình quân mức giảm giá xăng RON92 và RON95 trong 2 tuần qua hơn 27% và giảm 24% đối với dầu hỏa… Tuy nhiên, mức giảm đối với giá xăng trong kỳ này tương đương hơn 12%, đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá 200 đồng/lít xăng và trích 800 đồng/lít dầu hỏa và dầu diesel.
Vì sao giá trong nước giảm thấp hơn thế giới? Lý giải điều này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: Thứ nhất, giá xăng dầu phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia. Việt Nam và các nước khác có chính sách thuế, phí khác nhau thì giá xăng dầu cũng sẽ khác nhau, không thể đòi hỏi giá xăng dầu Việt Nam giảm tương xứng với giá các nước. Bên cạnh đó, giá xăng dầu của chúng ta tính theo chu kỳ bình quân 15 ngày, không thể so sánh với thời điểm giảm thấp nhất của thế giới.
Đặt vấn đề vì sao trong hoàn cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ không ngưng trích quỹ bình ổn, cho giá xăng dầu giảm thấp nhất có thể để hỗ trợ DN, kích cầu thị trường, ông Long cho rằng không nên. “Về nguyên tắc, khi giá dầu thế giới giảm là Việt Nam phải trích tối đa 300 đồng/lít vào quỹ bình ổn để dự phòng khi giá thế giới tăng cao sẽ không tạo nhiều biến động cho thị trường. Nếu chúng ta ngưng trích quỹ, thả cho giá xăng dầu xuống quá thấp thời điểm này thì khi giá thế giới tăng lên cao, thị trường sẽ ngay lập tức có vấn đề. Giai đoạn khó khăn, chúng ta chỉ trích lại 200 đồng/lít như vậy là hợp lý. Mức giảm này đảm bảo vừa hỗ trợ DN, vừa giữ sức cân bằng thị trường”, PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá.
Còn theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, giá xăng dầu giảm có thể khiến một số DN liên quan như ngành dầu khí gặp khó nhưng ở chiều ngược lại, rất nhiều DN lẫn người dân sẽ được hỗ trợ trong chi tiêu hằng ngày. Có thể đối với một số DN chi phí xăng dầu không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại”. Hơn nữa, xăng dầu đều có liên quan đến chi phí đầu vào của rất nhiều ngành nghề khác nhau và với hiệu ứng lan tỏa sẽ có hỗ trợ tích cực cho cả nền kinh tế.
Giá cước taxi vẫn đứng im
Trong khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh thì hiện giá cước taxi của các hãng vẫn chưa điều chỉnh.
Trong cuộc khảo sát hôm qua 16.3 trên địa bàn TP.HCM, các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun vẫn giữ nguyên giá như trước. Nhiều tài xế cho biết chưa nghe công ty thông báo áp dụng giá mới. 

Theo Mai Phương – Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)