Kỳ I: Cơ chế đào thải lớn
Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, giáo viên dạy trong các trường ngoài công lập “dễ thở” hơn so với giáo viên công lập. Nào là lương cao, không bị gò bó, ràng buộc, hoặc có thể “nhảy việc” bất kỳ lúc nào. Nhưng hơn ai hết chỉ những người trong cuộc mới biết rõ họ đang sướng hay khổ.
Đòi hỏi cao về chuyên môn
Năm học mới nào cũng tuyển giáo viên, thậm chí việc được thông báo trên các trang website của nhà trường là “diễn ra thường xuyên và liên tục”. Đây có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất giữa trường công và trường tư. Đơn giản, bởi đội ngũ giáo viên cơ hữu của họ rất mỏng, đa phần là các thầy cô thuộc diện hợp đồng, thậm chí là hợp đồng rất ngắn hạn.
Thay vì phải có “mối”, có người quen giới thiệu khi đi xin việc ở trường công, việc nộp đơn tuyển dụng vào các trường rất đơn giản. Cô giáo Trương Thị Hải Yến- Hiệu phó trường dân lập Phương Nam (Định Công- Hà Nội) cho biết, nhà trường có hệ thống đào tạo khép kín từ bậc tiểu học đến THPT. Theo đó mỗi năm có hàng trăm bộ hồ sơ dự tuyển giáo viên ở tất cả các bậc học. Tương tự như vậy, nhiều trường phổ thông ngoài công lập tại Hà Nội như hệ thống trường khép kín Hồng Hà, Đông Đô, Nguyễn Siêu… cũng nhận được khá nhiều đơn xin việc trước mỗi mùa khai giảng. Tất nhiên, chỉ một số ít trên tổng số vài trăm người dự tuyển nói trên được trở thành giáo viên đứng lớp chính thức.
Ở trường Phương Nam, yêu cầu đầu tiên đưa ra đối với các “ứng viên” là họ nhất thiết phải tốt nghiệp ĐH, cho dù chỉ dạy tiểu học. Tiếp đó là việc giảng thử một số tiết học để Ban giám hiệu và các tổ bộ môn đánh giá năng lực. Khi đã đạt yêu cầu, họ sẽ được ký hợp đồng thử việc trong vòng 1- 3 tháng, sau đó nhà trường mới ký hợp đồng lao động dài hạn. Không yêu cầu quá cao về mặt bằng cấp như ở Phương Nam, nhưng qui trình tuyển dụng giáo viên của của trường Hồng Hà (Minh Khai) cũng tương tự như vậy. Theo cô Thu Nga- Hiệu trưởng nhà trường, công đoạn “khắt khe” nhất lại chính là thời gian chấm điểm thử việc, nếu giáo viên nào không đạt yêu cầu hoặc bộc lộ những yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, nhà trường sẽ không tuyển dụng. Từng giảng dạy tại các trường THPT dân lập Đông Đô, dân lập Nguyễn Siêu, thầy giáo Quốc Tuấn đã xác nhận điều này. Để trở thành giáo viên trong các trường dân lập, tưởng ngon ăn nhưng lại không đơn giản chút nào. Chẳng cần phải có người “đỡ đầu, chẳng cần tới 5C (con cháu các cụ cả), muốn được tuyển dụng, chỉ có cách phải tự khẳng định năng lực của mình bằng những tiết giảng thực tế. Ai không đạt yêu cầu về bằng cấp (khá, giỏi) đã bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ. Giảng thử không đạt: loại ngay lập tức. Thậm chí có những thầy cô đã được ký hợp đồng chính thức nhưng bị học sinh và phụ huynh phàn nàn, hoặc là bị đổi sang dạy lớp khác, hoặc sẽ bị buộc cho nghỉ việc.
