Đuổi ruồi muỗi, bọ chét, xua rắn rết, giải cảm, vừa làm sạch môi trường, vừa có tác dụng phòng bệnh, sả được sử dụng rộng rãi như là một loại cây thuốc và gia vị dễ trồng.
Ảnh: minh họa – Internet |
Cây sả còn gọi là cỏ sả, lá sả, hương mao, có hương vị như chanh và có thể sử dụng ở dạng tươi sống hay sấy khô và tán thành bột. Phần thân cây khá cứng để có thể ăn, ngoại trừ phần thân non và mềm bên trong. Tuy nhiên, người ta có thể thái nhỏ và thêm vào trong các gia vị.
Thành phần chính trong tinh dầu sả là citral. Sả nói chung được dùng trong món ướp chiên, súp và các món cà-ri. Sả cũng rất thích hợp cho các món chế biến từ thịt gia cầm, cá và hải sản. Sả cũng thường được sử dụng như một loại chè tại một số quốc gia châu Phi, như Togo chẳng hạn. Có thể kết hợp rất ăn ý với nước cốt dừa, đặc biệt là với thịt gà hoặc hải sản, và có vô số công thức nấu ăn từ Thái Lan và Sri Lanka khai thác sự kết hợp này. Thân cây sả cũng được sử dụng trong trà hoặc được sử dụng trong dưa chua và các loại nước ướp hương liệu.
Theo đông y, sả có vị the, cay, tính ấm, được sử dụng để tạo mùi thơm như một hương liệu, trong y học dân gian sả góp phần điều trị chống co thắt, hạ huyết áp, dùng như một loại thuốc chống co giật, giảm đau, sát khuẩn, chống viêm, hạ khí, thông tiểu, tiêu đờm, chữa đầy bụng, đái rắt, chân phù nề, chữa ho do cảm cúm và các rối loạn thần kinh, tiêu hóa, sốt (có tác dụng làm ra mồ hôi). Người ta cũng sử dụng sả trong mỹ phẩm với tác dụng chống mụn, ngăn viêm mổ mỡ thừa, xông hơi sát trùng không khí và xoa dịu sự mệt mỏi.
Tác dụng phụ: Sả được coi là có độc tính thấp, không nên sử dụng trong thai kỳ do sự kích thích dòng chảy tử cung và kinh nguyệt.
Theo H.Khang
Báo Thanh Niên
Báo Thanh Niên
Bình luận (0)