Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vì sức khỏe cộng đồng – hãy tránh xa thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một bộ phận công dân chưa thực thi nghiêm túc do hệ lụy nghiện thuốc lá, thiếu ý thức trách nhiệm trước cộng đồng xã hội và do ứng xử văn hóa kém. Khói thuốc lá vẫn còn ở một số công sở, trường học, nhà ga, bến tàu xe… Thậm chí, ở một số cơ sở y tế vốn là nơi rất cần môi trường sạch vẫn còn có người hút thuốc lá.

Dự án Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) vừa được Ủy ban các vấn đề xã hội tổ chức thẩm tra trong phiên họp mở rộng giữa tháng 9/2011 để trình tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII. Đây là một dự luật giải quyết vấn đề có tính truyền thống, tác động đến an sinh xã hội, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng, nên thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Trước khi có dự luật này, ngày 21/8/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1315/2009/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Đó là một động thái tích cực, cụ thể hóa Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14/8/2000 của Chính phủ về “Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010”.

Theo đó, ngoài việc áp dụng tăng giá và mức thuế các sản phẩm thuốc lá, áp mức thuế cao đối với sản phẩm thuốc lá nhập khẩu, Chính phủ còn nghiêm cấm hút thuốc lá tại các trường học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng…
Quyết định nêu trên là chính sách sức khỏe cộng đồng, cần tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động để hướng tới mục tiêu hạn chế hút thuốc lá đang ở mức báo động, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ tạo môi trường sống lành mạnh, không có khói thuốc lá, bảo vệ sức khỏe con người và giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Thế nhưng, một bộ phận công dân chưa thực thi nghiêm túc do hệ lụy nghiện thuốc lá, thiếu ý thức trách nhiệm trước cộng đồng xã hội và do ứng xử văn hóa kém. Khói thuốc lá vẫn còn ở một số công sở, trường học, nhà ga, bến tàu xe… Thậm chí, ở một số cơ sở y tế vốn là nơi rất cần môi trường sạch vẫn còn có người hút thuốc lá.
Các nghiên cứu về tác hại thuốc lá cho hay, trung bình mỗi ngày trên thế giới có 10.000 người chết do thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước có số người hút thuốc lá cao. Gần một nửa nam giới hút thuốc lá, trong đó 65% ở độ tuổi từ 25 đến 45, đó là chưa tính đến phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng khói thuốc lá. WHO cảnh báo tới năm 2020 số người chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do có HIV/AIDS, bệnh lao, TNGT và tự tử. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hóa chất, trong đó 40 chất xếp vào loại gây bệnh tim mạch, giảm trí nhớ, ung thư như: benzopyrene, nicotine, monoxit carbon…
Thuốc lá có nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết do tai nạn giao thông. ước tính mỗi năm cả nước chi 14.000 tỷ đồng cho thuốc lá và 2.300 tỷ đồng cho khám, điều trị bệnh do thuốc lá gây ra. Đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá như Tổ chức WHO, Rockefeller, Tổ chức Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam (IDE)…
Vấn đề cấm hút thuốc lá nơi công cộng ở Việt Nam đã được quy định tại Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên cho tới nay, chủ trương cấm hút thuốc lá nơi công cộng chưa thật sự đi vào cuộc sống, nên 6 năm qua các cơ quan chức trách chưa mạnh tay xử phạt các hành vi nêu trên.
Để nâng cao hiệu quả PCTHTL, việc xây dựng đạo luật cụ thể là rất cần thiết để hướng đến một xã hội vì sức khỏe con người, môi trường sống và văn minh cộng đồng. Từ bỏ thuốc lá, không để khói thuốc lá gây ảnh hưởng người khác cũng là một lối sống văn hóa cần phải trân trọng
 

Theo Hữu Toàn
(CAND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)