Trở về sau chuyến đi “bí mật” tới Canada để quảng bá cho tập thơ “ViLi in love”, Vi Thuỳ Linh có vẻ gầy hơn, mỏi mệt hơn, riêng nụ cười vẫn rạng rỡ. Chị nói nhiều, nói như “lên đồng” về những vần thơ Vancouver và đắm say bóng hình người đàn ông mới…
"Tôi muốn khẳng định cho mọi người biết rằng Vi Thuỳ Linh không chỉ làm được thơ" (Ảnh Đỗ Ngọc) |
Chị gặt hái được gì sau chuyến “di thơ” tới Vancouver, giới thiệu “ViLi in love” – tập thơ thứ 4 sau “Khát”, “Linh”, “Đồng Tử” cho khán giả kiều bào?
Tôi rất sợ mất lòng nhưng thực sự khán giả ở đó không phải toàn các trí thức, sinh viên như ở Paris. Họ là những người lao động, cắt tóc, sửa móng tay, bán đĩa… Nhưng điều quan trọng là họ đã nghe Dệt tầm gai, đã biết đến tên Vi Thuỳ Linh…
Ngoài những nhà văn, trí thức, mọi người đã lắng nghe tôi chăm chú, đặc biệt là không có ăn uống. (Bên đó có tập quán thường tổ chức ăn uống trước khi ra mắt cuốn sách hoặc văn nghệ – VTL)
Tôi nghĩ thẳm sâu trong mỗi người không phải vỏ bọc nghề nghiệp của họ, tâm hồn bao giờ cũng có tình yêu nghệ thuật. Nếu nói làm nghệ thuật chỉ dành cho những người yêu nghệ thuật trong giới thì hoá ra công chúng ở đâu?
Tôi rất muốn chinh phục những gì khó và mới, những đối tượng vốn không nằm trong sở trường của mình và điều đó làm cho tôi hưng phấn, kích thích.
Được biết, Vi Thuỳ Linh lên ý tưởng từ đầu năm, bắt tay vào làm từ mùa hè và cấp tập hoàn thành trong vòng 2 tháng để đúng tháng 11 xuất hiện tập thơ thứ 4. Thơ “ra đời” theo xúc cảm, sự ngẫu hứng nhưng chị lại làm khung sẵn cho “ViLi in love”, không sợ ý tưởng thơ bị gò bó?
Bản thân việc làm khung cũng cần có cảm xúc rồi. Đề tài mình chọn là mình phải thích, có cảm hứng. Tất nhiên, tôi không cố tình nhặt nhạnh để xây một ngôi nhà. Làm khung là cách mình đặt ra giới hạn thời gian, nỗ lực lao động.
Cũng như tôi đặt ra tháng 11 năm nay phải ra tập thơ, mùa hè năm sau phải ra cuốn sách. Nghệ sĩ cần có hứng nhưng làm việc phải có mốc thời gian, có kế hoạch chứ không thể lúc nào cũng ngồi chờ… cảm hứng đến.
"Làm xong "ViLi in love", tôi gầy đi 3 kg, nhưng không kêu ai được" (Ảnh Đỗ Ngọc) |
“Mỗi khi viết ra một tác phẩm, người cứ rũ ra như quả mướp luộc”, chị từng nói thế và quả thật là sau tập thơ thứ 4 trông chị khá tiều tuỵ!
Bây giờ viết không dễ như ngày xưa. Dễ không phải là dễ dãi mà là tôi đòi hỏi tôi nhiều quá, đòi hỏi không lặp lại mình, không lặp lại người khác, phải tìm ra được cái mới.
Bàn viết tôi kê ngay cạnh cái giường, mỗi khi mệt, huyết áp thấp thì nằm xuống. Tôi hay mệt, chỉ uống sữa và thuốc bổ. Có hôm lao động cả đêm, tôi phải nhỏ thuốc để mắt đỡ nhức. Làm xong tập thơ, tôi gầy đi 3 kg, nhưng không kêu ai được.
Đến khi in thơ, tôi cũng rất vất vả. Tiền không nằm trong sở trường của tôi. Việc đi xin tiền in thơ khiến cho tôi mệt nhọc.
