Với những địa danh và đặc sản nổi tiếng như Cao nguyên đá Đồng Văn (mới được công nhận là công viên địa chất thế giới), mật ong rừng, chè cổ thụ Thống Nguyên (ở độ cao 1700m so với mực nước biển), cột cờ Lũng Cú, cam Bắc Quang, ngành Du lịch Hà Giang thời gian qua đã có những bước đột phá.
Năm 2010-2011 lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng đột biến. Trong năm 2010, khách du lịch đến Hà Giang đạt 27 ngàn lượt khách, tổng doanh thu đạt 280 tỷ đồng (Khách Châu Âu chiếm 30%, Châu Á 58-60%, còn lại nội địa) và có chiều hướng tăng nhanh (2009 mới chỉ có 10 ngàn người). Tính đến tháng 6/2011 đã có 28 ngàn lượt khách, riêng trong 10 ngày Tết đã có 8 ngàn lượt khách chủ yếu khách phương Tây đến với Hà Giang.
Xác định du lịch là một trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế (du lịch-dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến) của, tỉnh, Hà Giang đang xây dựng và hoàn chỉnh Đề án Phát triển nguồn lực du lịch cho Hà Giang với mục tiêu phát triển nhân lực vật lực và xác định rõ tour tuyến tầm nhìn 2015-2020. Dự kiến đến năm 2015 các sản phẩm về tour tuyến, dịch vụ, sản phẩm du lịch sẽ được đưa vào thực tế.
Hà Giang hiện có 27 làng văn hóa du lịch gắn với cộng đồng. Mỗi làng chứa được 70-100 khách du lịch/đêm. Chủ trương phát triển du lịch của Hà Giang là loại hình du lịch sinh thái. Khách du lịch sẽ ăn ở, cùng nhân dân, đạp xe hoặc đi xe máy tham quan Cao nguyên đá, ruộng bậc thang cũng như tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt, phong tục của đồng bào dân tộc.
Hiện Sở VHTTDL Hà Giang đã lắp đặt internet, quầy sách thông tin giới thiệu tại tất cả các làng văn hóa du lịch, nhà nghỉ khách sạn về du lịch Hà Giang. Sở VHTTDL đã xuất bản 10.000 bản cẩm nang du lịch Hà Giang bằng 3 thứ tiếng (Việt-Anh-Trung), một cuốn sách 99 câu hỏi đáp về Cao nguyên đá Đồng Văn dành cho các em học sinh, để các em ai cũng có thể trả lời giải đáp về cao nguyên đá.
Nói về kế hoạch hành động cụ thể của du lịch Hà Giang thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Trần Trùng Thương cho hay, “trong năm nay chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng với Hiệp hội lữ hành và Hiệp hội du lịch. Họ có trách nhiệm đưa các đoàn khách lên Hà Giang, và Hà Giang có trách nhiệm đưa khách Trung Quốc về Hà Nội”.
Hà Giang giáp với Vân Nam-Quảng Tây với hơn 80 triệu dân và lượng khách du lịch từ 2 tỉnh này sang Hà Giang hàng năm không nhỏ.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành một phần trong hành trình, lịch trình tuor tuyến du lịch từ Hà Giang đến Hà Nội- Huế-Đà Nẵng-Sài Gòn và ngược lại. Như vậy sẽ tạo thành một chương trình du lịch dài hơi và khép kín mang tính kết nối, tương tác cao giữa Hà Giang với các trọng điểm du lịch cả nước”, ông Thương khẳng định.
Tại buổi gặp gỡ giữa các hiệp hội với lãnh đạo tỉnh Hà Giang hôm nay, Chủ tịch hiệp hội lữ hành Vũ Thế Bình đã nói, Hà Giang rất đẹp, chỉ cần giữ nguyên vẻ đẹp ấy và đưa vào khai thác phát triển hợp lý, bền vững thì du lịch Hà Giang chắc chắn sẽ cất cánh.
Vấn đề phát triển mở rộng nhưng vẫn không đánh mất mình là bài toán khó không chỉ với Hà Giang. Ý thức được điều này nên lãnh đạo Hà Giang đã có chủ trương phải giữ nguyên hiện trạng cao nguyên đá trong quá trình phát triển. Mọi hoạt động khai thác đá xung quanh khu vực cao nguyên đá đều bị nghiêm cấm và kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo Nguyệt Hà
(Chinhphu.vn)
Bình luận (0)