Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vị thuốc từ nhộng tằm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngoài chế biến món ăn, nhộng tằm còn có những công dụng chữa bệnh. Nhộng tằm cũng có thể gây ngộ độc nếu nó bị tẩm hóa chất.  
Ảnh: minh họa – Internet
Y học cổ truyền xem nhộng tằm là vị thuốc có tên cương tằm, bạch cương tằm… Theo lương y Vũ Quốc Trung, nhộng tằm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng. Hàm lượng protid của nhộng tằm cao, gồm nhiều a-xít amin. Trong Đông y, nhộng tằm còn là một vị thuốc có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Trẻ em ăn nhộng tằm rất tốt vì có nhiều can-xi và photpho giúp cơ thể phát triển và phòng chống được bệnh còi xương. Người cao tuổi bị yếu thận, liệt dương hay tiểu tiện són, táo bón dùng nhộng tằm thường xuyên cũng cải thiện sức khỏe.
Còn theo lương y Như Tá, nhộng tằm có vị mặn, ngọt, bùi, béo, tính bình, không độc, trong 1 kg nhộng tằm (loại tươi) chứa hàm lượng protein tương đương với 2,8 kg trứng gà, và 0,35 kg thịt heo.
Một số cách dùng nhộng tằm chữa bệnh
Theo lương y Như Tá, ngoài chế biến các món ăn như: lăn bột chiên giòn, nấu cháo, làm gỏi, nhộng tằm còn dùng trong chữa bệnh như các bài thuốc dưới đây: Trường hợp bị viêm họng cấp thì dùng cương tằm (sao) 20g, cam thảo (sống) 4g. Đem tán bột, uống với nước gừng sống. Trị viêm họng gây mất tiếng, dùng: vị thuốc bạch cương tằm (nhộng tằm) 6g, khương hoạt 10g, xạ hương 0,01-0,03g, đem tán bột trộn với nước gừng uống. Chị em đi nắng bị đen sạm da mặt, có thể dùng cương tằm đem tán mịn hòa với nước bôi vào chỗ sạm. Các bà mẹ cho con bú mà sữa không thông thì dùng cương tằm, tán bột, uống 8g với rượu trắng.
Những người bị ho sau uống rượu thì lấy cương tằm sấy khô, tán bột. Mỗi lần dùng 4g pha với nước trà. Trẻ con bị lở loét trắng miệng thì dùng cương tằm (sao vàng), bỏ lông, tán bột, trộn với mật ong bôi sẽ khỏi. Để chữa đau nửa đầu, thì dùng cương tằm tán nhỏ hòa với nước chín uống. Bị đau đầu bất ngờ do thời tiết thì dùng cương tằm đem tán bột uống nước nóng.
Mới đây ở Hà Nội có 5 người bị ngộ độc phải đi cấp cứu tại bệnh viện sau khi ăn nhộng tằm. Trước đây, cũng từng có một số vụ ngộ độc tương tự. Theo lương y Vũ Quốc Trung, sở dĩ bị ngộ độc có thể do người bán đã ướp tẩm hóa chất để giữ nhộng lâu hư; hoặc dùng nhộng biến chất (do hàm lượng đạm cao, nên nhộng tằm rất dễ biến chất khi để lâu). Do vậy, nhộng mua thì cần rửa thật kỹ, và nên chọn nhộng còn tươi. Ngoài ra, trong nhộng tằm có chứa histamin, ở một số người có cơ địa không thích ứng cũng có thể dị ứng (mẩn, ngứa) sau khi ăn.
Theo Khánh Vy
Báo Thanh Niên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)