Tất bật và khó nhọc, thậm chí “hành xác” đi xin tài trợ để in “ViLi in love” rồi lại thông báo ngừng làm thơ để viết… văn xuôi, có phải Vi Thuỳ Linh đã chán thơ?
Tôi không chán thơ. Tôi chỉ tạm ngừng thơ để khai thác hết khả năng viết văn xuôi của mình. Tôi muốn khẳng định cho mọi người biết rằng Vi Thuỳ Linh không chỉ làm được thơ.
Người ta nói nhà thơ ít khi viết văn hay và tôi muốn chống lại điều đó. Cũng như tôi từng chống lại A.Einstein khi ông nói trên đời này mọi thứ chỉ là tương đối. Tôi chống lại ông bằng niềm tin của tôi vào tình yêu khi cho rằng có tình yêu tuyệt đối!
Nói “Vi Thuỳ Linh sẵn sàng thách đấu với các đồng nghiệp” khi chuyển sang lĩnh vực văn xuôi, chị không thấy mình quá hiếu thắng?
Không, về sự lao động, khai thác bản thân và cống hiến cho công chúng Vi Thuỳ Linh luôn thách đấu với chính mình. Tôi làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cực kỳ tử tế, bất khuất và dữ dội.
Cuốn tuỳ bút đầu tay với cái tên tạm gọi “Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long và Vancouver” là chị để dành tặng người yêu?
Đúng thế! Tôi đang yêu và sẵn sàng lao động điên cuồng, say mê để dành tặng anh cuốn sách đó.
Cuốn tuỳ bút đầu tay, Vi Thuỳ Linh dành tặng người đàn ông của mình |
Đó hẳn là người đàn ông hơn thế hệ? Nhiều người vẫn “ám ảnh” bởi câu thơ táo bạo: “Người đàn ông hơn bố tôi 3 tuổi”…?
Tôi chưa yêu người đàn ông nào như vậy. Đó chỉ là câu chuyện, tôi hỏi một nhà thơ và chú có kể cho tôi nghe về mối tình của mình. Tất cả những suy diễn “Vi Thuỳ Linh yêu người đàn ông hơn bố mình 3 tuổi” là vớ vẩn, sai sự thật.
Đó cũng như sự cảm nhận về câu thơ: Sáng nay/ ngày cuối tháng/ chóng mặt/ quá nhiều gió thổi/Em bắt đầu nghi ngại bí mật của chính mình. Ở dưới mỗi bài thơ tôi đều có ngày tháng, tôi hay viết theo ngày tháng, nếu hôm đó ngày giữa tháng thì tôi sẽ viết là ngày giữa tháng vậy mà có người suy diễn sang chuyện “phụ nữ”.
Suy diễn kiểu đó làm tôi chán ngán. Từ lâu rồi, tôi không quan tâm đến loại đối tượng độc giả này và không bao giờ có ý định giải thích trong nghệ thuật của mình.
Vậy người đàn ông của chị, có thể hình dung như thế nào?
Người đàn ông của tôi thông minh, cao và trắng (Tôi không có ý định lấy người nước ngoài – VTL). Tất nhiên, anh thông minh vì anh yêu tôi, biết nhìn ra giá trị của tôi khác với các cô gái khác. Tất nhiên, anh cao ráo vì tôi muốn con tôi tuấn tú.
Khi tôi yêu người đàn ông, tôi nghĩ rằng anh đang hoà tôi vào máu của anh ấy và tôi cũng hoà anh vào máu của tôi. Khi yêu không nhất thiết phải ở bên cạnh nhau, chỉ cần niềm tin và hướng về nhau.
Mốc 2008 đã “vèo” qua rồi, chị định lùi đám cưới đến bao giờ?
Tôi quá nồng nàn với ước mơ của mình cho nên tôi cần chuẩn bị là người đàng hoàng để đón nhận cuộc sống gia đình. Tôi kết hôn chậm lại một chút để con tôi tự hào về sự nghiệp của mẹ mình. Dự kiến năm 2010, chúng tôi sẽ làm đám cưới!
Nguyễn Hằng (Theo Dantri)
Bình luận (0)