“Thời gian tới, tôi sẽ chuyển sang viết tùy bút và văn xuôi. Tôi tạm dừng thơ, song chắc chắn rằng, văn chương nghệ thuật là định mệnh, là số phận mà tôi sẽ theo suốt cuộc đời, không thể nào khác được”, Vi Thùy Linh tâm sự sau khi hoàn thành tập thơ mới “ViLi in love”.
– Chị làm gì trong thời gian im ắng vừa qua?
“Tôi muốn khám phá năng lực của mình trên các con đường khác”. Ảnh: Hải Lê. |
– Tôi không có thói quen lâu lâu lại xuất hiện trên báo hoặc thỉnh thoảng lại gom nhặt những bài cũ để in sách vì sợ độc giả quên. Tôi không bao giờ sợ bị quên lãng. Người thực sự dám là mình, dám đi đến cùng, biết cật lực và kiên nhẫn lao động không sợ nhọc nhằn. Nhưng tôi thực sự chờ đợi cuộc gặp gỡ này với người đọc. Đây sẽ là dịp tôi ra mắt tập thơ mới – ViLi in love – in song ngữ Việt Anh. Đừng tìm ở đây sự dữ dội, cuồng bạo, cũng đừng “nhầm” tôi nổi loạn. Tôi chưa bao giờ nổi loạn. Xung lực mạnh mẽ của tôi chính là sức mạnh thường hằng, tôi là thế. Cố gắng lao động, tìm những câu chữ hình ảnh, cách diễn đạt mới, gìn giữ tâm hồn, sức tưởng tượng; chứ không cố gắng làm cái gì đó không phải là mình, đập phá hay phủ nhận gì khác.
Thời gian khổ nhọc cả về thể xác lẫn tinh thần trong quá trình làm sách vừa qua đã khiến tôi bị sụt mất 3 kg. Nhưng tôi rất hân hoan vì tập thơ được ra đời đúng thời điểm tôi dự định.
– Tập thơ mới “ViLi in love” có gì đặc biệt hơn so với 3 tập trước của chị?
– Về mặt hình thức, các tập thơ trước Khát, Linh, Đồng tử tôi in khổ vuông. Lần này tôi chọn khổ sách 19 x 26,5 cm. Và nó hội tụ rất nhiều điểm mà tôi thích. Ví dụ, bìa sách được in màu tím – màu tôi thích nhất. Họa sĩ Lê Thiết Cương, người rất kén và kỹ tính đã vui vẻ nhận lời vẽ bìa, minh họa cho tập thơ ngay từ đầu năm nay, khi tôi đặt vấn đề. Anh đã rất chiều ý tôi, cho tôi nhiều version để lựa chọn. Anh vẽ bìa với 4 tông màu khác nhau để tôi chọn. Không sành sỏi như họa sĩ, nhưng vì yêu màu tím và thích hình ảnh cô gái tiến về phía trước, cô đơn đối diện với bóng mình, tôi đã chọn bìa màu tím. Anh Cương cũng rất thích lựa chọn của tôi. Sau khi tôi quyết định, anh cho biết: “Anh cũng đoán là em sẽ chọn bìa này”.
Nhà thơ Vi Thùy Linh. Ảnh: Hải Lê. |
Về mặt nội dung, tập thơ gồm 29 bài, chia làm 3 phần: Mãi mãi ngày thơ bé, Tình tự Hà Nội, Con và Paris. Đây là tập thơ song ngữ tiếng Anh đầu tiên của tôi với sự tham gia chuyển ngữ của hai dịch giả Dương Tường và Trịnh Lữ.
Thực sự, đây là một tập thơ có chi phí rất cao. Độc giả khi cầm quyển sách có thể thắc mắc tại sao Vi Thùy Linh lại in nhiều logo tài trợ sau bìa 4 như vậy. Nhưng tôi xin nói, nhiều vậy thôi, chứ mỗi nơi cho một ít. Họ không đòi hỏi phải quảng cáo, nhưng tôi rất biết ơn tấm lòng trân trọng nghệ sĩ và nghệ thuật của họ. Đêm đầu tiên khi mang sách về, tôi đã thức đến 4h sáng cầm quyển sách và khóc, nghĩ đến những ngày chạy vạy vất vả của mình. Tôi đã như một độc giả, đọc say mê tập thơ từ đầu đến cuối.
– Tại sao chị lại mời Dương Tường, Trịnh Lữ chuyển ngữ và Lê Thiết Cương thiết kế về mỹ thuật cho tập thơ?
– Trước hết đó là ba người đàn ông rất đáng yêu, rất có tâm hồn và quyến rũ. Người đàn ông quyến rũ với tôi trước hết phải là người có tài. Họ đồng cảm với tôi, yêu mến thơ tôi. Họ mang đến cho tôi tình cảm và sự tin yêu. Họ cũng là những người làm việc rất chuyên nghiệp: đọc kỹ bản thảo từ rất lâu trước khi bước vào vẽ hoặc dịch và hoàn thành công việc rất đúng thời hạn. Điều đáng quý là tất cả họ đều rất bận, đang phải làm dở nhiều việc. Nhưng vì yêu mến thơ tôi, họ đã dành thời gian để tặng tôi món quà vô giá. Sự hợp tác của họ chính là ghi nhận đáng giá cho tôi, một tác giả trẻ.