Sở dĩ cơ chế đào thải của các trường ngoài công lập lớn như vậy, bởi đối với họ chuyện thương hiệu là vấn đề sống còn. Cho dù lâu nay vẫn được xem là khối trường học “xã hội hoá”, nhưng nhu cầu học tập của xã hội ngày càng cao thì việc cạnh tranh về chất lượng giữa các trường cũng quyết liệt hơn. Chính vì vậy buộc các nhà trường phải thực sự nghiêm túc trong việc tuyển chọn giáo viên. Minh chứng cho điều này thầy giáo Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đã kể một câu chuyện từng xảy ra tại trường. Đó là năm học vừa qua, học sinh và phụ huynh lớp 11 đã nhất quyết đề nghị Ban Giám hiệu phải đổi giáo viên dạy Toán. Nguyên nhân là thầy chỉ dạy những kiến thức có trong SGK mà không mở rộng hơn. Biết là thầy giáo đó làm đúng chuyên môn, nhưng không còn cách nào khác. Theo thầy Cương việc học sinh đòi hỏi cao như vậy cũng có lý, bởi tất cả các em vào THPT Lương Thế Vinh đều có nhu cầu đỗ ĐH, vì vậy chỉ học kiến thức có trong SGK thì chưa đủ.
Đôi khi phải “đặt cọc” làm tin
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đại đa phần các trường ngoài công lập tuyển dụng giáo viên rất cởi mở. Họ chỉ đòi hỏi giáo viên đạt trình độ về chuyên môn, cũng như tuân thủ những qui chế hoạt động riêng trong mỗi nhà trường. Không chuyện quà cáp, biếu xén hoặc những hiện tượng tiêu cực khác. Dẫu vậy, cá biệt cũng có những trường thu tiền “đặt cọc” của giáo viên như trường Phương Nam. Theo giải thích của cô Hải Yến, đó là cách tốt nhất để ràng buộc trách nhiệm cá nhân của họ. Do đó, ngoài yêu cầu về năng lực, về hình thức, mỗi giáo viên được ký hợp đồng ở trường này phải đặt cọc số tiền từ vài triệu đến 10 triệu đồng.
Cô Yến cũng cho biết, việc giữ chân giáo viên trong các trường ngoài công lập, đặc biệt là giáo viên có năng lực đang là vấn đề nan giải. Trong khi không ít thầy cô giáo sau một thời gian được tuyển dụng chính thức, được nhà trường đào tạo về mọi mặt, vì nhiều lý do đã “dứt áo” ra đi, gây ra những xáo trộn trong tâm lý học sinh và phụ huynh. Chính vì vậy Hội đồng quản trị nhà trường đã đưa ra những yêu cầu rất cụ thể trong hợp đồng với nữ giáo viên trẻ như: phải sau 2 năm tuyển dụng mới được lấy chồng sinh con. Cùng với đó, tuỳ thâm niên và năng lực giảng dạy mà phải đóng một khoản tiền cho nhà trường (chứ không phải là một khoản cố định). Có thể số tiền này là 3 triệu, 5 triệu hoặc 10 triệu, cho đến khi giáo viên đó không làm việc tại trường nữa thì trường sẽ hoàn tiền lại. Điều hoàn “đặt cọc” này đã đẩy nhiều giáo viên nghèo vào tình trạng dở khóc, dở cười. Có những người vì quá bất bình nên đã chán nản bỏ trường, bỏ lớp. Theo cô Yến nguyên tắc hoạt động của nhà trường dựa trên cơ sở thoả thuận, nếu giáo viên không đáp ứng được yêu cầu của trường hoặc không muốn gắn bó với nhà trường nữa, ngay lập tức trường sẽ không gò ép, không vận động như ở các trường công lập. Quan điểm này có 2 luồng ý kiến trái ngược, song chung qui lại nhiều người bày tỏ sự cảm thông với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những giáo sinh mới ra trường, hoặc những nhà giáo nghèo. Đành rằng có chế hoạt động của các trường ngoài công lập là tự chủ, tự hạch toán thu chi. Nhưng nếu trường ngoài công lập nào khi tuyển dụng cũng yêu cầu giáo viên “đặt cọc”, e rằng môi trường giáo dục ở nơi đó sẽ trở nên “sòng phẳng” quá, thậm chí còn hơn cả cơ chế thị trường.
Thu Hương
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)