Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vị thế của giáo viên hiện nay

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói nghề dạy học càng ngày càng đi vào những quy định, những nền nếp, có nhiều tiêu chuẩn hoặc những quy định đang ở dạng dự thảo như “Phạt tiền giáo viên khi xúc phạm học sinh…” là một tín hiệu đáng mừng nhưng đó cũng là những áp lực rất lớn đối với vị thế của người thầy trong xã hội. “Vị thế” là uy thế của một con người, uy thế của người thầy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Có uy thế, người thầy sẽ được học sinh (HS) nể trọng, kính trọng, nghe lời và ngược lại…

Đứng trước những áp lực nhiều chiều từ nhà trường, từ xã hội, từ phụ huynh, HS… như vậy; người thầy phải có bản lĩnh, có những kỹ năng như thế nào để giữ vững vị thế của mình?

Một là: Phải biết cách vượt qua áp lực bằng khả năng sẵn có của mình. Những quy định, những chuẩn đánh giá mà cấp trên đưa ra, chúng ta xem mình đã đáp ứng tới mức nào; còn những mức nào chưa đạt thì cần phấn đấu để đạt bằng được. Không buông xuôi kiểu “nước chảy bèo trôi” hoặc tỏ thái độ thờ ơ, chán nản. Tôi biết có những tổ trưởng đi thi đầu vào cao học, lần đầu không đạt và thôi luôn, không muốn thi nữa. Thế nhưng trong tổ có nhiều tổ viên là thạc sĩ, tổ trưởng lúc này thì “trống trơn” nên vị thế của tổ trưởng giảm đi rất nhiều!

Hai là: Luôn vững vàng về lập trường tư tưởng, “dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”; luôn tin yêu và gắn bó với nghề, thương yêu học trò bằng tấm lòng bao dung, độ lượng; biết chia sẻ, lắng nghe và biết cách tha thứ nếu HS có lỗi lầm… Giá trị của một người thầy luôn được soi rọi qua những phẩm cách cơ bản này. “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” là vậy.

Ba là: Không ngừng tự học, tự rèn luyện, sáng tạo trong giảng dạy để nâng cao chất lượng truyền thụ kiến thức. Người thầy phải luôn tự làm mới mình qua từng bài giảng, với từng đối tượng khác nhau để thể hiện tài năng, sự cố gắng của mình. Làm mới bài dạy hàng ngày là nhu cầu của HS, là yêu cầu của việc truyền thụ. Một khi chúng ta có sự năng động thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và luôn gặp nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc.

Bốn là: Cùng với mọi người, ra sức xây dựng một tập thể sư phạm đoàn kết; giúp đỡ lẫn nhau trong giảng dạy, trong sinh hoạt và cùng tháo gỡ những vướng mắc gặp phải như cách xử lý những tình huống sư phạm thường gặp… Có tinh thần đoàn kết mới có sức mạnh và có sự đoàn kết thì mới tạo được niềm tin của HS, của phụ huynh, của xã hội…

Thông thường, phụ huynh, xã hội đánh giá một tập thể tốt hay không qua tinh thần đoàn kết trong tập thể sư phạm. Vị thế của mỗi thành viên cũng sẽ được nhìn nhận, “đối chiếu” ở khâu này.

Khi chúng ta vẫn còn giàu lòng yêu nghề mến trẻ, vẫn còn trách nhiệm cao đối với công việc giảng dạy hàng ngày thì vị thế của người thầy không những vẹn nguyên mà còn được nâng cao. Vì trong bối cảnh chuyển mình của kinh tế đất nước, bên cạnh những tác động tốt còn có những tác động khác làm giảm niềm tin của xã hội vào giáo dục; thì người thầy vẫn đứng vững trên đôi chân của mình là một điều đáng khích lệ, biểu dương…

Lê Lam Hng (Sóc Trăng)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)