Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì thành tích, loại trò kém

Tạp Chí Giáo Dục

Việc loại bỏ học sinh yếu kém chứa nhiều khuất tất. Học sinh, phụ huynh, giáo viên đều biết là sai nhưng vì “lợi ích chung” nên im lặng.

Đã thành lệ, kết thúc học kỳ I sang học kỳ II của năm học thì không ít học sinh phải chuyển trường, nhất là ở khối lớp 12. Người nhiều năm giảng dạy trong trường phổ thông hẳn sẽ biết chính xác tình trạng này là do nhà trường tìm cách loại học sinh yếu kém nhằm đạt cho được thành tích về tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hoặc tỉ lệ học sinh lên lớp cao hơn vào cuối năm học.

Minh họa: Nguyễn Tài
Nâng điểm, sửa điểm, “chạy”…
Trong một bài báo gần đây, TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhận xét: “Từ nhiều năm nay, rất nhiều trường phổ thông, trước áp lực thành tích đã dùng cách loại học sinh mà trường đánh giá là không đủ trình độ để tốt nghiệp. Kết quả là đến học kỳ II thì lớp cuối cấp chỉ còn lại những học sinh nhà trường nhắm có khả năng bảo đảm tốt nghiệp mà thôi”.
Thực ra, tình trạng này không chỉ xảy ra ở TPHCM mà phổ biến trong cả nước. Việc loại bỏ học sinh yếu kém chứa nhiều khuất tất tiêu cực, dù học sinh, phụ huynh, giáo viên đều biết là sai nhưng vì “lợi ích chung” nên họ im lặng.
Để tạo thuận lợi cho việc chuyển trường, nhà trường thường chỉ đạo các giáo viên bộ môn nâng điểm, sửa học bạ sao cho học sinh kém có bảng tổng kết học lực ít ra là trung bình hay khá, đạo đức phải khá hoặc tốt. Muốn được vào học ở một trường mới với lý do không phải là học sinh kém mà là do thay đổi nơi cư trú chẳng hạn, phụ huynh phải “chạy”. Đã nhiều lần ngành giáo dục kêu gọi “Không loại bỏ học sinh yếu kém” hay “Trường nào vi phạm sẽ bị xử lý”… nhưng rốt cuộc, tất cả những hô hào đều bay theo gió vì nó không đụng chạm gì được đến nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm kha ấy. 
Căn nguyên của vấn nạn này chính là do bệnh thành tích. Dù Bộ GD-ĐT đã chủ trương nói không với “bệnh” thành tích nhưng hệ thống giáo dục, cũng như các địa phương, vẫn cứ lấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hằng năm cao hay thấp làm chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá thành tích giáo dục rồi từ đó mà khen thưởng, vinh danh, chưa kể nhiều quyền lợi của trường, giáo viên và học sinh cũng “ăn theo” chỉ tiêu này.
Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở vì ngay khi báo cáo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 – kỳ thi mở đầu cho việc nói không với bệnh  thành tích và tiêu cực trong thi cử – Bộ GD-ĐT vẫn xếp loại kết quả thi tốt nghiệp của các tỉnh, thành trong cả nước từ TPHCM (tỉ lệ tốt nghiệp 95,1%; cao nhất cả nước) đến Tuyên Quang (tỉ lệ tốt nghiệp 14,1%; thấp nhất cả nước). Rồi từ đó đến nay, từ tổng kết các năm học cho đến tổng kết các cuộc vận động để báo cáo thành tích thi đua khen thưởng, bộ vẫn luôn lấy dẫn chứng về tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng liên tục (năm 2007: 66,6%; năm 2008: 76%; năm 2009: 83,8%; năm 2010: 92,57%) và cũng lại tiếp tục xếp loại các tỉnh, thành trong cả nước.
Cách tính chưa hợp lý
Để ngăn chặn tình trạng nói trên, không gì hơn là phải đổi mới cách đánh giá thành tích giáo dục sao cho khoa học, đúng hướng. Cụ thể là không lấy tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá thi đua, đánh giá thành tích giáo dục của mỗi trường, mỗi địa phương. Điều này là thể hiện việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 33/2006 TTg, ngày 8-9-2006, của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cuộc vận động toàn ngành giáo dục nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Đứng về mặt khoa học giáo dục, tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT hằng năm là chưa phản ánh đầy đủ thành tích giáo dục của một trường hay một địa phương, do nhà trường tìm cách loại bỏ học sinh yếu kém trong quá trình học, do việc tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh, thành mỗi nơi mỗi khác (có nơi thi tuyển, có nơi xét tuyển; có nơi tuyển đến 90% và lại có nơi chỉ tuyển 60% số học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT). Vì vậy, muốn phản ánh đúng chất lượng của giáo dục thì đối với cấp trường phải lấy tỉ lệ giữa học sinh tốt nghiệp lớp 12 với số học sinh lớp 10 để so sánh; với mỗi tỉnh, thành, phải căn cứ vào tỉ lệ giữa học sinh hoàn thành lớp 12 với số dân để so sánh. 
Ví dụ, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, TPHCM có đến 51.640 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong khi con số này ở tỉnh Thanh Hóa là 59.000. Theo điều tra dân số năm 2009, TPHCM có 7.123.340 nhân khẩu còn tỉnh Thanh Hóa có 3.400.239 nhân khẩu. So sánh 2 địa phương này sẽ thấy ngay TPHCM có 7 học sinh lớp 12/1.000 dân trong khi tỉ lệ này ở Thanh Hóa là 17/1.000 dân. Rõ ràng là giáo dục phổ thông của Thanh Hóa phải được xếp trên TPHCM. Thế nhưng, theo cách tính của Bộ GD-ĐT, vị trí của TPHCM trong xếp hạng về tỉ lệ tốt nghiệp THPT lại luôn xếp cao hơn rất nhiều so với Thanh Hóa. Chẳng hạn như năm 2007, TPHCM xếp thứ nhất nhưng Thanh Hóa thì xếp thứ 42/64 tỉnh, thành.
Nảy sinh nhiều vấn đề  
Ngoài việc lấy tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hằng năm cao hay thấp làm chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá thành tích giáo dục thì trong 7 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường THPT do Bộ GD-ĐT đề ra, có tiêu chuẩn “Phấn đấu có ít nhất 90% học sinh lớp 12 đạt điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT và tỉ lệ tốt nghiệp đạt từ 70% trở lên”.  
Từ sự chỉ đạo như thế nên rất dễ hiểu vì sao các trường lại tìm cách loại học sinh yếu kém. Bởi nếu không loại thì sẽ ảnh hưởng đến thành tích trong thi cử. Rồi cũng từ đó nên việc coi thi, chấm thi, kiểm tra xét duyệt… luôn ẩn chứa sự nảy sinh nhiều vấn đề.
TRẦN HỮU TRÙ/ NLĐ


 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)