Y tế - Văn hóaThư giãn

Vị “thống soái” của cải lương tuồng cổ đã đi xa…

Tạp Chí Giáo Dục

Cố NSND Thanh Tòng và con gái – NSƯT Quế Trân

NSND Thanh Tòng đã ra đi vào sáng 22-9 trong niềm tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ.

Sau khi người dượng rể – NSND Thành Tôn (cha của NSƯT Thành Lộc, Bạch Long) qua đời, NSND Thanh Tòng chính thức là trưởng môn nhân, lèo lái dòng chảy nghệ thuật của gia tộc có 5 đời nối nghiệp tiền nhân. Người con, người đệ tử chân truyền của nghệ sĩ Minh Tơ đã không làm khán giả thất vọng với hàng loạt vai diễn để đời. Từ những vai lão, Trịnh Ân, Bao Công, Quan Công cho đến các vai giả gái đóng Điêu Thuyền, Hồ Nguyệt Ca…, ông đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Ngoài ra, NSND Thanh Tòng còn là tác giả của nhiều vở tuồng cổ nổi tiếng. Con gái của ông là NSƯT Quế Trân đã và đang tiếp tục giữ gìn “lửa nghề” của dòng tộc theo từng bước dìu dắt, nâng đỡ của cha cũng như nền tảng của một gia tộc có 5 đời theo nghề hát.

Tin NSND Thanh Tòng đột ngột ra đi làm nhiều người bàng hoàng, tiếc thương. Chia sẻ với Giáo dục TP.HCM, thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM bộc bạch: “Tôi đã có nhiều dịp được đi diễn chung một đoàn với NSND Thanh Tòng. Khi nào tôi cũng thấy ông chăm chút cho từng vai diễn của ông trước khi ra sân khấu. Tôi nhớ mãi chuyến đi diễn ở Tây Ninh, tôi nhìn thấy NSND Thanh Tòng lặng lẽ đứng ở một góc để tập lại vai diễn trong tuồng Tô Ánh Nguyệt. Tôi cảm nhận được lòng yêu nghề, sự tận tâm vì nghệ thuật toát ra từ người nghệ sĩ ấy. Ông ra đi là niềm mất mát lớn cho nền sân khấu nước nhà”.

Không chỉ là một người nghệ sĩ tài năng, phía sau ánh đèn sân khấu, NSND Thanh Tòng còn là một người thầy tâm huyết với bao thế hệ học trò, một người quản lý giỏi luôn nặng lòng với sân khấu cải lương tuồng cổ. Đối với nghệ sĩ Bạch Long, NSND Thanh Tòng không chỉ là người anh mà còn là người thầy đã dìu dắt, chỉ bảo nghệ sĩ Bạch Long vững bước hơn với nghề. “Hay tin NSND Thanh Tòng ra đi, tôi rất bàng hoàng. Chương trình Vầng trăng cổ nhạc gần đây là chương trình cuối cùng tôi được đứng chung sân khấu với thầy. Thầy ra đi ở tuổi 68 khi chất xám, tài năng, lòng nhiệt huyết ở người nghệ sĩ gạo cội ấy vẫn còn có thể cống hiến rất nhiều cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ hiện nay”.

Bằng lòng yêu nghề, sự nỗ lực của bản thân, NSND Thanh Tòng đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Ông được Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2007. Tang lễ của NSND Thanh Tòng diễn ra tại nhà riêng (12 đường 26 Khu dân cư Him Lam Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 21 giờ ngày 22-9. Lễ động quan lúc 6 giờ 15 phút ngày 24-9, an táng tại Nghĩa trang hoa viên Gò Đen.

Yên Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)