– Trong tập thơ này, chị thích bài nào nhất?
– Tình tự Hà Nội. Đó là bài thơ dài nhất tôi từng viết. Bài thơ có những câu thể hiện sự đau lòng của tôi trước hiện thực, người Hà Nội tự đánh mất Hà Nội. Tôi viết: “Cột điện sắt gày xưa cũ / Đánh lạc mình giữa chằng chịt đường dây / Nghiêng dốc nghiêng nhịp mái rêu dày / Ngói vảy cá, ngói ống hoàng lưu ly, gối lên nhau nức nở / Ngói sợ chẳng được sống bao lâu, sẽ ra đi theo nhiều ngôi nhà cổ / Sợ lịch sử ngàn năm đứt mạch phũ phàng / Chỉ có rêu nghe thấy lời ngói cũ… Đi qua phố nghèo, phố giàu rồi cũng về phố cũ / Nắm bàn tay ấm đôi ta tìm lộng gió / Lâu nắm mới được niềm vui xa xỉ / Lững thững trên cầu Long Biên ngắm sông Hồng Hà Nội / Rồi ngồi bên nhau nhìn liễu hồ Gươm lẳng lơ / Anh ghé vào tai em một đôi môi / Không nói điều không cần nói (Mình yêu nhau hơn vì yêu Hà Nội)…
– Thơ của Vi Thùy Linh thường bị vi phạm bản quyền. Với tập thơ mới, chị có biện pháp nào để chống lại hiện trạng này?
– Tôi đã đăng ký bảo hộ bản quyền tại Cục bản quyền tác giả. Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam chưa có ý thức trong việc bảo hộ bản quyền tác phẩm của mình. Trong tình trạng pháp luật của mình chưa hoàn thiện, Việt Nam chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các vụ vi phạm tác quyền, thì nghệ sĩ phải biết bảo vệ thành quả lao động của mình. Không thể trông chờ vào ý thức biết tôn trọng chất xám, sự tự nguyện biết xin phép, trả tác quyền sử dụng, bởi ngay chính trong giới văn nghệ cũng đã có nhiều vụ lấy tác phẩm của nhau không xin phép, mà bản thân tôi từng là nạn nhân. Việc đăng ký bảo hộ bản quyền rất đơn giản. Thủ tục chỉ bao gồm 50.000 đồng lệ phí, đem chứng minh thư và hai cuốn sách đến Cục bản quyền, đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
– Sau “ViLi in love”, con đường thơ của chị sẽ thế nào?
– Thơ là tình yêu và sự sống của tôi. Tôi không bao giờ từ bỏ nó. Tôi không bị kích động bởi phong trào nhà văn đi vẽ tranh mà bỏ thơ làm việc khác. Tôi làm thể loại khác vì có đủ năng lượng để thể hiện mình bằng nhiều phương diện. Nhưng tôi từng nói rằng, tôi không thích cùng một lúc xây nhiều nhà quá: nhà thơ, nhà họa sĩ… Xây nhiều nhà quá thì sẽ thành chung cư. Tôi muốn tập trung kiến thiết những ngôi nhà thật đẹp. Thời gian tới, tôi sẽ tạm dừng thơ để chuyển sang viết tùy bút và văn xuôi.
Lúc đầu tôi định sẽ ra mắt một tập tùy bút trước, nhưng sau khi xem triển lãm Người của họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi lại nảy ra ý định viết chân dung. Có thể sắp tới tôi sẽ ra mắt một tập chân dung với những chi tiết có thực về những nhân vật quen thuộc, khiến người đọc phải bất ngờ.
– Sau 13 năm sáng tác, ước mơ lớn nhất của chị bây giờ là gì?
– Sau thời gian làm sách vất vả, bây giờ, tôi chỉ thèm được ngủ thôi, ngủ thực sự, ngủ no nê đẫy giấc chứ không thức đêm triền miên và sau vài tiếng phải thức dậy bởi chuông báo thức. Ước mơ mà chỉ thế thì thường quá, ấy thế mà nó đã không thể thực hiện được suốt nhiều tháng qua vì áp lực công việc. Trong tương lai, tôi muốn làm một liveshow thơ xuyên Việt. Tôi muốn đi khắp nơi, đọc thơ cho các bạn trẻ nghe, công chúng chính là những người truyền lượng hồng cầu lớn để tôi tự tin trụ vững, thăng hoa. Lúc nào tôi cũng muốn dâng hiến cho bạn đọc, nhất là thanh niên, tận lực sáng tạo của tôi. Đọc thơ cả đêm cho hàng nghìn bạn trẻ, truyền cho họ tình yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và văn chương, là cảnh tượng lộng lẫy nhất mà tôi muốn làm sắp tới.
Hà Linh (Theo VNE)
Bình luận (0)